Góc nhìn 365: Nhà máy trong thành phố

19/07/2022 06:28 GMT+7 | Văn hoá

Vấn đề khai thác quỹ đất sau khi di dời khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM) bỗng được hâm nóng và thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong tuần qua. Dù trên lý thuyết, cụm nhà máy công nghiệp này phải tới... 19 năm nữa mới hết hạn thuê đất.

Góc nhìn 365: 'Giải nhiệt' cho đô thị

Góc nhìn 365: 'Giải nhiệt' cho đô thị

Chúng ta vừa trải qua một kỳ nghỉ lễ, với hình ảnh nổi bật là những dòng người ken đặc tại hầu hết các bãi biển trên toàn quốc.

Từ một khu đất nông nghiệp ven đô của 25 năm trước, quá trình phát triển những năm qua của TP.HCM đã khiến khu chế xuất rộng 300 hecta này nằm lọt vào giữa đô thị với mật độ dân cư dày đặc bao quanh. Ngoài ra, hoạt động của các nhà máy trong khu chế xuất được cho là ảnh hưởng không tốt tới môi trường và chất lượng sống của người dân thành thị.

Và, dù di dời đúng thời hạn vào năm 2041 - hoặc sớm hơn như đang đề xuất -rõ ràng diện tích 300 hecta của khu chế xuất này là một cơ hội lớn để tái phát triển đô thị sau đó, khi phần diện tích này nằm ngay sát trung tâm TP.HCM. Sử dụng quỹ đất ấy để thành lập khu công nghệ cao, công viên sinh thái hoặc đất ở xen lẫn thương mại dịch vụ - đó đang là những ý tưởng được nhắc tới.

Thực tế, vấn đề của khu chế xuất Tân Thuận cũng giống tình trạng của nhiều đô thị tại Việt Nam, với những nhà máy đang nằm trong thành phố.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: Internet

Bởi, về bản chất, việc phát triển các đô thị từ thế kỷ trước thường gắn với những khu công nghiệp, nhà máy trong vai trò "hạt nhân". Những “hạt nhân” ấy thu hút người lao động tới làm việc và cư trú, dần tạo ra các quần thể nhà cửa, cộng đồng cư dân xung quanh - và tiếp theo là những chuỗi hoạt động thương mại, dịch vụ, giải trí. Để rồi, sau khoảng nửa thế kỷ trở lên, khi đô thị phát triển mạnh, những khu công nghiệp sẽ tới lúc phải di dời ra ngoại thành vì các lý do môi trường, giao thông hoặc an sinh xã hội.

Gần nhất, đầu tháng 7 vừa qua, Hà Nội cũng vừa thông qua nghị quyết về danh mục nhà đất phải di dời tại thành phố, trong đó có các nhà máy bia, thuốc lá hay xe lửa cũ.

***

Di dời các nhà máy đã hoàn thành nhiệm vụ khỏi nội đô là tất yếu. Nhưng ở câu chuyện này, chúng ta đã nói quá nhiều tới xu hướng khai thác những quỹ đất “hậu di dời” nằm ở trung tâm ấy làm nhà ở - đặc biệt là chung cư cao tầng - thay vì dành thêm chỗ cho các công trình an sinh như bệnh viện, trường học, và đặc biệt là công viên, cây xanh.

Không có gì lạ, khi cách tiếp cận ấy thường mang lại lợi nhuận tối đa cho chủ đầu tư. Để rồi, thực tế, hạ tầng ở khu vực trung tâm các đô thị luôn phải chịu thêm một sức ép khổng lồ về mật độ dân cư và thường xuyên rơi vào cảnh quá tải, cũng như thiếu vắng ngày càng nhiều những không gian công cộng nếu tính theo theo tỷ lệ đầu người.

Cũng phải nói thêm một thực tế khác: Thay vì phát triển hệ thống văn phòng làm việc, khu công nghệ kỹ thuật cao hay trung tâm sáng tạo (vốn rất phù hợp với thiết kế của các nhà máy cũ), việc tập trung khai thác những quỹ đất này chỉ vào mục đích ở cũng mở ra nguy cơ về sự xuất hiện của những “đô thị phòng ngủ” - khái niệm về những đô thị ít tạo ra công ăn việc làm tại chỗ, và khiến cư dân của nó vẫn phải di chuyển đi - về khắp thành phố mỗi ngày để làm việc, từ đó tiếp tục tạo sức ép tới hạ tầng.

Có nghĩa, việc khai thác quỹ đất từ những nhà máy trong thành phố là câu chuyện luôn cần tới sự tỉnh táo, bền vững và ưu tiên những giá trị thuộc về cộng đồng. Và, dù còn nằm ở tương lai, nhưng những tranh luận liên quan tới một diện tích “đất vàng” lớn như Tân Thuận rõ ràng là một cơ hội tốt, để dư luận cùng tiếp cận, lắng nghe phản biện và nâng cao nhận thức về một vấn đề sẽ còn tiếp tục ở nhiều đô thị khác.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm