J-League đã làm thay đổi bóng đá Nhật Bản

17/02/2023 06:30 GMT+7 | Thể thao

Bóng đá Nhật Bản vẫn chỉ là vùng trũng khi J-League khởi tranh cách đây 30 năm nhưng thành công của nó đã giúp bóng đá nước này phát triển mạnh và giúp đội tuyển quốc gia có mặt thường xuyên tại World Cup.

J-League bắt đầu mùa bóng mới ngày hôm nay và thực tế giải đấu đã trải qua một chặng đường dài kể từ khi ra mắt vào năm 1993 với ánh đèn nhấp nháy, guitar rock và pháo hoa tại Sân vận động Quốc gia Tokyo.

Văn hóa bóng đá đã bén rễ ở Nhật Bản

Mùa giải đầu tiên của giải đấu có 10 đội nhưng sau 30 năm, con số này đã tăng lên 60 đội từ khắp Nhật Bản thi đấu ở 3 hạng. Nói ngắn gọn, các CLB đã trở thành một phần quan trọng trong cộng đồng địa phương của họ và theo Chủ tịch J-League Yoshikazu Nonomura, "văn hóa bóng đá đã bén rễ ở Nhật Bản".

"Khi giải đấu bắt đầu, tôi nghĩ rất nhiều người coi nó chỉ là trò giải trí hào nhoáng", ông nói. "30 năm đã trôi qua và tôi nghĩ chúng tôi đang tiến gần đến J-League thực sự mà chúng tôi hướng tới".

J-League mang bóng đá chuyên nghiệp đến Nhật Bản và thay thế các đội bóng công ty của giải công ty cũ bằng các CLB đại diện cho khu vực địa phương của họ. Ở đây, những bản hợp đồng tên tuổi như Zico và Gary Lineker đã giúp nâng cao vị thế của giải đấu mới, trong khi những cầu thủ địa phương như Kazuyoshi Miura cũng trở thành một ngôi sao lớn.

Chất lượng được cải thiện đã giúp đội tuyển Nhật Bản, đội chưa bao giờ vượt qua vòng loại World Cup vào thời điểm đó. Thực tế là sau 5 năm của J-League, đội tuyển Nhật Bản đã xuất hiện lần đầu tại Pháp vào năm 1998 và điều khó tin là họ chưa từng bỏ lỡ một kì World Cup nào kể từ đó. Ngoài ra, họ cũng đã 4 lần lên ngôi vô địch châu Á.

Nhờ đó, J-League được xem như một mô hình để Trung Quốc noi theo về cách đào tạo các cầu thủ cây nhà lá vườn, giúp xây dựng đội tuyển quốc gia và có các CLB được điều hành dựa trên nền tảng tài chính lành mạnh.

Kengo Nakamura, người từng tham dự World Cup 2010, cho biết J-League là "nền tảng" giúp đội tuyển quốc gia tiến bộ hơn. "J-League bắt đầu và chúng tôi trở nên chuyên nghiệp, cùng với đó là nhận thức, động lực và chất lượng của các cầu thủ tăng lên", anh nói.

Và các CLB châu Âu cũng bắt đầu quan tâm đến các cầu thủ Nhật Bản ngay sau khi J-League bắt đầu, với việc Miura và Hidetoshi Nakata kí hợp đồng cho các đội bóng ở Serie A của Italy.

J-League đã làm thay đổi bóng đá Nhật Bản - Ảnh 1.

J-League sắp bước sang tuổi thứ 30

 "Mitoma tiếp theo"

Dòng cầu thủ Nhật Bản ra nước ngoài thi đấu đã tăng lên trong những năm qua - chỉ có 7 cầu thủ trong đội tuyển Nhật Bản tham dự World Cup 2022 ở Qatar là thi đấu cho các câu lạc bộ tại J-League. Xu hướng này đã giúp Nhật Bản trên đấu trường quốc tế, nhưng lại để lại khoảng trống ở J-League.

"Cá nhân tôi muốn thấy nhiều cầu thủ J-League khoác áo đội tuyển quốc gia hơn vì điều đó sẽ khiến mọi người hào hứng với J-League", Nakamura, người đã có gần 700 lần ra sân cho Kawasaki Frontale, cho biết. "Nếu đội tuyển quốc gia thi đấu và sau đó bạn nói với mọi người, 'Được rồi, hãy xem J-League ngay bây giờ', họ nói, 'Chà, chúng ta có thể xem ai đây?'"

Frontale đã 4 lần vô địch J-League trong 6 mùa giải qua nhưng họ đã phải chứng kiến 5 tuyển thủ Nhật Bản, trong đó có cầu thủ chạy cánh Kaoru Mitoma của Brighton, ra đi trong 2 năm qua. Theo Nakamura, sẽ rất khó để ngăn cầu thủ Nhật Bản chuyển đến châu Âu và tin rằng xu hướng này "thậm chí có thể tăng tốc" trong những năm tới.

Vì thế anh cho rằng, các CLB ở J-League cần đảm bảo rằng họ "mang về tiền để họ có thể sản xuất Mitoma tiếp theo" khi các cầu thủ ra đi. Anh nói: "Vẫn có những trường hợp các cầu thủ hoàn thành hợp đồng và rời châu Âu mà không có CLB nhận được bất cứ điều gì cho họ, điều này rất tai hại. Thách thức đối với các CLB ở J-League là đảm bảo rằng họ được đền bù xứng đáng cho các vụ chuyển nhượng".

Thay đổi cuộc sống

Tuy vậy, J-League vẫn thu hút một số lượng nhỏ các cầu thủ nổi tiếng, mặc dù họ thường đã qua thời kì đỉnh cao. Chẳng hạn như những nhà vô địch World Cup là Andres Iniesta, Fernando Torres, David Villa và Lukas Podolski đều đã chơi ở Nhật Bản trong những năm gần đây. Trong số này, Iniesta thậm chí vẫn đang thi đấu cho Vissel Kobe và chuẩn bị bắt đầu mùa giải J-League thứ 6 ở tuổi 38.

Hậu vệ Tomoaki Makino, người đã thi đấu cùng Iniesta tại Kobe mùa trước trước khi giải nghệ, cho biết giải đấu cần những tên tuổi lớn đó vì điều đó nâng cao chất lượng tổng thể. Anh nói: "J-League cũng tạo ra một loại áp lực tốt cho toàn bộ CLB, chẳng hạn như với các cơ sở y tế, công khai và tuyển dụng".

Và quan trọng là J-League mang đến niềm tự hào cho người Nhật Bản, như Nakamura chỉ 13 tuổi khi xem trận khai mạc của J-League trên truyền hình. "Điều đó khiến tôi muốn chơi ở J-League", anh nói. "Tôi nghĩ J-League đã mang đến ước mơ cho rất nhiều trẻ em. Theo một cách nào đó, đó là khoảnh khắc đã thay đổi cuộc đời tôi".


Mạnh Hào

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm