Đội tuyển Italy: Thay đổi thì không 'chết'

12/10/2015 12:51 GMT+7 | Bóng đá Italy

(Thethaovanhoa.vn) - Người Italy thường không “chết” vì kém tài. Người Italy thường “chết” vì bảo thủ. Sau chức vô địch World Cup 1982, Enzo Bearzot viết rằng nó là một lời nguyền, khiến ông chỉ muốn giữ mãi những người hùng thay vì tách họ ra.

Đội Italy trải qua vòng loại EURO 1984 thảm họa khi thua Thụy Điển, Romania và hòa… Đảo Cyprus. Sau chức vô địch thế giới là không qua được vòng loại giải VĐ châu Âu 1984.  Italy sau đó đi tới World Cup 1986 với đội hình già cỗi mà người hùng Paolo Rossi 4 năm trước vẫn được gọi nhưng không đá trận nào. Họ chỉ thắng mỗi Hàn Quốc ở giải đó và bị loại bởi đội Pháp của Michel Platini. Bearzot từ chức nhưng điều lạ lùng nhất là không kẻ bại trận nào nhận sự giận dữ của dư luận khi về nước. “Tuần trăng mật” của chức vô địch World Cup 1982 kéo dài tới tận 4 năm.

Đội Italy vô địch thế giới năm 2006 của Lippi cũng già cỗi như thế vào năm 2010 ở Nam Phi và bị loại từ vòng bảng.

Đội Italy Á quân châu Âu của Cesare Prandelli không gây được bất ngờ gì nữa ở World Cup 2014  và chịu kết cục tương tự.

Antonio Conte có thể không tạo được một lối đá bắt mắt nhưng điều cốt lõi là ông dám thử nghiệm. Đội Ý hôm qua sử dụng hệ thống ưa thích nhất của Conte khi mới vào nghề là 4-2-4, chơi khoáng đạt (dù Azerbaijan quá yếu). Đội Ý sử dụng 4 cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài tràn đều từ hàng thủ đến công, là Darmian (hậu vệ phải), Verratti (tiền vệ trụ), El Shaarawy (tiền vệ trái) và Pelle (tiền đạo). 2/3 cầu thủ ghi bàn là Oriundo (cầu thủ có gốc gác nước ngoài, Eder và El Shaarawy) trong khi bàn còn lại được ghi nhờ Matteo Darmian, người đang chơi bóng ở Anh.

Những chi tiết đó, cùng việc Conte đã sử dụng Verratti cho thấy cựu HLV Juve không phải một kẻ bảo thủ như lo ngại. Ông sử dụng 3 sơ đồ chiến thuật, phát triển lối bóng đá tốc độ, giành chiến thắng 6 trận và hòa 3 ở vòng loại EURO. Lối chơi không đẹp, đôi khi còn rất chán, nhưng có một đặc điểm đáng ghi nhận là Conte chịu khó thay đổi.

Năm sau, Andrea Pirlo 37 tuổi, đã “nằm nghỉ” ở đất Mỹ 1 năm, trải qua 1 năm không bóng đá đỉnh cao, không trận cầu đỉnh cao, không tập luyện với các đồng đội đẳng cấp nhất, chẳng gì đảm bảo anh còn sung sức để chinh chiến tại giải đấu kéo dài 1 tháng vào mùa Hè.

Sau 1 năm nữa, chẳng ai biết đôi chân El Shaarawy sẽ còn thoăn thoắt thế kia hay nói gở, lại bó bột trên giường bệnh; chẳng ai dám chắc những cựu binh như De Rossi, Chiellini, Barzagli, Bonucci, Buffon… còn giữ được phong độ cao nữa không để cống hiến hết tinh hoa của họ cho đội tuyển. Cho nên, sẵn sàng thay đổi là thái độ đúng đắn.

Đến Enzo Bearzot nếm vị ngọt vinh quang trong 4 năm và Marcello Lippi huyền thoại còn coi nhẹ thất bại ở 1 kì World Cup vì những gì mình có, thì chẳng cớ gì một người non trẻ như Conte lại không bị cuốn vào.

Đáng quý nhất là ông không bị vỗ về bởi những chiến công tầm thường. Conte nghĩa là lao động, chiến đấu và không ngại tìm tòi.

D.H
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm