Góc Hồng Ngọc: Làm sao để người Mỹ yêu bóng đá?

26/06/2010 11:30 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Đó là nỗi khổ tâm lớn nhất của FIFA. Siêu cường duy nhất trên thế giới ở rất nhiều phương diện, cả về thể thao, không mấy hứng thú với môn mà họ gọi là soccer. Nên bóng đá chỉ là môn thể thao Vua nhưng ở ngoài miền đất Vua.

Tại sao người Mỹ ghét bóng đá?

Đã có nhiều “công trình nghiên cứu” cấp quốc tế về “đề tài” này, nhưng giải phẫu những điều phức tạp quá thì lại thành… vớ vẩn. Và những lý do tưởng chừng vớ vẩn nhất thì lại… thỏa đáng với văn hóa Mỹ.


Làm sao để người Mỹ yêu bóng đá? Biếm họa của báo Green Bay Press Gazette
Thứ nhất, bóng đá là môn thể thao kỳ dị. Kỳ dị vì nó cấm người ta dùng tay (ngoài vị trí gác đền), trong khi đôi tay là bộ phận khéo léo nhất của cơ thể con người. Người Mỹ thực dụng nhất thế giới, và với môn thể thao cần điều khiển trái bóng mà lại cấm dùng bộ phận khéo léo của con người thì họ đã… tức mà không muốn xem hay chơi nữa. Đã thế, đôi chân sinh ra với chức năng chủ yếu để chạy, để giữ thăng bằng, thì lại trở thành bộ phận chủ yếu để điều khiển trái bóng trong môn! Thật vô lý và khó chịu hết biết! Thế nên cũng cái từ mà cả thế giới gọi môn bóng đá như chúng ta xem là football (foot: chân, ball: bóng), người Mỹ dùng để chỉ môn bóng bầu dục. Cái môn đó cũng có dùng chân để đá vào quả bóng, nhưng kỹ năng chính để điều khiển bóng là… ôm trái bóng bằng tay. Nhưng đó lại là 1 trong 3 môn thể thao yêu thích nhất của người Mỹ, cùng với bóng rổ và quyền anh. 2 môn kia thì thuần túy dùng tay. Ngay cả với môn soccer này, cầu thủ Mỹ thường nổi bật nhất ở vị trí… thủ môn, người được chơi bóng bằng tay.

Thứ hai, bóng đá là môn thể thao của… đàn bà. Các cầu thủ của môn soccer cứ đụng vào là ngã. Mà đôi khi chả đụng cũng ngã, như đàn bà. Hình ảnh những cao bồi miền Tây là biểu tượng của văn hóa Mỹ, sức mạnh Mỹ, một quốc gia, nền văn hóa vốn được tạo lập bởi những người thực dân di cư, phải “thuần phục” các thổ dân, các miền đất bao la xa xôi. Phải mạnh mẽ, đó là đàn ông Mỹ. Nên họ yêu bóng bầu dục (kỹ năng chính dường như là… lao vào nhau, đè lên nhau), và quyền anh. Để chứng minh, phụ nữ Mỹ quả thật là những nữ cầu thủ… giỏi nhất thế giới, thể hiện trên bảng thành tích ở giải VĐTG và Olympic.

Thứ ba, bóng đá là môn thể thao buồn tẻ và khó kiểm soát. Các bàn thắng trong bóng đá quá ít. Lại là khía cạnh thực dụng của tư duy Mỹ: lấy hiệu quả làm thước đo. Anh chơi tốt hơn, anh mạnh hơn thì phải ghi điểm nhiều hơn, và ghi điểm thường xuyên. Phải có ghi điểm (hay bàn thắng) thì mới có cái để mà kích thích khán giả. Thật vô lý khi khán giả bỏ cả buổi vào sân, mất tiền vào sân mà thường xuyên chứng kiến một trận đấu của một môn thể thao không có điểm nào được ghi! Với người Mỹ, như thế bóng đá là môn thể thao buồn tẻ. Và nó cũng là môn thể thao khó kiểm soát, vì đội mạnh vẫn thường thua đội yếu, cũng chính vì yếu tố ít bàn thắng của nó. Và người Mỹ không muốn đầu tư vào một thứ mà mình làm tốt nhất, mình là kẻ mạnh nhất, nhưng lại vẫn cứ phải liên tục cầu nguyện mới mong trở thành nhà vô địch.

Chinh phục người Mỹ?

16 năm trước, World Cup đã diễn ra trên đất Mỹ, như một nỗ lực của FIFA để chinh phục thị trường Mỹ. Sự kiện đó nằm trong “gói” đưa bóng đá hiện diện trong đời sống Mỹ, bên cạnh việc tổ chức giải nhà nghề Mỹ, MLS. Giải đấu của nước Mỹ được tổ chức rất chuyên nghiệp, và cũng rất sáng tạo để tối đa hóa hiệu quả đầu tư, và lôi kéo được cả những ngôi sao lẫy lừng như Beckham đến thi đấu. Nhưng anh chàng này lôi khán giả Mỹ đến sân lại là khán giả của Hollywood nhiều hơn là khán giả của các môn thể thao! Rõ ràng là FIFA đã thất bại với việc chinh phục người Mỹ.

Đã đến lúc cần có những bước đột phá táo bạo hơn nữa để làm cho người Mỹ yêu môn bóng đá hơn. Và LĐBĐ Mỹ có quyền đề xuất FIFA sửa luật.

Thứ nhất, cho phép thêm một cầu thủ tấn công được dùng tay chơi bóng, nhưng chỉ được sử dụng trong vòng cấm địa đối phương và không được giữ bóng quá 2 giây. Với việc tăng cường dùng tay, bóng đá sẽ chinh phục được khán giả Mỹ. Và khả năng tăng số bàn thắng cũng rất lớn, nhờ tiền đạo dễ kiểm soát bóng hơn. Nhưng chỉ được 1 cầu thủ và giới hạn thời gian giữ bóng bằng tay sẽ giúp bóng đá không quá xa rời môn bóng đá mà cả thế giới đang say mê!

Thứ hai, bỏ mọi hành vi va chạm “thông thường” giữa các cầu thủ khỏi những tình huống bị thổi phạt. Chỉ có những pha vào bóng gây nguy hiểm cho đối phương, hay việc ôm giữ cầu thủ đối phương quá… 2 giây mới bị thổi phạt. Như vậy để môn bóng đá trông Nam tính hơn, sẽ hấp dẫn người Mỹ hơn.

Thứ ba, cho phép các cầu thủ đổi màu áo đội tuyển quốc gia một khi không được trọng dụng ở nước mình, và được nhập tịch. Giờ là thời đại toàn cầu hóa mà nước Mỹ chủ trương, các nguồn lực phải được tự do, người lao động phải được tự do đến nơi mà họ cống hiến tốt nhất!

Hãy chinh phục nước Mỹ, để bóng đá thật sự là Vua!

Hồng Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm