GS Richard Engelhardt: Tôi tin hồ sơ Tràng An sẽ thành công

27/07/2012 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - “Tôi không có phép thuật nào để nhìn thấy trước tương lai của hồ sơ di sản Tràng An, nhưng tôi tin hồ sơ di sản này sẽ thành công”.  

Đó là phát biểu của GS Richard Engelhardt - Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS) trong phiên tổng kết hội thảo Xác định những giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình, vừa diễn ra trong 2 ngày (24 và 25/7) tại tỉnh Ninh Bình.

Hỗn hợp là thích hợp

Như TT&VH đã đưa tin, tại hội thảo này, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã thống nhất chọn tiêu chí chính thức (tiêu chí 5, 7 và 8) cho hồ sơ di sản Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2014.

Tiêu chí 5 cho quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình ở đây chính là một di sản văn hóa về việc con người đã sử dụng đất và sử dụng biển như thế nào để thích ứng với đời sống, công việc của họ xưa kia. Tiêu chí 7 và 8 là về cảnh quan thiên nhiên, địa chất và địa lý.

GS Paul Dingwall, chuyên gia Hiệp hội bảo tồn thế giới, người chịu trách nhiệm tư vấn tổng thể xây dựng hồ sơ và kế hoạch quản lý di sản Tràng An cho biết: “Một trong những lý do chúng tôi chọn 3 tiêu chí 5, 7 và 8 là để làm nổi bật những giá trị toàn cầu của khu danh thắng này. Mặc dù tiêu chí về địa chất địa mạo là thế mạnh của Tràng An bởi nơi đây có những dãy núi đá vôi hình tháp độc đáo. Tuy nhiên, trên thế giới có nhiều quốc gia đã có những dãy núi đá vôi như thế này nên chúng tôi phải chọn 3 tiêu chí kể trên để bổ sung cho nhau”. 



Các chuyên gia quốc tế và VN trong chuyến khảo sát di chỉ khảo cổ hang Mòi, thuộc quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình

Đồng quan điểm với GS Paul Dingwall, GS Richard Engelhardt - Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS - UNESCO) đánh giá: “Cả ba tiêu chí này phối hợp với nhau rất tốt, mô tả được cảnh quan môi trường tự nhiên vào thời kỳ băng tan, làm cho Trái đất âm lên, qua đó cho thấy lịch sử con người thích nghi như thế nào đối với tự nhiên vào thời kỳ đó. Câu chuyện này rất hay ở chỗ, nó đã diễn ra từ 23.000 năm trước và cho đến ngày nay vẫn diễn ra bởi vì chúng ta vẫn sẽ phải sống và tìm cách thích nghi với sự thay đổi của thiên nhiên trong tương lai”.

Theo ông Phạm Cao Phong, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, chúng ta chọn được 3 tiêu chí chính thức cho hồ sơ di sản Tràng An là dựa vào thực chất hồ sơ và những kinh nghiệm của quốc tế. “Việc chúng ta theo tiêu chí nào là hoàn toàn do chính chúng ta quyết định và UNESCO cũng không yêu cầu chúng ta phải có bao nhiêu tiêu chí mới được. Những tiêu chí mà chúng ta có được ngày hôm nay là dựa trên điểm mạnh thực chất của hồ sơ này và thứ nữa là theo kinh nghiệm quốc tế. Hiện nay, trên thế giới đã có rất nhiều di sản về thiên nhiên tương tự như Tràng An rồi nên UNESCO không khuyến khích các hồ sơ ứng cử theo dạng đó nữa”.

Ông Phong đánh giá hồ sơ Tràng An là mối quan hệ rất chặt chẽ giữa sự biến đổi của thiên nhiên với đời sống của người Việt ở đây thì việc chúng ta đệ trình hồ sơ hỗn hợp là hoàn toàn thích hợp.

Các chuyên gia nước ngoài đánh giá, việc chọn được 3 tiêu chí chính thức cho hồ sơ di sản Tràng An đã chứng tỏ một điều, trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã làm được rất nhiều việc, đặc biệt là đẩy sâu nghiên cứu để làm rõ hơn giá trị của quần thể danh thắng Tràng An.


Một góc danh thắng Tràng An

Tin tưởng hồ sơ di sản Tràng An sẽ thành công

Tuy nhiên, chặng đường đến với danh hiệu di sản thế giới còn dài, trong khi đó thời gian để hoàn thành hồ sơ lại rất ngắn. Cụ thể, từ nay đến 30/9, tỉnh Ninh Bình sẽ phải hoàn thành hồ sơ sơ bộ để trình UNESCO. Sau khi UNESCO đọc hồ sơ dự thảo và đưa ra những khuyến cáo, các chuyên gia sẽ bắt tay vào bổ sung, hoàn thiện hồ sơ chính thức lần cuối vào tháng 1/2013.

Trước câu hỏi liệu hồ sơ di sản Tràng An có hoàn thành đúng theo kế hoạch đã đề ra, GS Paul Dingwall, người sẽ ở lại Ninh Bình cùng các chuyên gia Việt Nam nghiên cứu và viết hồ sơ cho biết, đó là một áp lực lớn, nhưng với quyết tâm cao của tất cả mọi người, chắc chắn hồ sơ sẽ hoàn thành đúng tiến độ.

“Từ nay đến hết tháng 9, chúng tôi chắc chắn sẽ hoàn thành được hồ sơ sơ bộ. - GS Paul Dingwall khẳng định - Từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau, chúng tôi sẽ hoàn thiện được hồ sơ chính thức và sẽ bảo vệ thành công hồ sơ này. Nhưng để thành công, nhiệm vụ của chúng ta là phải hoàn thiện các nghiên cứu về khảo cổ học liên quan đến Tràng An, đưa những nghiên cứu ấy vào hồ sơ để làm sao đó hồ sơ đủ sức nặng, từ đó mới thuyết phục được UNESCO công nhận khu danh thắng này của Việt Nam là di sản thế giới.

Trước khi trở về Mỹ, GS Richard Engelhardt ngoài việc bày tỏ sự tin tưởng đối với hồ sơ danh thắng Tràng An, ông còn lưu ý cần phải trả lời được 3 câu hỏi: Một là, chúng ta đang nói về giai đoạn văn hóa nào của Tràng An; cái gì là cái đặc biệt nhất của các giai đoạn văn hóa Tràng An và có phải văn hóa Tràng An là duy nhất trong khu vực này?

“Tràng An như một khối nam châm khổng lồ giữa đất trời Ninh Bình. Tôi nghĩ các bạn hãy đánh thức những giá trị ngoại hạng của khu danh thắng này để hút mọi người về với nó. Bản thân tôi không có phép thuật nào để nhìn thấy trước tương lai của hồ sơ này, nhưng tôi tin hồ sơ quần thể danh thắng Tràng An sẽ thành công. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, được hay không được vinh danh thì ngày nay đang có rất nhiều người muốn tìm đến Tràng An để xem, để biết con người cách đây hàng chục ngàn năm đã làm thế nào để có thể thích ứng với môi trường. Vì thế, nhiệm vụ của chúng ta là phải chỉ ra được quá khứ ấy của con người để thế giới biết được điều đó”.

Mặc dù rất lạc quan với những tín hiệu vui mà hội thảo đã mang lại, ông Phạm Cao Phong, Tổng thư ký UBQG UNESCO Việt Nam cũng lưu ý: “Thời gian sắp tới, ban soạn thảo Hồ sơ di sản danh thắng Tràng An với sự giúp đỡ của các chuyên gia cần phải đẩy sâu hơn nữa và chứng minh, đưa ra những lập luận chặt chẽ về mặt khoa học để hỗ trợ tốt nhất cho hồ sơ này”

Việt Nam đã có 7 di sản vật thể (2 địa danh thiên nhiên là Vịnh Hạ Long và Phong Nha - Kẻ Bàng, 5 địa danh văn hóa gồm Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, và Thành nhà Hồ). Cả 7 di sản vật thể trên, không di sản nào được công nhận là di sản thế giới theo tiêu chí hỗn hợp (kết hợp tiêu chí văn hóa và cảnh quan thiên nhiên - PV). Vì vậy, nếu được UNESCO vinh danh, quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình sẽ là di sản vật thể thứ 8 của Việt Nam nhưng là di sản văn hóa thế giới đầu tiên của nước nhà theo tiêu chí hồn hợp.


Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm