Kết thúc cuộc thi viết Bạn đọc với 30 năm TT&VH: Những “mối tình đầu” 30 tuổi

18/08/2012 08:43 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Chúng tôi xin dùng lại từ của PGS - TS Nguyễn Thị Minh Thái - thành viên Ban Giám khảo cuộc thi Bạn đọc với 30 năm TT&VH - để nói về những tình cảm của đồng nghiệp, bạn đọc dành cho TT&VH thể hiện qua hơn 100 bài gửi tới tham dự cuộc thi này.

Đây không phải là lần đầu tiên báo TT&VH tổ chức một cuộc thi viết theo chủ đề. Nhưng chủ đề về hơn 3840 số báo TT&VH từ thời 1 kỳ/ tuần, 2 kỳ/ tuần, 3 kỳ/ tuần rồi xuất bản hàng ngày (cùng với các ấn phẩm: TT&VH Cuối tuần, TT&VH điện tử, và tất nhiên không thể không nhắc tới bản tin Văn hóa Toàn cảnhHành tinh Thể thao phát trên kênh Truyền hình VNEWS), quả là một “cuộc hành trình” dài.

“Thách thức” giám khảo

Không chờ tới vòng chung khảo (với 32 bài viết), hàng trăm trang viết (gửi qua đường bưu điện và e-mail) cùng với rất nhiều tư liệu ảnh đã thực sự “thách thức” những người tham gia công tác sơ khảo ngay từ vòng ngoài. Chấm thi người đẹp, giám khảo có thể dựa trên những số đo về nhân trắc học “mắt thấy”, “tai nghe”. Trong khi đó, những người làm công việc chấm chọn bài viết về 30 năm TT&VH chỉ có thể “đo” tình cảm của đồng nghiệp, bạn đọc - những người chỉ ở trong tưởng tượng - qua trang viết.

Vì thế mà, nhà báo Đỗ Phượng - nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, nguyên TBT báo TT&VH – Chủ tịch Hội đồng Giám khảo và các giám khảo vòng chung khảo: nhà báo Bùi Ngọc Hải - nguyên TBT báo TT&VH, nhà báo Ngô Hà Thái - Phó tổng giám đốc TTXVN, PGS - TS Nguyễn Thị Minh Thái, và Tổng biên tập báo TT&VH Trương Lê Kim Hoa đã thống nhất chấm các bài thi dựa trên tình cảm, cảm xúc và những kỷ niệm của các tác giả dự thi dành cho báo TT&VH.

    Số báo đầu tiên của TT&VH, khi ấy có tên Văn hóa Thể thao Quốc tế, ra ngày 21/8/1982

Dựa trên kết quả chấm chọn, các giám khảo nhất trí chưa có tác phẩm nào có thể đạt tới giải A. Tuy nhiên, tình cảm chân thành mà độc giả dành cho báo TT&VH thì rất nhiều, khó mà đo đếm hết. Với mục đích tri ân bạn đọc, Hội đồng giám khảo thống nhất mở rộng cơ cấu giải thưởng như sau: 3 giải B, 6 giải C và 10 giải Khuyến khích. Như vậy, số lượng giải thưởng đã được tăng lên gấp đôi so với dự kiến ban đầu.

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét: “Đọc các bài dự thi tôi thấy phân loại được các tác giả: những người làm báo yêu báo TT&VH, những độc giả yêu báo TT&VH, những người mà nhờ có báo TT&VH đã trở thành những người làm báo. Cuộc thi này chính là để báo TT&VH kiểm lại "mối tình đầu" của mình…   

Điều tôi ghi nhận ở báo TT&VH là luôn viết những đề tài nóng, thời sự mà bạn đọc quan tâm. Người ta thích đọc ở TT&VH các trang văn hóa nghệ thuật bởi ở đây, người ta thấy được sự lao động của các nghệ sĩ trên mọi lĩnh vực nghệ thuật, từ sân khấu, kiến trúc, hội họa, điện ảnh do những nhà báo giỏi nghề viết, phân tích. Chính vì thế, các trang văn hóa văn nghệ của TT&VH đã từng là đề tài khóa luận tốt nghiệp cho các sinh viên của tôi…”.

Những “kỷ lục”…

Nếu có “kỷ lục” bạn đọc cao niên nhất của cuộc thi viết Bạn đọc với 30 nămTT&VH thì có lẽ phải trao nó cho tác giả Bùi Ngọc Sách - cán bộ tiền khởi nghĩa, hiện cư trú tại TP. HCM. Cái “duyên” đưa lão độc giả này đến với báo TT&VH là khi ông gửi đơn “kêu cứu” tới các báo về việc phục hồi tấm bia Hùng vương từ khảo do cha ông - Phụng chí triều đình Huế Bùi Ngọc Hoàn - dựng tại đền Hùng năm 1940. Đơn thư gửi đi, chỉ có TT&VH hồi đáp và đăng tải thông tin. Sau bài báo ấy, Cục Di sản văn hóa đã vào cuộc và thực hiện việc phục hồi văn bia trên núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ) trong sự vui mừng của con cháu dòng họ Bùi.

“Tri kỷ” là từ khóa được độc giả sử dụng nhiều nhất khi nói về tình cảm mà họ dành cho TT&VH suốt 30 năm qua. Những “mối tình đầu” 30 tuổi ấy khiến chính những người làm báo TT&VH phải cảm thấy trân quý nó. Bạn đọc Tôn Thất Thọ (TP. HCM), Nguyễn Quốc Huy (HN), Nguyễn Hữu Minh (hiện định cư tại Australia), Phạm Công Thắng (TP. HCM)… đã gọi TT&VH là bạn tri kỷ, là “người tình”. Huỳnh Thị Thiện Đức là con gái, yêu bóng đá, gọi TT&VH là “bồ nhí”. Hay Mai Đức Dũng - một doanh nhân trẻ 8X ở TP. HCM - lại kêu TT&VH bằng... “em”!!!

Độc giả Nguyễn Bích Thọ - một “nhân chứng” cho cuộc khai sinh TT&VH - nhớ lại: Tháng 6/1982 TTXVN ra tờ Tin nhanh Espana ‘82. Những trận cầu nóng bỏng, nốc ao tóe lửa ở Tây Ban Nha với sự tỏa sáng của P. Rossi, của U22 Maradona bị đuổi giữa chừng, của đoàn quân Thiên thanh quật đổ tượng đài Brazil đã khiến bạn đọc xếp hàng rồng rắn ở trụ sở TTXVN, chen nhau, đẩy nhau... chìa tờ giấy (đã đăng ký trước) để nhân viên TTX gạch ô, đưa tin. Rồi những buổi chiều hè nóng bỏng 38, 39 độ C, ở hè đường rát bỏng, bên kia đường, sảnh Trường ĐH Tổng hợp - phố Lê Thánh Tông, bạn đọc mồ hôi, mồ kê, tay quạt giấy phành phạch sốt ruột chờ đợi Tin nhanh, do Nhà in TTXVN bị hỏng máy…

… Và những cuộc chuyển giao thế hệ

30 tuổi - quãng thời gian sinh học đủ để sản sinh một thế hệ. Còn ở khía cạnh tinh thần, TT&VH cũng đã chứng kiến những cuộc chuyển giao thế hệ về tình yêu, niềm đam mê, sự hiểu biết, ham học hỏi… Bạn đọc Dương Kiều Linh kể câu chuyện xúc động về người cha - một nhà báo nghèo - đã làm cái việc “không công” là cẩn thận biên tập, sửa chữa, nhận xét rất kỹ từng số báo, sau đó mới chia cho các con đọc. Khi ông cụ mất, đến giờ, các con vẫn mua báo TT&VH số Xuân đặt lên bàn thờ cúng ông cùng với những món ăn giản dị ông thích lúc sinh thời.

Còn họa sĩ Lê Sa Long thì chia sẻ một câu chuyện khác về người cha yêu bóng đá, yêu TT&VH. "Ông mê TT&VH vì báo đưa những thông tin nhanh nhạy có tính chất tổng hợp, nhiều bài dịch hay". Tình yêu ấy được truyền cho các con ông. Bây giờ, mỗi lần ra thăm mộ ông, các con vẫn hóa vàng cho ông “đọc” tờ báo thân yêu - người bạn thân thiết gần 30 năm của ông.

Tình yêu “gia truyền” với TT&VH còn được kể trong những câu chuyện khác của bạn đọc Cao Thị Hồng Nhung (Hà Nội), Giáp Văn Nam (Bắc Giang), Đào Quốc Thắng (Hà Nội)…

Cho đến giờ, dù chưa có một nghiên cứu chính thức, song chắc chắn, TT&VH là một trong những tờ báo giải trí đầu tiên ở VN. TT&VH ra đời sau Espana '82 đã góp phần nâng cao hiểu biết về bóng đá cho những độc giả đang thiếu thốn tin tức ở lĩnh vực này, và sự xuất hiện ấy được người hâm mộ thể thao đón chào nồng nhiệt.

                                  *****

Nhìn hàng trăm trang viết và tư liệu hình ảnh rưng rưng ân tình của bạn đọc, những người làm báo TT&VH đã tâm niệm với nhau một điều: Hãy nghĩ về tình yêu của bạn đọc dành cho tờ báo trước khi đặt bút viết!

Giải chính thức cuộc thi viết Bạn đọc với 30 năm TT&VH:

Giải B:
- Chùm bài của tác giả Vi Thùy Linh (gồm: Festival tinh hoa 30 năm; Quãng thanh xuân rực rỡTrên cánh đồng cống hiến).
- Chùm bài của tác giả Lê Sa Long (Cha và con và... TT&VH; Sân chơi hoành tráng của các họa sĩ biếm).
- Một vài kỷ niệm với TT&VH (Lê Chí Dũng).

Giải C:
- Đơn giản là… Thể thao &Văn hóa (Tân Linh).
- Tờ báo và chiếc Iphone (Nam Hải).
- Kỷ niệm về một bài báo (Đào Quốc Thắng).
- Tôi và TT&VH (Thanh Phúc).
- Những câu chuyện về độc giả TT&VH ở thành phố di sản (Uyên Nguyên).
- Cha tôi yêu TT&VH như định mệnh (Dương Kiều Linh).


Giải Khuyến khích
- Thời khốn khó (Nguyễn Bích Thọ).
- TT&VH- Những điều bình dị mà cao quý mỗi ngày (Mai Đức Dũng)
- Cho thầy ngó nhờ tờ TT&VH chút (Đình Hùng).
- Ngược chiều vun vút (Nhật Minh).
- Cống hiến - Một giải thưởng có giá trị nghệ thuật đích thực (Nguyễn Đước).
- Nhà báo đi bán báo (Nguyễn Ngọc Quả).
- Tôi làm đầu bếp cho đội tuyển Pháp như thế nào? (Nguyễn Đăng An).
- 30 năm đồng thành Thể thao &Văn hóa (Lê Phi Hùng).
- Kỷ niệm thuở thiếu thời với báo TT&VH và bóng đá Liên Xô (Đặng Anh Thư).
- Vì sao tôi chỉ mua TT&VH (Nguyễn Gia Bào).


Các giải thưởng sẽ được BTC - Báo TT&VH trao tặng trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 30 năm TT&VH ra số báo đầu tiên vào ngày 21/8/2012 tại Hà Nội, và ngày 24/8/2012 tại TP.HCM.

BTC cuộc thi viết Bạn đọc với 30 năm TT&VH

Mùa Hè 1988, cả Hà Nội lại nóng lên vì EURO và chúng tôi cũng không là ngoại lệ. Nhưng mùa Hè này lại khác. Tình hình biển Đông lại còn "nóng" hơn. Các buổi “giao ban” bóng đá bị dẹp bỏ, thay vào đó là phổ biến tình hình, diễn biến tại khu vực đảo Cô Lin, Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Chúng tôi vẫn duy trì nếp “sưu tầm” báo TT&VH (lúc đó mang tên Văn hóa Thể thao Quốc tế) hàng ngày, nhưng các buổi “bình luận bóng đá” thì rút ngắn rất nhiều, chỉ giới hạn trong lúc giải lao và nghỉ trưa. Niềm hứng khởi vì Liên Xô vào sâu phải kìm lại, dành thời gian cho quốc gia đại sự.

Tôi nhận lệnh vào Cam Ranh, chuẩn bị cho CV- 88, một hoạt động chi viện cho Trường Sa. “Ông yêu tâm, bọn này sẽ lưu toàn bộ Văn hóa Thể thao Quốc tế để ông về xem lại”. “Tốt nhất là khi nào có điều kiện các ông gửi vào ngay cho tôi để cập nhật tin tức (bóng đá), khỏi lạc hậu với tình hình”. Và các bạn biết không, theo kế hoạch, đêm đó tàu rời cảng Cam Ranh để ra Trường Sa thì buổi chiều chuyến máy bay quân sự từ Hà Nội vào đã mang đến cho tôi một gói quà bao gồm toàn bộ các số báo Văn hóa Thể thao Quốc tế (8 số tất cả) trước, trong và sau giải EURO ‘88.

Không biết có phải nhờ đọc báo hay không mà suốt chặng đường 2 ngày 3 đêm ra đảo tôi không hề say sóng, chỉ mệt mỏi chút ít. Trong thời gian đó, tôi cứ đọc xong tờ báo nào là nó lại được chuyền tay đến anh em cán bộ chiến sỹ trên tàu. Mọi người đọc xong đều bình luận rất say sưa, quên cả quãng đường đầy gian khổ vì có lúc biển động đến cấp 6.
Khi chờ xuồng để vào đảo, anh em trên tàu gom lại toàn bộ báo trả cho tôi, một đồng chí thiếu úy (tôi quên tên vì lâu quá) nói bâng quơ:

- Giá anh cho em số báo này để mang vào đơn vị em thì tốt quá.

- Cậu ở đảo nào? - tôi hỏi.

- Em ở Song Tử anh ạ.

- Cậu cầm lấy đi, nhớ bảo quản cho tốt, với các cậu thì tiếc gì - tôi nói.

Tôi biết lúc đó báo chí đối với cán bộ chiến sĩ trên các đảo là món quà hết sức quý, nhất là lại là báo Văn hóa Thể thao Quốc tế, một món ăn giải trí tinh thần rất quan trọng. Thế là năm 1988 báo TT&VH đã có mặt ở Trường Sa!

(Trích bài viết Một vài kỷ niệm với TT&VH của tác giả Lê Chí Dũng)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm