08/04/2025 18:03 GMT+7 | Văn hoá
Đang diễn ra đến ngày 20/4 tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hà Nội), Gốm Thiệp không đơn thuần là một triển lãm gốm, mà là sự cộng hưởng của những giá trị sáng tạo mang dấu ấn Nguyễn Huy Thiệp.
Triễn lãm gồm 2 phần. Phần 1 là các đĩa gốm do nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021) vẽ lúc sinh thời, thuộc sưu tập của gia đình. Phần 2 là những tác phẩm của 41 nghệ sĩ khách mời, cũng vẫn là gốm và đều được vẽ từ cảm hứng về văn chương của Nguyễn Huy Thiệp.
Một nhà văn… mê gốm
Tại đây, công chúng được chiêm ngưỡng các tác phẩm gốm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp một cách chọn lọc. Đó là những đĩa gốm với nét vẽ ngẫu hứng, chất chứa suy tư, như chính cách ông viết văn: Nồng hậu mà sắc lạnh, trầm tĩnh mà ám ảnh.
Lâu nay, Nguyễn Huy Thiệp vẫn được biết đến là "vua truyện ngắn" trên văn đàn. Nhưng để nhìn toàn diện hơn, không thể không nhắc tới con người hội họa trong ông. Có một thời, ông kiếm sống bằng nghề vẽ. Nhưng hơn tất cả, vẽ với ông là một lựa chọn sống, một thú vui, một giấc mộng mà chính ông cũng thổ lộ là chưa từng chạm tới. Và dấu ấn rõ nét nhất ông để lại trên con đường hội họa ấy chính là vẽ trên gốm.
Nguyễn Huy Thiệp vẽ gốm lúc sinh thời
Theo họa sĩ Lê Thiết Cương (giám tuyển triển lãm), Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn mê gốm. Ông đi về với gốm, với làng gốm Bát Tràng thường xuyên. Ông vẽ nhiều chân dung, người thân trong gia đình, tự họa, bạn bè văn nghệ trên đĩa như một thú chơi và làm quà tặng cho mọi người. Nhiều người vẫn giữ, treo trong nhà như một kỷ niệm với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp…
Thú vẽ gốm của Nguyễn Huy Thiệp ban đầu là một nghề tay trái trong giai đoạn khó khăn, nhưng càng về sau lại càng trở thành một phương tiện biểu đạt nghệ thuật tinh tế. Ở đó, người ta không chỉ thấy nét vẽ, mà thấy cả tâm hồn của ông. Những đĩa gốm luôn kèm theo những con chữ, có khi là một câu thơ, có khi là một trích dẫn, đôi khi lại là một cảm thán… Những con chữ ấy, từ mặt trước đến phía sau đĩa, giống như một đối thoại riêng tư, lặng lẽ, mang nhiều tâm tư giữa người vẽ với nhân vật và cả với chính mình.
Đĩa gốm tự họa của Nguyễn Huy Thiệp
Đơn cử, tại Gốm Thiệp có bày cặp đĩa vẽ thi sĩ Bùi Giáng. 2 chiếc đĩa, 2 trạng thái: 1 đơn giản, khoáng đạt, thoát nét, ít chấm phá; 1 thì tầng tầng lớp lớp của nét, giàu phức cảm như chính tâm thế phiêu linh của người thi sĩ ấy. Trên đĩa, ông trích lại thơ của Bùi Giáng, như một cách đối thoại với chính hồn thơ.
Dù ở cách biểu đạt nào, Nguyễn Huy Thiệp cũng đều mang tới hình dung chân xác về một Bùi Giáng vừa si tình vừa mơ màng, vừa hiện hình mà cũng như sắp tan vào mây. Thơ như gió, chân dung như khói - Bùi Giáng hiện ra không phải để được hiểu, mà để được cảm một cách bất định và đầy rung động.
Cặp đĩa gốm vẽ thi sĩ Bùi Giáng của Nguyễn Huy Thiệp
Hoặc, trên một đĩa tự họa, ông vẽ mình trong khoảnh khắc đối thoại nội tâm. Nét vẽ giản dị nhưng ám ảnh, đi kèm vài dòng viết tay - vừa như thủ thỉ, vừa như lời tự sự. Một khuôn mặt đối diện thẳng, đôi mắt nhìn trĩu nặng, đường nét giản đơn mà khắc khổ. Dòng chữ tự trào đến lạnh lùng: "Nay ta già rồi/ Tóc bạc rồi/ Ê chề nơi giang hồ". Không còn lời nào để thêm vào - đĩa gốm không chỉ là hình, mà là tiếng thở dài của một đời người.
Để rồi, nhìn sâu vào mỗi đĩa gốm, với Nguyễn Huy Thiệp, việc vẽ không đơn thuần là ghi lại chân dung, mà là một cách chiêm nghiệm. Trong mỗi ánh mắt, đường nét, ông gửi gắm suy tư về số phận, con người và cuộc đời. Đó cũng là một phần trong cách ông nhìn, như một nhà văn đang quan sát nhân vật.
Giám tuyển Lê Thiết Cương chia sẻ tại triển lãm “Gốm Thiệp”
Như chính ông từng chia sẻ với nhà báo Như Bình trong bài viết Chơi vẽ theo kiểu Nguyễn Huy Thiệp: "Vẽ chân dung con người giúp cho mình rất nhiều trong công việc viết văn. Nó giúp mình tập suy nghĩ, tập nhận xét và có cái nhìn đúng về bản chất rộng lớn hơn xã hội. Khi tôi vẽ chân dung thì tính cách, số phận đều thể hiện ra ở nét mặt. Mình nhận ra rất nhiều về người đối diện, trong một phút nắm bắt rất nhanh nào đó, nó ăn sâu vào cảm giác của mình, con người ấy, tính cách ấy, số phận ấy".
Tác giả Tướng về hưu còn nhấn mạnh thêm: "Cũng có người viết văn nhưng họ không phải là nhà văn, có những người làm nghề vẽ nhưng họ không bao giờ là họa sỹ. Là nhà văn phải viết ra được những thứ trong lòng mình, là họa sỹ phải vẽ ra được những thứ trong tâm hồn họ".
Đơn sắc nhưng vẫn đa thanh, đa sắc
Một dấu ấn khác ở Gốm Thiệp là sự quy tụ của đông đảo họa sĩ đương đại trong cùng một triển lãm lấy cảm hứng từ văn chương của một nhà văn. Có đến 41 nghệ sĩ, với hàng trăm tác phẩm gốm được sáng tác từ chất liệu văn, thơ, kịch của ông.
Trong đó, có những tên tuổi từ kỳ cựu như Lê Trí Dũng, Phan Cẩm Thượng, Đặng Xuân Hòa, Lê Thiết Cương, Nguyễn Quang Thiều, Hà Trí Hiếu, Đào Hải Phong, Quách Đông Phương, Đinh Quân… đến những họa sĩ trẻ hơn như Trần Nhật Thăng, Phạm Hà Hải, hay Nguyễn Phan Bách (con trai của Nguyễn Huy Thiệp)…
Không gian trưng bày triển lãm “Gốm Thiệp”
Giám tuyển Lê Thiết Cương thổ lộ: "Khoảng 20 năm trở lại đây, tôi chưa bao giờ được làm giám tuyển cho một triển lãm đông như thế này". Theo ông, có được sự tham gia nhiệt tình này, đó chính là nhờ sức cuốn hút của văn chương Nguyễn Huy Thiệp, tạo cảm hứng và gợi ý rất nhiều cho tạo hình.
"Có lẽ, đường dẫn nối văn của ông với các họa sĩ, tạo đà cảm hứng cho các họa sĩ vẽ trên gốm chính là thoại. Lời thoại của Nguyễn Huy Thiệp sắc, ngắn, trực diện, sâu, hiểm. Những đặc điểm này rất gần với minh họa trên gốm, hàm súc cô đọng hợp gốm (gốm hiện đại) không lê thê dài dòng, vòng vo…" - ông phân tích.
Cũng theo họa sĩ này, ở Gốm Thiệp, mỗi người đều tìm đường riêng cho mình, không ai giống ai. Mỗi họa sĩ một cảm hứng khác nhau, người thì vẽ dựa trên cốt truyện, hoặc nút thắt của truyện, người thì vẽ trên gợi ý từ những câu đối thoại của nhân vật hoặc tên truyện, người thì viết hẳn một đoạn mà mình tâm đắc lên đĩa gốm… Mỗi người mỗi giọng dù chỉ là gốm xanh - trắng Bát Tràng, đơn sắc nhưng vẫn đa thanh, đa sắc.
Từ góc nhìn của người trẻ, họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng cho hay: Thế hệ của anh đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn chương của Nguyễn Huy Thiệp - những tác phẩm này đã để lại ấn tượng mạnh mẽ và ám ảnh cho họ ngay từ những năm tháng tuổi trẻ.
Tác phẩm đĩa gốm của họa sĩ trẻ Nguyễn Xuân Hoàng
"Tôi còn nhớ mãi một câu của cậu thanh niên trong truyện Con gái thủy thần: "Tôi cứ đi, đi mãi. Trước mặt tôi là dòng sông thao thiết. Sông chảy ra biển. Biển rộng vô cùng. Tôi chưa biết biển..." - anh bày tỏ - "Câu nói tưởng đơn giản, nhưng với tôi lại gợi ra vấn đề của sự sáng tạo. Sự sáng tạo của con người gần như là hơn cả biển, có nghĩa là đi mãi không thấy đâu, cũng như người nghệ sĩ luôn khao khát cái mới".
Họa sĩ trẻ này cũng cho biết, các nghệ sĩ đều tham gia triển lãm vì văn chương của Nguyễn Huy Thiệp bao hàm một phạm vi rất rộng lớn, từ những minh triết học thuật cho đến những hiểu biết và trải nghiệm sâu sắc về đời sống.
"Chúng tôi đều có thể "chạm" vào văn chương của Nguyễn Huy Thiệp. Và, nó cũng có thể "chạm" vào những tạo hình và ý niệm của chúng tôi, những nghệ sĩ trẻ thời đại này. Đây thực sự là một may mắn, khi hội họa Việt Nam có sự giao thoa giữa hội họa và văn chương như thế, hay và đầy ý nghĩa" - Hoàng nhấn mạnh.
Như thế, từ "điểm chạm" giữa hội họa và văn chương này, mà sinh thời, Nguyễn Huy Thiệp đã từng say mê vẽ gốm. Và rồi, trên chính chất liệu gốm ấy, các họa sĩ đương thời tiếp tục đối thoại với tinh thần của ông, chuyển hóa những ám ảnh văn chương thành hình ảnh, tái hiện thế giới của Nguyễn Huy Thiệp trong một cuộc sáng tạo mới và đầy ấn tượng.
Triển lãm Gốm Thiệp được tổ chức bởi Không gian nghệ thuật Nguyễn Huy Thiệp và Gallery 39 nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày sinh của ông. Sau Hà Nội, triển lãm sẽ được tổ chức tại Hội An và TP.HCM.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất