Góc nhìn 365: Thơ không chỉ 1 ngày

07/02/2023 18:00 GMT+7 | Văn hoá

Hai mươi năm qua ở Việt Nam, rằm tháng Giêng có một dịp dành riêng cho thơ. Rằm tháng Giêng năm 2023, ngày thơ trở lại sau một quãng thời gian vắng bóng vì dịch bệnh. Trong quãng thời gian đó, chuyện thơ hay thơ dở, chuyện "nhà thơ thế giới", chuyện thơ bán, thơ tặng… chưa bao giờ là chuyện cũ.

Không ít người cho rằng, thơ hôm nay nhiều khi trở thành đối tượng bị rẻ rúng, bị đem ra giễu cợt, nên dù có riêng một ngày thơ diễn ra một lần hằng năm cũngchẳng thể cứu vớt được nhiều.

Ngày thơ Việt Nam với chủ đề "Nhịp điệu mới" đã được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long hôm 4 và 5/2, đồng thời, ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, đêm thơ Nguyên tiêu cũng được tổ chức để hưởng ứng. Thơ được tôn vinh, hình ảnh các nhà thơ được trang trọng giới thiệu.

Và sau "nhịp điệu mới", chúng ta lại trở về một "nhịp điệu cũ" của đời sống thường nhật. Còn thơ lặng lẽ "rút" về với thân phận của nó như vốn dĩ nhiều năm nay vẫn vậy, một vị trí nhỏ, một "góc thơ" khiêm tốn bị lướt qua trên các trang báo, hay một tập thơ nép mình trên kệ nhà sách.

Góc nhìn 365: Thơ không chỉ 1 ngày - Ảnh 1.

Không gian Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Internet

Như trăng tròn mỗi tháng chỉ có 1 đêm, rồi phải chịu đựng những ngày, khuyết. Thơ Việt đương đại đang ở mùa trăng khuyết. Nhưng "mùa trăng khuyết" ấy có phải chỉ diễn ra riêng ở nước ta? Nếu chỉ nhìn vào Giải thưởng Nobel Văn chương hằng năm, dễ thấy những gương mặt nhà thơ ít hơn hẳn giữa vô vàn tên tuổi khác. Trong thế kỷ 21 này, mới chỉ có 2 nhà thơ đoạt giải Nobel Văn chương, nhà thơ Thụy Điển Tomas Transtromer và nhà thơ Mỹ Louise Gluck.

Nữ sĩ Louise Gluck được trao giải trong một hoàn cảnh đặt biệt, khi ấy dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên toàn thế giới. Năm 2020, lễ trao giải Nobel không thể diễn ra như thường lệ. Khác với nhiều tác giả nhận giải Nobel khác, thay vì đọc bài diễn từ ở một khán phòng rộng lớn ở Stockholm, Thụy Điển, bà đã đọc bài diễn từ ấy ở nhà riêng, trong khu vườn, sau lớp khẩu trang. Bài diễn từ khiêm tốn ngợi ca thi ca cũng như đời sống thường hằng.

Theo cách nào đó, thơ ca ở Việt Nam vẫn tồn tại bất chấp nó có đang trong "mùa trăng khuyết" đi nữa. Nhưng cũng cần nói thêm, thơ không chỉ 1 mùa, thơ chẳng chỉ 1 ngày. Rằm tháng Giêng hay Ngày thơ đã qua, nhưng câu thơ dù rực rỡ hay lu mờ vẫn được nuôi dưỡng, như câu thơ Chế Lan Viên trong bài "Nghĩ thêm về Nguyễn Du": "Cho nghìn năm sau vầng trăng tiếng Việt mãi còn/ Anh nuôi hồn thơ như cô Tấm nuôi trong giếng sâu u tối".

An Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm