(TT&VH) - Tuyết rơi trắng xóa Glasgow và những người Scotland vỗ tay đón mừng một người Anh. Đấy là những điều đáng chú ý ở một trận giao hữu của Milan trên vùng đất của người anh hùng William Wallace có “trái tim dũng cảm” 9 thế kỉ trước đã chiến đấu chống lại người Anh, nhưng nay đã tung hô một thần tượng là người Anh. Điều tương tự cũng xảy ra ở Italia. Người Ý từng khinh bỉ Becks, coi anh như một cái mắc áo, nay lại tôn anh thành một người hùng.
Beckham đã chính thức tuyên bố, anh muốn ở lại Milan, muốn tiếp tục thi đấu đỉnh cao cho đến ít nhất là 2010, bật đèn xanh để Milan thương lượng với LA Galaxy. Thế là quá rõ, Becks không muốn trở về Mỹ nữa. Ở đấy, Becks hiểu “my name is nobody” (Tên tôi là không ai cả, tên một bộ phim Viễn Tây nổi tiếng của Sergio Leone), khi người ta vẫn không biết gì nhiều về bóng đá và vẫn chỉ biết đến anh với tư cách là là chồng Posh Spice. Giờ anh nghĩ lại. Một sự hối tiếc sâu sắc vì đã sang một nơi “vùng sâu vùng xa” của bóng đá để xây dựng nên những ảo tưởng về một người khai phá vùng đất mới đã thất bại dù kiếm bộn tiền chỉ sau 1 năm? Một sự thức tỉnh thực sự, khi con người của bóng đá trong anh đang chiến thắng con người của vật chất và sự thực dụng?
Beckham (số 32) muốn ở lại Milan
Không ai biết câu chuyện Becks-Milan-LA Galaxy sẽ đi đến đâu, nhưng dường như đội bóng của Berlusconi đang rơi vào một vòng xoáy kì lạ của thứ bóng đá kết hợp tất cả những gì mà một bậc thầy truyền thông như ông khao khát: đội bóng chiến thắng, những ngôi sao đầy ắp, các sân bóng đông nghẹt khán giả, báo chí đua nhau nói đến Milan và ở đâu đó công chúng huýt sáo, thì là vì họ hờn dỗi và ghen tị chứ không phải vì căm thù. Nhưng bức tranh đẹp đẽ ấy không thiếu những nét nguệch ngoạc. Sự có mặt của Ronaldinho đã khiến Kaka bực tức vì mất vị trí ngôi sao và giảm thiểu ảnh hưởng chiến thuật, sự có mặt của Becks che lấp những ngôi sao khác, những vấn đề của Milan và trở thành một câu hỏi nhức nhối trong các tifosi về định hướng cho tương lai.
Những tranh cãi hay tuyên bố phản đối không xuất hiện trên báo. Nhưng sự thật hiện ra trước mắt tất cả mọi người. Ronaldinho không làm gì xấu để Ancelotti bắt ngồi dự bị trong 4 trận liên tiếp và luôn có gắng để thuyết phục Ancelotti mỗi khi có thể. Nhưng thời gian để anh làm điều đó quá ít. Thời gian dự bị quá lâu đã lấy đi phong độ tốt nhất của anh và những dòng tít dành cho anh này bị Beckham và Kaka chiếm mất. Trước Rangers (hòa 2-2), anh đã đá chính, chơi trên sân 61 phút, sút trúng cột dọc 1 lần từ quả đá phạt. Quá ít. Vấn đề là những sự trùng lặp kinh khủng đã khiến anh “mất điểm”: anh vừa rời sân, được thay bằng Kaka, thì chính Kaka tỏa sáng và ghi 1 bàn thắng.
Không ai tìm ra cho anh và cho chính Milan một giải pháp, khi tất cả đều đổ hết lên đầu Ancelotti, người cũng chỉ biết cách cho anh ngồi ngoài để đảm bảo cân bằng đội hình. Hôm thứ năm, Berlusconi thậm chí còn gọi điện cho Ancelotti: “Tại sao lâu nay chẳng thấy Ronie ra sân gì cả?”. Cuộc gọi ấy và việc Pirlo bị treo giò có giúp Ro “vẩu” đá chính trong trận gặp Reggina? Nhưng không chỉ Ronaldinho buồn bã. Người đồng hương Emerson đã biến mất từ một tháng nay, chỉ ra sân 10 trận Serie A, 5 ở Cúp UEFA và luôn là người đứng cuối cùng trong danh sách lựa chọn của Ancelotti. Còn bộ đôi khét tiếng Sheva-Pippo trong những năm 2002-2004? Một khi Ronaldinho xuất hiện, một suất tiền đạo không còn nữa.
Một khi Pato ghi bàn liên tục như thế, Ancelotti không thể để anh ngoài sân và làm từ thiện cho 2 chân sút kia. Ví dụ tiêu biểu: Trước Rangers, Shevchenko ra sân nhường chỗ cho Pato và Pato ghi bàn mở tỉ số. Mùa này, Pippo đã ghi 4 bàn. Quá ít. Sheva 2. Còn ít hơn thế nữa. Họ trở thành cặp tiền đạo trong các trận giao hữu kiếm tiền thay vì kiếm Cúp như những năm đỉnh cao. Còn Flamini? Anh đã từ chối tất cả những lời mời chào để đến Milan, rốt cục từ đá chính ở Arsenal sang dự bị ở Milan. Nhưng anh còn trẻ, tương lai còn dài. Còn những người kia, chỉ ngày một ngày hai nữa thôi. Không ghen tị với Becks, nhưng những người mới đây thôi còn được ca ngợi như những siêu sao không khỏi chạnh lòng khi thời thế và lòng người đổi thay. Bao giờ cái khối bất mãn ấy sẽ bùng lên?
Bây giờ sóng có vẻ vẫn yên, biển vẫn có vẻ lặng. Nhưng sóng ngầm đã nổi lên dưới mặt bể. Milan giống như người Palestine. Khi khoảng cách với Inter chỉ còn 6 điểm, họ đang phát động một cuộc “Intifada” (nổi dậy) chống lại ách áp bức của “Israel” Inter sau 3 năm ròng đội bóng này “chiếm đóng” Serie A. Nhưng cuộc nổi dậy ấy có nguy cơ thất bại, bởi đang có những Palestine khác đang nổi dậy trong lòng của chính Milan...
6.172 euro cho một phút của Pippo!
Trong khi tỷ lệ thất nghiệp của Italia đã tăng lên 6,7%, số người làm đơn xin trợ cấp thất nghiệp mỗi ngày một nhiều trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế, thì ở Serie A, vẫn có những triệu phú ngồi không “hái tiền”. Anh em nhà Inzaghi là ví dụ. Họ đang đứng đầu danh sách những người đá ít mà lương nhiều, một sự phí phạm kinh khủng. Từ đầu giải đến giờ, Inzaghi em mới chỉ chơi tổng cộng 90 phút ở mùa này cho Lazio, với trị giá ra sân tính theo lương mỗi phút của anh là 6.250 euro, đứng đầu bảng. Ngay theo sau là ông anh Pippo, với 6.172 euro/phút. Ngay phía sau là ai? Shevchenko. Milan trả anh 2 triệu euro tiền lương và mỗi phút ra sân ở Serie A của anh tốn 5.645 euro. Thu nhập trung bình của một người Ý bình thường 1 tháng là bao nhiêu? 1.200 euro! |
Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Italia)