Tràng An: Từ cuộc chinh phục môi trường cổ đến di sản thế giới

26/07/2012 14:01 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ngày 24/7, Hội thảo Xác định những giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình đã diễn ra tại tỉnh Ninh Bình. Theo dự kiến ban đầu, hồ sơ di sản sẽ được xây dựng theo 4 tiêu chí là tiêu chí 3, 5, 7 và 8. Tuy nhiên, sau hai ngày thảo luận (24 và 25/7), các chuyên gia trong nước và quốc tế dự hội thảo đã quyết định bỏ tiêu chí 3, nhưng vẫn kết hợp giữa tiêu chí văn hóa và cảnh quan thiên nhiên.

Như vậy, đây là lần đầu tiên, một danh thắng của Việt Nam ứng cử di sản thế giới theo tiêu chí hỗn hợp, cụ thể là các tiêu chí 5, 7 và 8. 



GS Paul Dingwall và GS Paul Dingwall cùng TS Trần Tân Văn đi thuyền sát thực địa quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình ngày 22/7

Vùng đất của người Việt cổ “độc nhất vô nhị”

Theo báo cáo khảo cổ học của PGS-TS Nguyễn Khắc Sử, trưởng đoàn khảo cổ học Quần thể danh thắng Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, xét về tiêu chí văn hóa, quần thể danh thắng Tràng An phù hợp với tiêu chí 5 mà UNESCO đã đề ra. Theo đó, tại quần thể danh thắng này đã tồn một truyền thông định cư lâu đời của một bộ phận cư dân với những niên đại được xác định tuyệt đối.

“Truyền thống định cư hang động lâu dài từ thời tiền sử đến lịch sử từ 23.000 năm trước đến các chùa hang hiện nay - ông Sử nói - “Đặc biệt, những di tích và di vật được tìm thấy trong tầng văn hóa ở các di tích tiền sử hang động Tràng An cho biết các giá trị tiền sử nổi bật ở đây phát triển bền vững, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành truyền thống...”.

Theo kết quả nghiên cứu, tại đây, ít nhất đã có 3 lần biển tiến, biển thoái ở các giai đoạn khác nhau, đặc biệt là giai đoạn từ 7.000 năm đến 4.000 năm (thời kỳ Holocene trung). Nhưng dù ở thời kỳ nào, biến tiến hay thoái thì con người vẫn luôn có mặt ở đây và cư trú trong các hang động đá vôi.

“Đây là một nét độc đáo, một thí dụ nổi bật về truyền thống sử dụng hang động của người Việt trong lịch sử mà các nơi khác hầu như không có” - ông Sử nhấn mạnh.


Hiện vật trong các di chỉ khảo cổ ở danh thắng Tràng An

Trong tương quan với Vịnh Hạ Long

Về địa chất, địa mạo, TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản VN trong báo cáo kết quả khảo sát địa chất địa mạo khu Di sản Tràng An đã chỉ ra những giá trị nổi bật về tự nhiên địa mạo không nơi nào có, hoàn toàn phù hợp với tiêu chí 7 và 8 của UNESCO.

Ông Văn cho biết: “Giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể danh thắng Tràng An chính là việc khởi đầu của nó là một vùng biển cổ từ cách đây 250 triệu năm, sau đó nổi lên trên cạn thành đất liền. Trải qua rất nhiều biến động của lịch sử cho đến khoảng một vài chục nghìn năm trở lại đây nó lại bị biển cả xâm lấn và tiếp tục biến cải”.

Ông Văn so sánh, Tràng An rất giống với Vịnh Hạ Long nhưng đồng thời lại rất khác ở chỗ, Vịnh Hạ Long đến ngày nay vẫn chìm ngập trong nước biển, còn khu Tràng An đã nổi lên trên cạn.

“Vùng đất này tuy nhỏ nhưng nó lại là đại diện điển hình của một cảnh quan krast (đá vôi) dạng tháp nhiệt đới điển hình - TS Trần Tân Văn nói tiếp: “Bằng chứng là chúng ta có thể bắt gặp ở đây cả những cảnh quan karst dạng tháp, chóp nón và trung gian giữa hai dạng này.

Với những nét đặc biệt về thung lũng, hệ thống hang động và các hang động xuyên thủy liên thông với nhau cùng với các dòng sông đã góp phần khẳng định khu danh thắng Tràng An có thể đạt được hai tiêu chí về cảnh quan, địa chất địa mạo. Nó còn là nền tảng để chúng ta xây dựng thêm một tiêu chí nữa về mối liên hệ, mối tương tác và sự thích ứng của người tiền sử đối với môi trường địa chất đầy biến động này...”.

Giống như một truyện cổ chưa từng có “dị bản”

Chưa bàn đến việc chọn những tiêu chí nào, GS Paul Dingwall, chuyên gia Hiệp hội Bảo tồn thế giới (IUCN - UNESCO), người chịu trách nhiệm tư vấn tổng thể xây dựng hồ sơ và kế hoạch quản lý di sản Tràng An sau khi nghe báo cáo của các nhà khoa học Việt Nam, nhấn mạnh: “Về cảnh quan, Tràng An là một nơi tuyệt vời! Tôi cũng đã nghiên cứu và đi khảo sát khu danh thắng này và qua những nghiên cứu, những báo cáo khảo cổ học và địa chất, theo tôi, đó là một cuộc “chinh phục” thành công của con người nơi đây trong môi trường cổ. Đó chính là câu chuyện chưa được kể ở bất kỳ nơi nào trên thế giới này. Bây giờ chúng ta sẽ kể cho thế giới nghe câu chuyện ly kỳ đó, nhưng muốn thành công chúng ta phải có những chứng cứ khoa học trung thực, chứng minh được câu chuyện này “không có dị bản”. Nghĩa là, cần chứng minh Tràng An không giống với bất kỳ địa danh nào trên thế giới bằng chính những giá trị nó đã có và còn tồn tại từ xa xưa cho đến ngày nay”!

Đồng quan điểm trên, GS Paul Williams, chuyên gia Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), người chịu trách nhiệm đánh giá các giá trị karst  và phân tích đối sánh với các khu vực di sản khác cũng bày tỏ quan điểm: “Trước khi đến đây, tôi không biết phải tưởng tượng như thế nào về khu danh thắng Tràng An, vì vậy rất khó để tôi đưa ra một so sánh nào đó. Nhưng sau khi đến đây, cùng các chuyên gia VN đi khảo sát thực địa, tôi thấy Tràng An là một nơi có cảnh quan thật tuyệt vời. Trong cảnh quan tuyệt vời ấy tôi thấy ẩn chứa rất nhiều thứ, nhiều câu chuyện để kể cho thế giới nghe, minh chứng cho truyền thống chinh phục thiên nhiên của lớp người cổ xưa đã định cư ở đây”.

GS Paul Williams bày mong muốn những người chịu trách nhiệm làm hồ sơ cần phải có nhiều chứng cứ giá trị hơn nữa để kể câu chuyện này một cách thuyết phục với thế giới. “Nếu bạn kể chuyện không thuyết phục thì chẳng ai tin bạn và nghe bạn cả. Theo tôi, kể làm sao để bức tranh di sản Tràng An thuyết phục được thế giới  cũng là một áp lực mà chúng ta cần phải thấy trước để chuẩn bị thật tốt” - ông khẳng định.

Bài sau: “Tôi tin hồ sơ Tràng An sẽ thành công” (GS  Richard Engelhardt)

Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm