Góc nhìn: Làm thế nào để xây cầu ở Stamford Bridge?

01/03/2013 13:13 GMT+7 | Chelsea

(Thethaovanhoa.vn) - HLV Rafa Benitez có thể là nạn nhân tiếp theo của thói quen "qua cầu rút ván" ở Chelsea, đội bóng thành công số hai trong 10 năm qua (chỉ sau Manchester United) của bóng đá Anh, nhưng không có cây cầu nào bắc ngang lịch sử và định hướng đi cho họ.

1. Có thể là báo chí Anh đã phóng đại khi cho rằng việc thay đổi tấm áp-phích ngoài sân Stamford Bridge là nhằm xóa bỏ hình ảnh của HLV Roberto Di Matteo. Nhưng ở Chelsea, một HLV mất việc cũng đơn giản không kém thay một tấm áp-phích. Đó dường là như thói quen đã làm nên thành công của họ trong một thập kỷ qua, nhưng cũng khiến chúng ta phải tự hỏi rằng Chelsea định xây dựng cái gì cho tương lai?

Sau chức vô địch Liga 2002-2003 (trước đó là chức vô địch Champions League 2001-2002), Real Madrid đã không giữ đội trưởng Fernando Hierro lẫn HLV Vicente Del Bosque và bán "máy quét" Claude Makelele cho... Chelsea. Kết quả ra sao thì chúng ta đã biết.

Rút một cái ván mục ruỗng cản trở tương lai của đội bóng này là điều cần thiết, nhưng thói quen đôi khi khiến người ta rút cả những tấm ván tốt có thể tạo ra một cây cầu trong tương lai. Trong số ngót chục tấm ván mà ông chủ Abramovich đã sử dụng để đưa Chelsea đến với rất nhiều danh hiệu 10 năm qua, có những tấm ván rất bền, như Carlo Ancelotti, từng giành 2 Champions League trong 8 năm ở Milan, hay thậm chí là chính Di Matteo, một HLV trẻ hiểu Chelsea hơn ai hết.

2. Cuối tuần trước, Ryan Giggs ra sân trận thứ 999 trong sự nghiệp cho M.U. Đó là cây cầu bắc qua thành công trong hai thập niên qua của M.U. Đội bóng này được xây dựng từ những chất liệu như thế, với sự tiếp nối được tạo ra từ cảm hứng của những biểu tượng sống đến toàn đội, dưới bàn tay "tổng quản" của biểu tượng vĩ đại nhất bóng đá Anh đương đại: Sir Alex Ferguson.

Một đội bóng lớn luôn cần những nhân vật có thể gìn giữ giá trị cơ bản của nó, và khi đội bóng không muốn xây dựng hình ảnh nào cho chính nó, thì chẳng có lý do gì các CĐV và cầu thủ lại muốn tôn trọng các giá trị ấy.

Đó là lý do khiến các CĐV Chelsea không ngại ngần phỉ báng người chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn của đội bóng, HLV Rafa Benitez, vì mâu thuẫn thời ông này còn dẫn dắt Liverpool. Đó cũng là lý do khiến phòng thay đồ Chelsea một lần nữa lại dậy sóng vì sự bất hợp tác của các cầu thủ với người chỉ đạo họ.

Thay HLV như thay áo và xu hướng giải quyết mọi rắc rối bằng tiền bạc cho phép Chelsea đạt được thành công nhanh chóng, nhưng khi không còn danh hiệu, họ chẳng còn gì. Kỷ luật để buộc các cầu thủ không được vượt quyền HLV của anh ta? Một biểu tượng bền vững thực sự mà các cầu thủ trẻ đều muốn nhìn vào đó và phấn đấu? Những cầu thủ lớn có thể giúp đội tuyển Anh trở lại với thành công? Một lối chơi mà nhiều năm sau vẫn được nhắc đến? Hay mô thức vận hành đội bóng là kiểu mẫu cho tương lai?

3. Muốn hiểu một đội bóng, không cần phải chui vào tận phòng truyền thống của họ. Ví dụ: Chúng ta nhìn Barca chơi bóng hiện nay là đủ hiểu lịch sử của họ, được gây dựng từ khi Rinus Michel đưa bóng đá tổng lực đến TBN vào thập niên 1970, Johan Cruyff tiếp nối và sau đó được Pep Guardiola phát triển. Mất hơn 40 năm để một bản sắc hình thành và gặt hái thành công.

Không một thiên tài nào có thể đặt nền móng cho Chelsea với quãng thời gian trung bình không đầy ba năm nắm quyền, và trong quá trình ấy, họ không hề cảm thấy mình được tôn trọng. Trong tương lai, những bộ óc lớn cũng sẽ không đến Stamford Bridge để nhận lương và ra đi nữa, mà lời từ chối của Pep Guardiola mới đây là một minh chứng.

"Qua cầu rút ván" là phương pháp đã giúp Chelsea "nhảy cóc" đến với rất nhiều thành công trong một thập kỷ qua, nhưng thời điểm mà những tấm ván được rút hết không còn xa nữa. Và trong 10 năm ấy, nếu không rút ván như một thói quen, họ có thể đã xây được một cây cầu.

Nhưng bây giờ thì chỉ với một mảnh ván đang mục ruỗng sắp bị rút nốt là Rafa Benitez, làm thế nào để Stamford Bridge có một cây cầu là điều không tưởng.

Thanh Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm