11/11/2011 13:30 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Nhân kỷ niệm 150 năm sinh và 70 năm ngày mất của Rabindranath Tagore, sáng ngày 10/11, Hội Nhà văn Việt Nam và Đại sứ quán Ấn Độ đã tổ chức lễ đặt tượng đại thi hào Tagore tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, 275 Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, công trình Bảo tàng Văn học Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định thành lập vào ngày 8/11, sau 5 năm xây dựng và hoàn thiện. Việc đặt bức tượng của đại thi hào Tagore tại đây vào đúng dịp cả thế giới đang tưng bừng các hoạt động kỉ niệm 150 năm ngày sinh của ông là một việc làm ý nghĩa, thể hiện sự trân trọng, yêu quý của các nhà văn, nhà thơ và nhân dân Việt Nam đối với những giá trị toàn nhân loại đáng quý mà đại thi hào Tagore đã để lại qua cuộc đời và sự nghiệp văn học, âm nhạc và hội họa đồ sộ của mình.
Lễ đặt tượng Tagor tại Bảo tàng Văn học VN
Ông Ranjit Rae, đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam bày tỏ sự cảm kích trước lòng trân trọng và yêu mến mà nhân dân Việt Nam dành cho thi hào Tagore – người con ưu tú của đất nước Ấn Độ. Ngài Đại sứ hy vọng rằng sự kiện này sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ giao lưu về văn học nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói chung giữa 2 đất nước Việt Nam - Ấn Độ trong những năm tới.
Trước đó, vào ngày 9/11, tại khách sạn Melia, Hà Nội, Đại sứ quán Ấn Độ, Hội nhà văn Việt Nam và Trung tâm Khoa học xã hội & Nhân văn Quốc gia cũng đã phối hợp tổ chức một hội thảo quốc tế về cuộc đời, sự nghiệp của đại thi hào Tagore với sự tham gia của nhiều chuyên gia, học giả nổi tiếng ở trong và ngoài nước. Tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định: Các tác phẩm của Tagore, đặc biệt là thơ và văn xuôi, là sự kết tụ của những giá trị nhân văn cao đẹp. Giá trị toàn nhân loại trong các tác phẩm của ông thể hiện ở tư tưởng, khát vọng chống lại sự nghèo đói, chống lại các thế lực đè nặng lên con người; đặc biệt là giải phóng con người và bênh vực quyền sống của con người trên toàn thế giới. Từ khoảng giữa thế kỉ trước, nhiều tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Việt và để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ người đọc Việt Nam.
“Châu Á của chúng ta tự hào vì có một đại thi hào như Tagore. Các tác phẩm của ông thể hiện những tư tưởng nhân văn lớn, là sự mẫu mực về kết hợp hài hòa văn hóa Đông - Tây và là cầu nối của quá khứ, hiện tại và tương lai. Đó là một kho báu vô giá, hữu ích không chỉ cho công cuộc khẳng định những giá trị dân tộcc mà cho cả hành trình duy trì phổ biến các giá trị nhân bản ngày hôm nay” – Dịch giả Thúy Toàn nhận định.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất