Góc Hồng Ngọc: Khi nào Tây Ban Nha vô địch World Cup?

29/06/2010 12:11 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Vào một ngày tháng 7 nào đó, khi đội tuyển Tây Ban Nha có cả 1 người Brazil, 1 người Đức, và có thể là 1 người Anh trong đội hình, họ có thể vô địch World Cup. Không phải là tháng 7 này rồi…

* Từ EURO đến World Cup

Ai đó từng nói rằng, World Cup là EURO + Brazil, Argentina. Lịch sử World Cup gần như là vậy, thêm Uruguay nữa, đội tuyển mà 40 năm qua giờ mới lọt vào tứ kết. Không chỉ tính ở ngôi vô địch, mà kể cả lọt vào trận chung kết, thì lịch sử World Cup cũng chỉ là như vậy.


Tây Ban Nha khó có thể vô địch  World Cup 2010 này, Ảnh  Getty
Nhưng để vô địch World Cup, không chỉ là đội mạnh nhất châu Âu và thắng được Brazil, Argentina. Phải thắng được cả các đội bóng châu Phi, châu Á trước đã. Và ngay khi vượt qua được tất cả các đội bóng châu Âu, không có nghĩa là đã sẵn sàng để đối đầu với Brazil, Argentina.

Đan Mạch, Hy Lạp từng vô địch châu Âu, nhưng chưa bao giờ vượt quá tứ kết World Cup. Liên Xô cũ, hay Tây Ban Nha thì cũng chỉ khá hơn một chút. Là hiện tượng nhất thời, anh có thể vô địch châu Âu, nhất là khi các đội bóng châu Âu ngày càng giống nhau, và quá hiểu nhau.

Nhưng ngay cả những hiện tượng vĩ đại như Hungary 1954 hay Hà Lan 1974-78 cũng chỉ đi đến trận chung kết. Thắng World Cup đòi hỏi đội bóng phải có những phẩm chất đặc biệt thật sự ưu trội, và dường như mang yếu tố dân tộc tính.

Điều có vẻ kỳ lạ là số đội bóng từng đoạt chức VĐTG lại ít hơn so với lịch sử ngắn ngủi của EURO. 18 kỳ World Cup chỉ chứng kiến 7 nhà vô địch, và chỉ có 2 đội vô địch 1 lần duy nhất, đều là trên sân nhà (Anh, Pháp). Không hẳn là anh phải có lịch sử trên vai (nhà vô địch nào cũng phải có lần đầu tiên chứ!), mà dường như nó khiến ta liên tưởng tới định mệnh dân tộc: dân tộc này có thể vô địch World Cup, còn dân tộc khác thì không. Định mệnh bị quy định bởi yếu tố tính cách dân tộc.

Vô địch World Cup cũng không đơn giản là việc anh thắng thêm 1 trận đấu nữa, so với EURO. Vì ngay từ đầu thì mỗi trận đấu ở World Cup và ở EURO đã khác xa nhau. Chơi ở EURO, anh không chỉ thi đấu với các đối thủ mà mình đã hiểu, còn được thi đấu trong những điều kiện chuẩn mực, sự đồng dạng về văn hóa, và sự tương đồng về múi giờ. Là anh thi đấu trong điều kiện quen thuộc, gần như anh vẫn chơi bóng ở giải VĐQG hay Champions League vậy. Ở World Cup tất cả đều khác. Đối thủ đa dạng và đôi khi xa lạ, bầu không khí lạ lẫm, điều kiện thời tiết khác hẳn, và múi giờ cũng khác, trừ khi World Cup đó lại diễn ra ở châu Âu.

* Định mệnh không dành cho Tây Ban Nha

Trừ Uruguay mà 2 lần vô địch của họ đã là dĩ vãng, đa số các nhà vô địch khác đều có thể được chúng ta phác họa bằng một vài nét tính cách bóng đá tiêu biểu, gần như là riêng có của họ. Brazil đơn giản là vương quốc của túc cầu giáo, và phẩm chất kỹ thuật, bản năng bóng đá của họ là vô song. Argentina cũng theo cách tương tự nhưng ở mức độ thấp hơn đôi chút, được bổ sung bởi sự tinh ranh kiểu Ý. Ý chắc chắn là biểu tượng số 1 về sự tinh ranh, mánh khóe trong bóng đá, và đạt đẳng cấp thượng thừa về sự tôn sùng chiến thắng bằng mọi giá. Đức ngoài phẩm chất tinh thần vượt trội, còn rất mạnh về phương pháp làm việc khoa học và chính xác. Pháp và Anh khó lột tả hơn, nếu như Pháp được tôn vinh bởi sự lãng mạn của thập kỷ 80, thì cách họ vô địch World Cup lại thể hiện tính chất “đa sắc tộc” nhiều hơn, còn đội tuyển Anh năm 1966 vẫn mang tinh thần phóng khoáng kiểu hiệp sỹ.

Chúng ta không thể tìm ra phẩm chất đặc biệt riêng có của Tây Ban Nha. Về mặt bóng đá, cái gì họ cũng hay, cũng đạt trình độ rất cao. Kỹ năng chơi bóng đa dạng và hiệu quả của các cầu thủ hàng đầu Tây Ban Nha thường ngang hàng với các cầu thủ Ý, xấp xỉ Brazil, Argentina trong lịch sử. Họ thậm chí còn nhỉnh hơn các cầu thủ Đức, Anh, hay nhiều khi cả Hà Lan trên phương diện này. Họ cũng không thể kém về chiến thuật, khi sở hữu 2 CLB lớn nhất thế giới, vẫn thường đón chào những chiến lược gia lớn nhất thế giới.

Nhưng tất cả đều không nổi trội so với các đội tuyển hàng đầu khác. Phẩm chất tinh thần của họ thậm chí còn kém nổi bật hơn. Vua vòng loại luôn khó khăn mỗi khi bước vào VCK World Cup, và việc bị loại ở vòng bảng hay vòng 2 vẫn là điệp khúc quen thuộc, dù khi bước vào giải họ vẫn hay được nhìn nhận như một trong những ứng cử viên. Thiếu sự mãnh mẽ, sự lỳ lợm. Và sự phóng khoáng của họ cũng không đạt tới đẳng cấp cuốn đối phương theo mình.

Ngay cả chức vô địch EURO 2 năm trước, vai trò chìa khóa cũng thuộc về một cầu thủ gốc Brazil: Marcos Senna. Vừa có sự dẻo dai và mạnh mẽ trong lối chơi như một cầu thủ Brazil, vừa có sự lỳ lợm như một cầu thủ Đức. Và khi đó, họ mang theo tinh thần của người Anh, với Xabi và Torres.

Giờ thì không còn Senna, Xabi đã trở về nước, còn Torres đang mất phương hướng ở Liverpool. Nên đừng ngạc nhiên khi họ lại dừng lại với giới hạn vòng tứ kết World Cup!

Hồng Ngọc

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, mời quý vị chia sẻ ý kiến trên trang thethaovanhoa.vn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm