17/09/2024 11:21 GMT+7 | Văn hoá
NSND, họa sĩ Hoàng Hà Tùng được bạn bè yêu quý quen gọi với cái tên Tùng "điên". Và trên facebook cá nhân, các nghệ sĩ xúc động gửi lời tiễn biệt ông bằng biệt danh ấy, sau khi họa sĩ đã phiêu du miền mây trắng vào ngày 13/9.
NSND Thu Hà kể, cô từng giới thiệu một cách hồn nhiên với người hàng xóm về cái ông mặc quần yếm hoa, gai góc, xù xì, dị biệt, cá tính, đỗ xịch xe trước cửa réo điện thoại rủ cô đi ăn phở Bát Đàn: "Đây là bạn em. Anh ấy tên là Tùng "điên". Cô bùi ngùi: Vĩnh biệt ông anh của em. Hãy nhớ những sớm mùa Đông Hà Nội với tô phở Bát Đàn nóng hổi anh nhé".
"Thời trang độc" Hoàng Hà Tùng
Còn nghệ sĩ Chiều Xuân viết: "Xin tiễn biệt anh Tùng "điên". Bạn bè nhớ thương anh, nhớ cái khoảng trống không thể nào lấp nổi khi anh không còn ở đó. Anh sống lạc quan, vui vẻ, vẫn cầm cọ, vẫn vẽ, vẫn sáng tạo ngay bên cạnh bệnh tật cận kề suốt 10 năm cho đến lúc chết với một niềm hạnh phúc là được vẽ. Anh đã đi về miền nghệ thuật không biên giới, đã trao truyền, gửi gắm tình yêu ấy trên những tác phẩm hội họa và dấu ấn đó sẽ còn mãi...".
Sinh thời, họa sĩ đã quen và chả bao giờ trách giận vì biệt danh đó. Có lẽ cái tên Tùng "điên" đặt cho bởi những ý tưởng táo bạo, độc đáo, "phiêu" khác biệt, độc lạ "chả giống ai" từ thời trang, phong cách sống đến hội họa, sân khấu... Và có lẽ ông nhớ và đồng tình với câu nói của danh họa Van Gogh: "Chỉ người điên mới biết điên có cái sướng của điên".
Họa sĩ Hoàng Hà Tùng tự chọn cho mình một phong cách thời trang chẳng giống ai. Gặp ông dễ nhận thấy râu tóc bạc trắng, mái tóc tung tơi bù xù, nước da sạm đen như bồ hóng, cái mũ có gắn ngôi sao, mũ thủy thủ trắng, khăn quàng, đặc biệt là bộ quần yếm diêm dúa, sắc màu rực rỡ mà bạn bè nói vui như là "bình hoa di động", hay "diêm dúa như phường tuồng", đặt thành câu thơ "Anh trên phố cũ sắc màu ban mai"... Ông chả mấy quan tâm về điều đó và chỉ một lòng thủy chung với thời trang đã chọn dẫu cho ai đó nói khác người, khác đời.
Tùng "điên" là người ân tình, nhiệt tâm, ấm áp, nhiều bạn hữu. Những người bạn bền bỉ bên ông suốt thời gian dài như: Đỗ Hồng Quân, Nguyễn Thị Chiều Xuân, Phạm Việt Thanh, Nguyễn Cường, Trọng Đài, Trịnh Lê Văn, Lê Hồng Chương, NSND Lê Khanh, NSND Thu Hà, nhạc sĩ Giáng Son… Đặc biệt, giới nghệ thuật vẫn truyền tai về giai thoại những "bóng hồng", "nàng thơ" trong cuộc đời nghệ sĩ hẳn đã cho ông nguồn năng lượng sáng tạo...
"Xem tranh của Tùng giống như nghe kể chuyện, nghe hát hoặc đi xem kịch..." - GS Nora Taylor nhận định trong cuốn "Artist Hoang Ha Tung" (2015).
Một nghệ sĩ đa tài, một họa sĩ đương đại đích thực
Họa sĩ Hoàng Hà Tùng là nghệ sĩ đa tài ở lĩnh vực biểu diễn, thiết kế sân khấu, điện ảnh... Ông từng trải nghiệm ở nhiều vị trí diễn viên kịch nói, đóng phim điện ảnh, đạo diễn sân khấu... Uy tín chuyên môn đã tạo nên một "thương hiệu" Hoàng Hà Tùng khi ông được mời làm họa sĩ chính của nhiều chương trình, sự kiện quốc gia như: Paragames (2003), Tuần văn hóa ASEAN tại Việt Nam (2004), Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010); đạo diễn đêm nhạc Nguyễn Cường Tuổi thơ tôi Hà Nội tại Nhà hát Lớn (2016); đạo diễn nhiều chương trình ca nhạc của Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam...
Ông cũng là tác giả thiết kế sân khấu cho Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam và nhiều đoàn nghệ thuật khác. Có thể kể đến vở kịch Nhật ký chàng ngác ngơ do NSƯT Nguyễn Thị Chiều Xuân dựng; Nghêu Sò Ốc Hến do NSND Lê Khanh đạo diễn; vở kịch Đặng Thùy Trâm do đạo diễn Huy Thục dàn dựng...
Ngoài thiết kế mỹ thuật, ông lấn sân làm đạo diễn sự kiện, sân khấu, trong đó Chuyện của dòng sông đỏ là vở kịch hát đầu tiên họa sĩ tham gia ở vai trò đạo diễn, kịch bản. Chăm chút, cầu kỳ, kỹ lưỡng cho tác phẩm, ông tự bỏ tiền túi làm chương trình. Họa sĩ mời nhạc sĩ Trọng Đài sáng tác Mắt tằm, con lắc (ông là tác giả phần lời); mời nhạc sĩ Nguyễn Cường viết Dòng sông sắc đỏ, Bến có còn sông; mời nhạc sĩ Lưu Hà An sáng tác Bay đi cỏ gà - cỏ may; mời Lê Minh Sơn viết Đục thủng con thuyền; mời nhạc sĩ Giáng Son viết Con sông tình yêu, Con yêu thơ dại...
Dù đam mê, dấn thân ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật, nhưng hội họa mới chính là thế mạnh của ông. Ông ngạo nghễ, ngang tàng tự đi trên một con đường đã chọn, thích sự khác biệt, xác tín niềm đam mê của chính mình, cứ đi, cứ dấn thân, tránh sự cũ mèm, nhạt nhòa, không cần phải theo và cũng chẳng cần giống ai. Tranh của ông được vẽ trên nhiều chất liệu: Sơn mài, sơn dầu, phấn màu, giấy dó... thể hiện sự tươi tắn, lạc quan, có chút suy tư về cuộc sống. Chất liệu từ cuộc sống luôn mang đến nguồn xúc cảm cho ông. Tranh của ông được gợi từ hiện thực sinh động đó, mang nhiều đề tài về cảnh sắc thiên nhiên, cuộc sống, con người... Ngoài ra, số tranh ký họa nhiều đến nỗi họa sĩ không đếm nổi.
Tranh sơn mài của ông đa dạng đề tài, được đánh giá rất độc đáo, ma mị trong cách pha màu. Những bức tranh sơn mài tiêu biểu của ông phải kể đến: Ô Quan Chưởng, Vũ điệu hoa chuối, Huyền thoại cố đô, Tranh quê...
Quê hương đau đáu trong cảm xúc sáng tạo của người con Hải Dương với bức Tranh quê, Nhà máy nhiệt điện, Hàng cây trước cổng đền Vạn Kiếp, Nhớ mùa Hè xưa, Bình minh Lục đầu giang... Trong đó, bức tranh Tranh quê (sơn mài) dài 12m, gồm 12 bức có dòng sông dát vàng là tình cảm họa sĩ tri ân với quê hương Hải Dương của mình.
Ngoài ra, Hà Nội cũng là một đề tài lớn trong sáng tác của ông. Tình yêu Hà Nội thấm sâu để có chùm tranh về Hà Nội giàu cảm xúc như: Ô Quan Chưởng, Hoàn Kiếm, Phố Nguyễn Biểu, Nhà thờ Cửa Bắc mùa Giáng sinh, Hà Nội của tôi, Huyền thoại cố đô, Cây bàng trổ lá (phố Hàng Giấy), Nắng cửa ô, Ngõ Tạm Thương, Phố Hàng Bạc...
Sở trường của họa sĩ Hoàng Hà Tùng là vẽ tranh chân dung của người lạ, người quen thân và gia đình. Tác phẩm của ông giàu biểu cảm, thể hiện sự quan sát sâu sắc về bản chất con người.
Khi vẽ tranh chân dung, họa sĩ chú trọng 2 điểm cốt yếu là thần và thái. Nếu thái là cái bên ngoài dễ nắm bắt thì thần là cái bên trong rất khó nắm bắt. Chân dung ai được ông vẽ nhanh hay chậm, quen hay lạ, trên chất liệu nào... cũng đều phải đạt 2 yếu tố cốt yếu đó.
Với ông, họa sĩ có thể vẽ bất cứ ai, vẽ hiện thực hiện hữu ngay lúc đó, nhưng cần nhất phải có cảm xúc. Cảm xúc đến nếu không vẽ thì hiện thực sẽ mất mà cảm xúc cũng vì thế tuột trôi. Vẽ để có thần thái thật khó, nhưng với tinh thần lao động nghiêm túc, ông đã có một gia tài tranh chân dung đồ sộ, đặc sắc.
Phụ nữ là một đề tài quen thuộc, đặc sắc trong sáng tác tranh của ông. Tình yêu với phái đẹp thăng hoa nhiều cảm xúc như: Thiếu nữ áo dài (sơn mài trên vóc, kích thước 80 x 50, 2022); Thiếu nữ (sơn dầu trên toan, kích thước 80 x 60, 2011), đặc biệt ông có chùm tác phẩm về phụ nữ các dân tộc thiểu số (Thái, Dao, Nùng, Mông...) độc đáo, giàu bản sắc. Thiếu nữ áo dài có kích thước 80 x 50cm, chất liệu sơn mài trên vóc sáng tác năm 2022 được họa sĩ trau chuốt toàn bộ chiếc áo dài bằng vỏ trứng, khảm trai và xà cừ hết sức công phu và độc đáo. Cô gái Tây Nguyên trong bức tranh Tháng ba Tây Nguyên (50 x 70) được ông sáng tác năm 1989 bằng chất liệu phấn màu...
Ông có nhiều bức tranh đầy cảm xúc vẽ người thân, con cái của mình. Những bức tranh đong đầy cảm xúc yêu thương: Tranh Mẹ con (mùi Hương & quả Khế); tranh Em của ngày xưa (giấy dó 50x60); Con gái tôi (sơn mài trên vóc, kích thước 70x50); tranh Chân dung Khế (sơn mài trên vóc, kích thước 40x30); tranh Tuổi 20 của Hoàng Nhật Lai (sơn dầu, 50x80); tranh Chân dung cu Tí nhà tôi (2004); tranh Con trai Hoàng Chu Sa (sơn dầu, 50x80); Chân dung Hoàng Chu Sa (tuổi 19); tranh Cha và con (sơn mài trên vóc, kích thước 160x159cm gồm 3 tấm ghép)... Khi cảm xúc dâng trào, họa sĩ dành tâm huyết sáng tác tranh chân dung nói chung, trong đó có bạn bè. Các văn nghệ sĩ đã có trong bộ sưu tập tranh vẽ của ông, đó là Trọng Khôi, Nguyễn Cường, Lê Hùng, Lê Đại Chức, Lê Vân, Thu Hà, Trung Hiếu...
Trong số tranh của ông có nhiều bức có đường nét táo bạo và biểu cảm, bộc lộ bản ngã nội tâm hơn là vẻ bên ngoài. Bức tranh Chốn hoang đường (giấy dó 60 x 80) sáng tác năm 2014, bức Khởi nguồn và đam mê (màu nước trên giấy, kích thước 55 x 400) sáng tác năm 2019; bức Những người đàn bà Khát... táo bạo trong cách thể hiện, bộc lộ cái tôi cá tính của nghệ sĩ.
Tự họa về mình, ông có rất nhiều tác phẩm tự họa về mình một cách hài hước như: Tự khắc (sơn dầu trên toan, 70 x 50), Tự họa (sơn dầu trên toan, 50 x 50), Tự họa (sơn dầu trên toan, 50 x 40)... Qua đó, chân dung họa sĩ hiện lên chân thực, độc đáo, bộc lộ rõ cá tính, con người phóng túng, ngang tàng, phong trần, mang đậm phong cách nghệ sĩ...
Với họa sĩ, nghệ thuật phải bắt nguồn từ cuộc sống. Trách nhiệm của người sáng tạo là bằng tài năng, tâm huyết thổi hồn vào đó để làm cho bức tranh sống động, quẫy cựa như hơi thở cuộc sống đời thường. Điều cần thiết nhất là tác phẩm đi vào cuộc sống phải làm rung động trái tim người thưởng thức.
Tranh của Hoàng Hà Tùng ấn tượng bởi sự cộng hưởng từ gam màu nóng (màu đỏ) với chút "ồn ào" và màu sắc dân gian đậm đà. Giới mỹ thuật đánh giá cao tính đương đại thể hiện trong tranh của ông. Khẳng định ông có khả năng thu gọn các đề tài của mình đến cốt lõi; nghiêm cẩn, cầu kỳ trong cách lựa chọn; quyết liệt, dám lược bỏ tối đa những chi tiết để giữ lại những đường nét táo bạo đầy biểu cảm, bộc lộ một nội tâm mạnh mẽ, dào dạt cảm xúc.
Ngôi nhà của Đỗ Hồng Quân - Nguyễn Thị Chiều Xuân treo rất nhiều tranh của họa sĩ Hoàng Hà Tùng tặng. Chị cho biết tranh của anh Tùng ẩn chứa tài năng, gửi gắm nhiều thông điệp, thấm đẫm tâm hồn, cốt cách Việt Nam.
Còn nhớ, trong lễ khai mạc Triển lãm tranh của họa sĩ Hoàng Hà Tùng (tối 4/6/2022, tại số 8 Phùng Khắc Khoan, quận 1, TP.HCM), GS Nora Taylor (Viện Nghệ thuật Chicago, Mỹ) - một người bạn rất thân thiết của họa sĩ - chia sẻ: "Tranh của anh dường như đến từ những dòng cảm hứng bất chợt, bắt nguồn từ những khao khát bản năng. Chúng mang một màu sắc cảm xúc phi không gian và thời gian. Chúng tỏa ra một tâm trí trẻ trung thách thức tuổi đời. Anh vẽ những gì trái tim mình yêu thương và mách bảo. Rõ ràng là vẽ làm anh sung sướng và nó cũng mang niềm vui tới cho mọi người".
Vài nét về họa sĩ Hoàng Hà Tùng
NSND, họa sĩ Hoàng Hà Tùng sinh ngày 15/10/1956 tại phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Là thế hệ thanh niên lớn lên khi đất nước có chiến tranh, sau khi tốt nghiệp phổ thông, năm 1974, ông lên đường nhập ngũ vào chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Vốn có năng khiếu hội họa từ nhỏ, vào quân đội, ông tham gia chiến đấu, phát huy sở trường văn nghệ, vẽ tranh cổ động, viết bằng khen, huân/ huy chương... cho đơn vị. Sau khi ra quân (1978), ông đầu quân cho Đoàn Kịch nói Quảng Ninh. Hình như cuộc đời đã lập trình, bám bện gắn ông với hội họa để năm 1988, ông quyết định thi vào Khoa Thiết kế mỹ thuật (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) và bước ngoặt cuộc đời, sự nghiệp tỏa sáng bắt đầu từ đó.
Ông từng có nhiều triển lãm tranh trong và ngoài nước như: Triển lãm ở Mỹ (2001), Canada (2007) và Hà Lan (2017)...
Quan niệm nghệ thuật của họa sĩ: Dù chỉ là vẽ một bức tranh, hay được mời là họa sĩ chính cho chương trình mang tầm cỡ quốc gia thì với tôi đều đòi hỏi lao động nghệ thuật nghiêm túc, trách nhiệm và cháy hết mình với niềm đam mê không biên giới.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất