03/02/2023 08:59 GMT+7 | Văn hoá
Từ ngày 4-5/2 tới đây, sẽ diễn ra Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 với chủ đề Nhịp điệu mới do Hội Nhà văn Việt Nam và Hoàng thành Thăng Long đồng tổ chức. Đây cũng là lần đầu tiên Ngày thơ Việt Nam được tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long.
Ngày thơ Việt Nam năm nay cũng hứa hẹn mang đến nhiều dấu ấn mới lạ với nhiều hoạt động tôn vinh thi ca đặc sắc. Dịp này, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với nhà thơ Hữu Việt, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam 2023.
* Được biết, Ngày thơ Việt Nam 2023 được tổ chức với nhiều hoạt động mới lạ, khác biệt so với trước đây. Xin ông, chia sẻ một vài điểm nhấn đặc biệt của ngày thơ năm nay?
- Hoạt động chính của Ngày thơ Việt Nam năm 2023 diễn ra trong cả ngày Rằm tháng Giêng (tức 5/2). Về mặt chuyên môn, buổi sáng, sẽ diễn ra tọa đàm với chủ đề Thơ hiện nay với hôm nay do Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì với sự tham gia của các nhà thơ nhiều thế hệ, và một số nhà thơ nước ngoài dự khán đến từ Hungary, Mỹ, v.v… Tọa đàm sẽ bàn về những vấn đề quan trọng của thơ ca đương đại hiện nay.
Buổi tối, sẽ diễn ra đêm thơ với chủ đề Nhịp điệu mới. Đây là đêm thơ quy mô nhất từ trước đến nay của Ngày thơ Việt Nam. Nếu những năm trước đây, phần đọc thơ, trình diễn thơ diễn ra vào ban ngày, thì năm nay lần đầu tiên sẽ diễn ra vào ban đêm trên một sân khấu có diện tích khoảng 350m2. Sân khấu được trang trí theo phong cách kết hợp giữa yếu tố dân tộc và hiện đại. Ở 2 bên sân khấu, có 2 bức pano lớn được trang trí như tấm mành thả xuống, một bên chép bài thơ thần của Lý Thường Kiệt, bên còn lại chép bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có khoảng 21 tiết mục chính tương đương với con số của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21. Các tiết mục bao gồm những bài hát phổ nhạc từ những bài thơ nổi tiếng như Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi; Đường chúng ta đi của Huy Du, phổ thơ Xuân Sách; Thơ tình cuối mùa Thu, thơ Xuân Quỳnh, nhạc Phan Huỳnh Điểu, Mùa Xuân đầu tiên của Văn Cao, v.v… Hay nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến sẽ trực tiếp trình diễn một bài thơ do chính ông phổ nhạc.
Về phần đọc thơ sẽ chia ra làm 4 giai đoạn (chương) gồm: Từ Thơ Mới đến thơ kháng chiến chống Pháp; thơ kháng chiến chống Mỹ, thơ thời kỳ đổi mới và là thơ trẻ.
Đặc biệt, nếu mọi năm ngày thơ chia thành 2 sân thơ, thì năm nay hợp thành một sân thơ duy nhất. Điều này thể hiện sự liên tục, tiếp nối và không có sự phân biệt. Hai MC sẽ dẫn dắt đêm thơ là nhà báo Phan Đăng và Thụy Vân. Ngoài ra, màn hình ngày thơ mọi năm là phông cố định, nhưng năm nay đã sử dụng màn hình LED bao trọn toàn bộ mặt sau của sân khấu, được đặt phía trước cổng Đoan Môn.
Rõ ràng, nội dung của ngày thơ năm nay có sự kế thừa những hoạt động cốt lõi của những năm trước nhưng đã thêm vào yếu tố sân khấu để hỗ trợ tối đa công chúng cảm thụ được những cung bậc khác nhau của một ngày hội thi ca đúng nghĩa.
* Ngoài những hoạt động chính như ông đã đề cập, không gian Ngày thơ Việt Nam năm nay có gì đặc sắc khi được rời khỏi địa điểm truyền thống Văn Miếu - Quốc Tử Giám?
- Đến với Ngày thơ Việt Nam năm nay, đầu tiên, công chúng sẽ được chào đón vào Cổng thơ - một thiết kế của họa sĩ Phạm Hà Hải. Qua Cổng thơ, người yêu thơ sẽ bước vào Đường thơ để thưởng lãm 100 câu thơ hay được tuyển chọn, của các nhà thơ Việt Nam tự cổ chí kim. Từ Mãn Giác thiền sư, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát cho đến những nhà thơ đương đại.
Giữa Đường thơ, sẽ có Quán thơ là nơi để các nhà thơ giao lưu, trò chuyện về thi ca. Đến cuối Đường thơ, sẽ gặp một Cây thơ. Trên Cây thơ có 230 cánh bướm thả từ trên xuống, mỗi cánh bướm có một câu thơ. Đây là một trò chơi thú vị để thu hút mọi người đến với ngày thơ. Mỗi người sẽ lựa chọn một cánh bướm ngẫu nhiên và trả lời một câu hỏi của ban tổ chức để nhận quà tặng.
Song song với Đường thơ là Đường sách, hiện có hơn 30 gian hàng để các NXB, các công ty phát hành trưng bày trao đổi, giao lưu, ký tặng sách, v.v…
Ở trung tâm sân cỏ tại Hoàng thành Thăng Long sẽ đặt Nhà ký ức. Nhà ký ức do Bảo tàng Văn học Việt Nam phụ trách, trưng bày các hiện vật đặc biệt của các nhà thơ. Với những hiện vật thú vị được trưng bày, công chúng sẽ nhìn thấy một phần diện mạo, ký ức của những nhà thơ được yêu mến. Qua đây, cũng tạo điều kiện mở rộng sự tiếp cận đối với những hoạt động của Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Có thể thấy, công tác tổ chức Ngày thơ Việt Nam năm nay được thực hiện bởi một ê-kíp sáng tạo. Đó là tổng đạo diễn Lê Quý Dương, cũng là một người làm thơ, dành nhiều tâm huyết với thơ ca; chịu trách nhiệm mỹ thuật có họa sĩ Phạm Hà Hải, họa sĩ Lê Đình Nguyên. Riêng họa sĩ Lê Đình Nguyên sẽ mang đến ngày thơ 2 con mèo lớn, cao hơn 2 mét, ứng với năm Quý Mão 2023. Đây cũng là một sản phẩm làm cho phong vị của sân khấu ngày thơ thêm phần hấp dẫn. Người tham dự ngày thơ sẽ ký tên lên 2 con mèo này làm kỷ niệm, như một dấu ấn của năm Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21.
* Có cách tổ chức chuyên nghiệp, đầu tư hơn so với mọi năm, vậy Ban tổ chức đặt kỳ vọng gì ở Ngày thơ Việt Nam năm nay, thưa ông?
- Với một cách đầu tư quy mô, Hội Nhà văn Việt Nam mong muốn sau 20 năm tổ chức ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ngày thơ Việt Nam cần phải mang một diện mạo mới, tiếp cận với công chúng rộng rãi hơn, hấp dẫn hơn.
Thông qua kết hợp với các yếu tố sân khấu, tận dụng những lợi thế của công nghệ để đưa những hình ảnh, tư liệu của các nhà văn, nhà thơ lên trên màn hình LED ở một điểm rộng lớn, nổi tiếng như ở Ngày thơ Việt Nam năm 2023 chắc hẳn sẽ thu hút được nhiều công chúng đến tham gia ngày thơ.
Ngày thơ năm nay diễn ra trong vòng 2 ngày. Từ ngày 14 tháng Giêng (tức 4/2) khi đến Hoàng thành Thăng Long, công chúng đã có thể tiếp cận với những Nhà ký ức, Quán thơ, Đường thơ, Cây thơ, Đường sách. Đến Rằm tháng Giêng, người yêu thơ sẽ tiếp tục được tận hưởng những hoạt động mới lạ của ngày thơ năm nay dự khán tọa đàm thơ, tham dự đêm thơ.
Như vậy, ngày thơ sẽ không còn là một sự kiện diễn ra ngắn gọn, thay vào đó, từ năm nay, sẽ thực sự là ngày hội để tôn vinh thi ca, tôn vinh những giá trị văn hóa trường tồn, đẹp đẽ được lưu giữ qua những áng thơ văn trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Thêm nữa, ngày thơ còn thực sự là một ngày hội tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh vẻ đẹp của khí phách, của tâm hồn, của ngôn ngữ Việt Nam. Đó cũng là những mong muốn chính của Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa này cũng như Ban tổ chức Ngày thơ năm nay.
* Vậy trong những năm tiếp theo, Ngày thơ Việt Nam sẽ được dự định tổ chức như thế nào thưa ông?
- Ngày thơ Việt Nam năm nay lần đầu tiên được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa Thế giới. Với cách lựa chọn này, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam dự kiến Ngày thơ Việt Nam sẽ không chỉ diễn ra tại một địa điểm cố định, mà mỗi năm sẽ diễn ra ở một địa phương khác nhau. Trong những năm tiếp theo, Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam sẽ lựa chọn thêm những địa điểm khác nhau căn cứ vào công tác tổ chức cũng như sự ủng hộ của địa phương, và định hướng của Ban Chấp hành Hội để phát triển phong trào thơ.
Mỗi địa điểm sẽ làm thay đổi chủ đề và diễn biến của ngày thơ. Giả sử, ngày thơ được tổ chức ở Cao Bằng chẳng hạn, các nhà thơ người dân tộc, những bài thơ của và những di sản văn hóa thi ca của họ sẽ là nội dung, nội hàm chính. Với mỗi địa danh, không gian khác nhau, chắc chắn nội dung của ngày thơ cũng sẽ phải tương xứng, phù hợp với con người, văn hóa của vùng đất ấy. Cho nên, sẽ không có một chương trình cố định cho ngày thơ. Thay vào đó, mỗi chương trình hằng năm sẽ là một dự án sáng tạo, hy vọng sẽ đem lại tính đa dạng, phong phú, hấp dẫn và sự lan tỏa mạnh mẽ hơn cho Ngày thơ Việt Nam.
* Cảm ơn ông với những trao đổi!
"Ngày thơ Việt Nam sẽ không chỉ diễn ra tại một địa điểm cố định, mà mỗi năm sẽ diễn ra ở một địa phương khác nhau. Mỗi địa điểm sẽ làm thay đổi chủ đề và diễn biến của ngày thơ" - nhà thơ Hữu Việt, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất