Hoàn thiện tiêu chí đánh giá không gian văn hóa sáng tạo

09/10/2023 11:00 GMT+7 | Văn hoá

Hội thảo Tham vấn về mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội do Sở VH&TT Hà Nội, Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc (UN-HABITAT) cùng tổ chức, diễn ra vào tuần qua tại Hà Nội. Tại đây, các nhà quản lý, người làm công tác văn hóa, sáng tạo, cùng thảo luận để hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá các không gian văn hóa sáng tạo.

Sau khi hoàn thiện, bộ tiêu chí đánh giá sẽ tạo cơ sở để nhận diện các không gian sáng tạo, thu hút các không gian này tham gia, hình thành mạng lưới không gian sáng tạo tại Hà Nội. Đồng thời, kết nối với các mạng lưới không gian sáng tạo của nhiều nước khác.

Từ việc lắng nghe các đơn vị

Trong tháng 8, 9 vừa qua, Hanoi Grapevine đã rà soát, kiểm kê các không gian văn hóa sáng tạo tại Hà Nội. Qua hoạt động này, tổ chức này đã tập trung vào khối tư nhân, để bước đầu đưa ra bộ tiêu chí đánh giá. Các không gian do nhà nước quản lý, do có đặc thù riêng và đa dạng về hình thức hoạt động, nên sẽ tiếp tục rà soát sâu hơn trong thời gian tới.

Khi được hỏi, các không gian mong muốn nhận được sự hỗ trợ gì từ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong số các đơn vị tham gia khảo sát, 86,2% đơn vị mong muốn nhận được sở hỗ trợ về mặt truyền thông, quảng bá. 79,3% muốn có thể kết nối với các không gian trong mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo. 65,5% muốn được cấp phép các chương trình sự kiện. 72,4% rất cần được tài trợ tài chính.

Hoàn thiện tiêu chí đánh giá không gian văn hóa sáng tạo - Ảnh 1.

Hội thảo Tham vấn về mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội

Từ những mong muốn của các không gian văn hóa sáng tạo trên, Hanoi Grapevine đã phác thảo bộ tiêu chí đánh giá hướng tới 5 tiêu chí chính: hình thức tổ chức, hình thức hoạt động, loại hình hoạt động, lĩnh vực hoạt động, tính tích cực và bền vững. Trong đó, xác định các không gian văn hóa sáng tạo có hoạt động tích cực và trên nền tảng bền vững hay không là điều quan trọng và cần thiết để phát triển mạng lưới không gian văn hóa vững mạnh, có ảnh hưởng tích cực đến xã hội.

Hoạt động bao lâu mới đáp ứng đủ?

Trong bộ tiêu chí, để đánh giá về tính tích cực và tính bền vững của không gian văn hóa sáng tạo, cần có thời gian hoạt động tối thiểu từ 3 đến 5 năm. Ông Vũ Cao Cường (Giám đốc truyền thông và đối ngoại của Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời) cho hay, dàn nhạc thành lập từ năm 2017. Tính đến nay đã được 5 năm. Nhưng nhiều dự án bị gián đoạn do dịch Covid-19, nên dàn nhạc phải tạm ngưng mất 2 năm. Nếu nói thời gian hoạt động chính thức, dàn nhạc này mới hoạt động được hơn 2 năm. Chính vì thế, đối với mốc 3 đến 5 năm hoạt động liên tục, không ngắt quãng, thì nhiều tổ chức thành lập trước hoặc sau dịch Covid-19 khó có thể đáp ứng được tiêu chí. Ông Cường kiến nghị tổ soạn thảo xem xét rút ngắn yêu cầu về thời gian hoạt động tối thiểu.

Hoàn thiện tiêu chí đánh giá không gian văn hóa sáng tạo - Ảnh 2.

Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời. Ảnh tư liệu

PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia) băn khoăn, với mốc thời gian như đã định, liệu rằng các không gian văn hóa sáng tạo mới thành lập tại Hà Nội có đủ sức duy trì hoạt động chừng ấy năm để được công nhận theo tiêu chí đánh giá này hay không. Bởi, bà Phương nhận thấy, hiện nhiều không gian văn hóa sáng tạo với kinh nghiệm còn non trẻ, vẫn đang loay hoay không biết vận hành ra sao. Nguyên nhân có thể kể đến đầu tiên là do thiếu chính sách, ngân sách hỗ trợ cho các không gian ấy.

Bà Phương dẫn chứng ở Trung Quốc, ngành văn hóa đã đầu tư khoảng 2 triệu đô-la Mỹ cho quỹ sáng tạo của một thành phố. Trích từ nguồn kinh phí trong quỹ, họ đã xây dựng các không gian, tổ chức các cuộc thi, các lớp tập huấn, giới thiệu các sản phẩm, mô hình mẫu… Nhờ đó, các không gian sáng tạo có thể kéo dài thời gian vận hành. Vì thế, ở nước ta, bà Phương rất mong muốn cần có sự chung tay tiếp sức cho các không gian văn hóa sáng tạo từ phía nhà nước và các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân.

Cần mở rộng phạm vi

Trong thời gian qua, Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời đã tổ chức nhiều buổi hòa nhạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Hồ Gươm. Song, mục đích thành lập của dàn nhạc là nâng tầm hưởng thụ âm nhạc cổ điển của khán giả Việt Nam. Vì thế, ông Cường cùng các cộng sự mong muốn dàn nhạc sẽ có cơ hội đến gần hơn với nhiều đối tượng khán giả tại nhiều không gian biểu diễn khác nhau. Một trong các không gian mà dàn nhạc mong muốn sớm được biểu diễn trong thời gian tới là tại các trường học.

Hoàn thiện tiêu chí đánh giá không gian văn hóa sáng tạo - Ảnh 3.

Khu tổ hợp Complex 01 (Đống Đa, Hà Nội) là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa - nghệ thuật, kết nối nghệ sĩ với giới trẻ. Ảnh tư liệu

Tiêu chí về tính tích cực trong bộ tiêu chí đánh giá có đề cập tới vấn đề mở cửa cho mọi người tham gia. Băn khoăn trước tiêu chí này, ông Lê Quang Bình (điều phối viên mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống) chia sẻ, cần xác định rõ, ai là đối tượng chính yếu được thụ hưởng hoạt động ấy. Nói là mở cửa cho mọi người, nhưng ai mới là người có thể vào được lại là vấn đề khác. Ví dụ, tổ chức một buổi hòa nhạc trong không gian hoành tráng mà lại thu phí. Như vậy, chỉ những người có điều kiện kinh tế mới có thể vào được. Hoặc xây dựng một không gian văn hóa thiếu đi những chỉ dẫn, chưa thực sự thân thiện với người khuyết tật. Họ vẫn được chào đón, nhưng khó có thể tiếp cận những sản phẩm, dịch vụ trong đó. Vì thế, ông Bình mong muốn, tiêu chí không chỉ là mở cửa, mà còn được cụ thế hóa bằng việc chú trọng vào khả năng tiếp cận sản phẩm của các nhóm đối tượng khác nhau.

Hà Nội là thành phố sáng tạo thuộc lĩnh vực thiết kế nằm trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Nhưng theo mong muốn của ông Bình, thì thành phố dù tập trung vào thiết kế, nhưng không lơ là trước các lĩnh vực khác như điện ảnh, âm nhạc… Vì vậy, bên cạnh xây dựng không gian để các tổ chức đến gần hơn với công chúng, thì cũng cần xây dựng môi trường lành mạnh, cởi mở để các tổ chức có thể học hỏi lẫn nhau. Ông Bình tin rằng, từ sự khác biệt trong lĩnh vực hoạt động, thông qua các dịp giao lưu, trao đổi, những nhà sáng tạo sẽ tìm thấy nhiều ý tưởng sáng tạo táo báo, độc đáo hơn nữa.

Phân loại theo lĩnh vực hoạt động mới được phác thảo gồm có: nghệ thuật thị giác, kiến trúc, thiết kế, quảng cáo - truyền thông, thủ công mỹ nghệ, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thời trang, âm nhạc, nhiếp ảnh, xuất bản, du lịch văn hóa, phần mềm và trò chơi máy tính. Song, bà Phương đề xuất, cần bổ sung thêm lĩnh vực ẩm thực. Bởi không thể phủ nhận, sự phong phú của nền ẩm thực đất kinh kỳ cũng là một điểm nhấn của thành phố này.

Cùng với đó, xem xét sửa lại lĩnh vực thủ công mỹ nghệ thành thủ công. Bởi thủ công mỹ nghệ là một nhánh nằm trong thủ công nghiệp. Nếu chỉ giới hạn thủ công mỹ nghệ, bộ tiêu chí đánh giá đang trói buộc những nhà sáng tạo.

Phúc Nam

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm