02/02/2023 14:00 GMT+7 | Văn hoá
Chúng ta đã bước qua những ngày đầu tiên của mùa lễ hội Xuân 2023. Như thông lệ, mùa lễ hội ấy được bắt đầu rất sớm ngay từ Tết Nguyên đán - để rồi có thể kéo dài đến hết tháng Giêng hay tháng Ba âm lịch, tùy theo quy mô và sức hút từng nơi.
Mùng 4 Tết khai hội Bà Chúa Kho. Mùng 6 Tết là chính hội đền Gióng Sóc Sơn và cũng là ngày khai hội chùa Hương - hội Xuân lớn nhất miền Bắc. Rồi mùng 10 là hội Xuân Yên Tử. Rồi ngày mai (12 âm lịch) là hội Lim - vốn luôn được chờ đợi bởi những làn điệu quan họ rất riêng của mình.
Sau 2 năm im ắng vì bệnh dịch, hội Xuân 2023 đang rộn ràng trở lại.
Và có thể nhận thấy, tới thời điểm này, các lễ hội Xuân đang diễn ra tương đối suôn sẻ và an toàn, dù lượng khách chơi hội tăng vọt so với 2 năm qua.
Nghe đơn giản, nhưng cần khẳng định: 2 chữ "suôn sẻ" ấy đang là nỗ lực rất lớn của phía tổ chức - khi mà trong giai đoạn trước khi dịch Covid-19 bùng phát, các lễ hội đầu năm luôn là điểm nóng về nạn tranh cướp lộc, giẫm đạp chen chúc khi hành lễ hay việc "rải tiền lẻ" đầy phản cảm.
Còn bây giờ, nhiều lễ hội đã chấp nhận điều chỉnh một phần các diễn xướng truyền thống để phù hợp với bối cảnh hiện tại. Đơn cử, ở Hội Gióng đền Sóc, hoa tre và trầu cau sau khi cung tiến Thánh Gióng được đưa về đền Hạ, đền Mẫu để phát lộc cho du khách. Ở lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc), các manh chiếu "thiêng" được phân nhỏ rồi đưa qua cửa đình cho người dân, thay vì tung ra sân đình để tranh cướp như xưa. Thậm chí, hội phết Hiền Quan (Phú Thọ) năm nay dừng hẳn việc tổ chức trò cướp phết trong lúc đang chờ hoàn thiện một phương án tổ chức đủ an toàn.
Hoặc, việc nghiên cứu tìm hiểu các giải pháp tối ưu khi vận hành lễ hội cũng cần được ghi nhận. Điển hình, việc chuyển đổi hình thức bán vé tham quan truyền thống sang mô hình vé điện tử tại lễ hội chùa Hương ít nhiều tỏ ra hữu hiệu trong việc giảm thiểu nạn chen lấn, xô đẩy tại di tích này.
Xa hơn, từ trước mùa lễ hội, việc tập trung chuẩn bị và lên phương án xử lý những tình huống phát sinh cũng đã được nhắc đến tại hầu hết các địa phương. Thậm chí, theo chỉ đạo của ngành văn hóa, khi có hiện tượng xấu xảy ra, địa phương cần yêu cầu dừng việc tổ chức lễ hội và chỉ tiếp tục khi ổn định trật tự.
Và bên cạnh nỗ lực từ phía tổ chức, chúng ta cũng nên đặt hi vọng vào thái độ tích cực của khách hành hương trong mùa lễ hội năm nay. Như nhiều chuyên gia đã phân tích, sự vắng bóng của nhiều lễ hội trong 2 năm qua vì bệnh dịch có thể tạo nên sự hụt hẫng, nhưng cũng có thể lại là khoảng lặng cần thiết để mỗi người tự soi chiếu lại nhu cầu tâm linh, cũng như cách nhập cuộc khi trảy hội của mình để tránh những đua đòi, bọn chen không cần thiết.
Tất nhiên, lễ hội năm nay vẫn có những hình ảnh nhất định được chia sẻ trên mặt báo và mạng xã hội về cảnh khói hương nghi ngút, về cảnh ách tắc cục bộ tại nhiều điểm đến hay những lời than về chuyện "chặt chém" du khách. Và xa hơn, mùa lễ hội 2023 vẫn còn cả một quãng thời gian dài trước mặt. Nhưng, hãy cứ tạm đặt hi vọng rằng những tín hiệu tích cực ban đầu đã cho thấy lễ hội đang dần được "gạn đục khơi trong" và dần trở về với bản chất của mình.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất