HLV Park Hang Seo: Như chưa hề chia tay

13/01/2023 05:26 GMT+7 | AFF Cup 2024

Cho đến thời điểm này, bóng đá Việt Nam chỉ mới có lần thứ 4 vào chung kết qua 14 kỳ giải AFF Cup (tính cả thời giải mang tên cũ Tiger Cup) và 2 trong số đó thuộc triều đại của HLV Park Hang Seo. Hai lần còn lại, cũng thuộc về những HLV nước ngoài có đóng góp lớn cho bóng đá Việt Nam là Alfred Riedl và Henrique Calisto.

1. Chúng ta hay nói về cái gọi là "di sản Park Hang Seo", nhưng cụ thể đó là cái gì thì không phải ai cũng xác định được.

Hồi 2002, sau khi HLV Calisto bất ngờ đưa đội tuyển Việt Nam về hạng 3 tại Tiger Cup, ông bị từ chối gia hạn hợp đồng và người thay thế là HLV Alfred Rield, từng đưa Việt Nam vào chung kết Tiger Cup 1998.

Điều đáng nói ở chỗ, hợp đồng với ông Riedl khi đó có thời hạn chỉ 1 năm, nên ngay sau trận chung kết SEA Games 2003 thì ông Riedl rời đi sang làm việc ở Palestine dù trước đó, từng cùng đội tuyển Việt Nam đánh bại đệ tứ anh hào World Cup Hàn Quốc ở vòng loại Asian Cup. Đến năm 2007, sau khi sa thải HLV Riedl ở nhiệm kỳ thứ 3, bóng đá Việt Nam quay lại với HLV Calisto và có danh hiệu vô địch AFF Cup 2008.

Đó là những HLV có thời gian làm việc lâu năm ở Việt Nam, thậm chí còn nhiều hơn HLV Park Hang Seo. Nhưng sau khi chia tay họ, bóng đá Việt Nam lại cứ luẩn quẩn các câu hỏi: Đá như thế nào? Học hỏi ai" để phát triển. Mất vô số thời gian, rồi khi HLV Park Hang Seo đến thì mọi việc mới dần ổn định và có những cột mốc rõ ràng để xây dựng kế hoạch.

Vấn đề là liệu có ai đúc kết, hay đơn giản hơn, là thực hiện những cái gạch đầu dòng về các giá trị cốt lõi mà HLV Park Hang Seo để lại hay chưa? Đó mới thực sự là "di sản" chứ không phải các chiến tích vốn chỉ gây thêm áp lực cho những người kế nhiệm. Không có những cái gạch đầu dòng đó, thì khó mà tìm được HLV phù hợp kể cả khi VFF lo được nhiều tiền để trả lương hậu hĩnh.

2. Màn trình diễn của đội tuyển Việt Nam ở trận bán kết lượt về trước Indonesia không phải là lần đầu tiên mà HLV Park Hang Seo tạo bất ngờ về việc thay đổi chiến thuật dựa trên tính chất từng trận đấu. Tại AFF Cup 2020, ông cũng đã thử chơi với sơ đồ tấn công toàn diện để tạo ra sắc thái mới cho đội tuyển, nhưng không thành công.

Câu chuyện thú vị nằm ở chỗ, đây là giải đấu cuối cùng, những trận đấu cuối cùng của HLV Park Hang Seo trên cương vị  HLV trưởng bóng đá Việt Nam, vậy nhưng ông vẫn tìm cách để tạo ra sự thay đổi. Đó là công việc của một người chuyên nghiệp. Còn làm giờ nào, là còn phải cố gắng hết sức, sáng tạo hết sức, ham muốn hết sức. Ông Park cũng cho thấy mình đang lắng nghe những lời góp ý, về việc không nên dùng cầu thủ này, cầu thủ kia.

Như chưa hề chia tay... - Ảnh 1.

Cho dù đội tuyển Việt Nam có được kết quả như thế nào ở trận chung kết AFF Cup 2022 thì HLV Park Hang Seo vẫn có thể tự hào ra đi. Ảnh: Hoàng Linh

Ông Park cho thấy mình sẵn sàng thay đổi, miễn điều đó đem lại chiến thắng cho đội tuyển Việt Nam. Ông đang ở trạng thái không chịu quá nhiều sức ép, nhưng ông vẫn chấp nhận áp lực xung quanh mình thay vì tìm lý do nào đó để gạt bỏ nó.

Trong buổi họp báo nói về việc chia tay của mình trước thềm AFF Cup 2022, HLV Park Hang Seo có nhắc đến một ý quan trọng: Tính hệ thống của bóng đá Việt Nam không tốt. Đó là một góp ý thẳng thắn, một kiểu "di sản" cần phải được gạch đầu dòng. 

Ví dụ như ông Park nói rằng các trợ lý HLV người Việt quá hiền, ít chính kiến. Hoặc cách chúng ta xây dựng các thế hệ kế tiếp không khoa học. "Các bạn phải xác định là sớm hay muộn thì tôi cũng không ở đây nữa, nên việc bóng đá Việt Nam có phát triển hay không nằm trong tay các bạn chứ không phải tôi. Chẳng ai có thể đưa ra lời khuyên tốt hơn chính những người làm bóng đá Việt Nam phải tự nhìn thấy".

Việc ông Park không tìm ra nhân tố mới mẻ nào để chuẩn bị cho chiến dịch AFF Cup 2022 cũng là cách để ông nhắc nhở những nhà quản lý bóng đá Việt Nam cần nhìn vào thực tế hơn là bay bổng với giấc mơ World Cup 2026 hay 2030.

Ông Park có lợi thế là đã áp dụng được một lối chơi xuyên suốt 5 năm qua, có một bộ khung ổn định, nên bổ sung 1-2 người mới, hoặc thiếu hụt nhân sự,  cũng chẳng vấn đề gì. Nhưng với một HLV mới, mọi thứ chẳng hề dễ dàng.

Bài học từ sau thời của Calisto và Riedl khá rõ ràng: vấn đề không phải là HLV mới giỏi như thế nào, mà là con người của bóng đá Việt Nam có sự tiếp nối đều đặn về chất lượng hay không. Bất kỳ HLV nào cũng phải xây dựng đội hình dựa trên con người mà ông ta có. Người cũ, thì lối chơi vẫn sẽ cũ.

3. Cứ lấy bài học từ Thái Lan. Sau Kiatisuk, họ tìm đến các HLV có đẳng cấp như Milovan Rajevac hay Akira Nishino nhưng rốt cục vẫn không thành công.

Chọn Alexander Polking, một HLV còn không được trọng dụng ở V-League, là kiểu tạm thời, thì ông này lại làm tốt hơn so với kỳ vọng. Vấn đề nằm ở con người chứ không phải là tài năng của HLV. 

Để duy trì vị thế hàng đầu tại Đông Nam Á, thì bóng đá Thái Lan chỉ cần một Polking, nhưng để vươn tầm châu Á hoặc dự World Cup, thì có thuê HLV giỏi nhất thế giới thì cũng phải phụ thuộc vào chất lượng cầu thủ.

Bóng đá Việt Nam cũng thế. Trong khuôn khổ AFF Cup, hay cụ thể là một trận đấu sống còn với Indonesia, chúng ta có thể tạo ra được tính bất ngờ, sự khác biệt bằng một sự chuẩn bị bài bản, nhiều chiêu trò tâm lý của HLV Park Hang Seo.

Nhưng nên dành lời khen cho sự tận tâm của nhà cầm quân người Hàn Quốc khi mà đến tận những ngày làm việc cuối cùng ông vẫn thúc đẩy các học trò của mình chơi thứ bóng đá tốt nhất của họ, bước vào những trận đấu bằng thứ quyết tâm cao nhất dù không ít người trong số họ đang mang cảm giác "chán bóng đá" thì thi đấu liên tục.

Ở chiều ngược lại, cần phải đặt câu hỏi là liệu HLV mới có thể am hiểu và khai phá được những tiềm năng của thế hệ cầu thủ hiện nay hay không? Nếu không, thì phải làm sao. Đó chính là điều mà ông Park đã nhắc nhở: Bóng đá Việt Nam vẫn chưa có tính hệ thống. Nghĩa là chỉ đến một mức nào đó, rồi dừng lại. 

Thôi thì chuyện tương lai, là của …tương lai! Hãy tận hưởng cảm giác vào chung kết với Thái Lan trước đã. Khi ở đó, chúng ta đang có HLV Park Hang Seo và đoàn quân áo đỏ đang chơi những trận đấu "như chưa hề có cuộc chia tay" nào với người thầy của mình.

Chúng ta và cả HLV Park Hang Seo vẫn còn một cột mốc để chinh phục, đó là đánh bại Thái Lan ở một giải đấu chính thức cấp đội tuyển kể từ trận chung kết lượt đi năm 2008. 

Trong các giải đấu chính thức, HLV Park Hang Seo chưa từng thắng đội tuyển Thái Lan lần nào (1 hòa và 1 thua). Mặc dù đang bị thua thiệt về thành tích đối đầu nhưng các CĐV của Việt Nam vẫn tin tưởng vào khả năng giành chiến thắng của HLV người Hàn Quốc ở trận chung kết AFF Cup 2022 sắp tới.

"Năm nay AFF Cup là dịp để phá dớp. Việt Nam phá dớp Indo. Thái Lan phá dớp Malaysia. Giờ chung kết Việt Nam phá dớp Thái Lan là đẹp", facebooker Hưng Hoàng nhận xét.

" Số phận an bài. Cơ hội thầy Park phá dớp lần đầu tiên hạ Thái Lan ở 1 giải đấu chính thức và vô địch. Trận đánh cuối cùng chia tay thầy", facebooker Truong Van bày tỏ quan điểm.

"Thái Lan không có gì phải đáng sợ, cái dớp năm xưa đã qua rồi. Các cầu thủ của chúng ta hãy giữ vững tâm lý thì chiến thắng sẽ thuộc về ta. Việt Nam chiến thắng!", facebooker Hân Bảo viết.

"Xét về lịch sử thì Thái lan vượt trội hơn Việt Nam nhiều nhưng hiện tại thì khác rồi. Tôi tin Việt Nam sẽ thắng mang niềm vui cho CĐV nước nhà và tri ân thầy Park", facebooker Trường Giang nhận định.

  Long Khang

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm