Góc Hồng Ngọc: Khi Anh, Đức đi học…

27/06/2010 12:19 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Đội tuyển Đức đang học lối chơi tốc độ và hào hứng của bóng đá Anh. Đội tuyển Anh thì đang học tư duy thực dụng của bóng đá Ý. Còn đội tuyển Ý thì đã xách valy về nước!

Học để bổ khuyết

Khi người Đức quyết định cắp sách đi học ai đó, không còn là chuyện bình thường nữa. Chúng ta đã nói về việc DFB quyết định chọn Klinsmann làm HLV trưởng Mannschaft, khi Klinsi bày tỏ việc học theo tốc độ và lối chơi hào hứng của bóng đá Anh, khi chuẩn bị cho World Cup 2006. Trong hành lý của Mannschaft có mang theo 3 chức vô địch châu Âu, và 3 chức VĐTG. Danh hiệu gần nhất trước đó 10 năm, EURO 96. Còn chức VĐTG gần nhất trước đó 16 năm. Mà thật ra, chỉ mới ở WC gần nhất, họ vẫn vào đến trận chung kết. Còn hành lý của đội tuyển Anh chỉ có duy nhất 1 chiếc Cúp, là chức VĐTG… 40 năm trước đó, trên sân nhà, và chiến thắng đội… Đức bằng bàn thắng gây tranh cãi ở hiệp phụ.


Người Anh đang chơi thứ bóng đá khác dưới thời Capello, Ảnh Getty
Thật khôi hài khi mang phép so sánh đó ra mà lại nói giờ người Đức đi học người Anh. Nhưng đó là thực tế. Bóng đá Anh là số 1 thế giới về thương mại. Và cũng thành công nhất châu Âu về bảng thành tích CLB. Người Đức muốn học tinh thần cống hiến đó, để chinh phục khán giả và làm thương mại. Đó là việc học mang tính chủ động, chứ không phải bị thôi thúc bởi những thất bại trên phương diện thể thao.

Trái lại, người Anh nhìn vào bảng thành tích của đội tuyển Đức và Ý với con mắt thèm khát. Họ đang có một Premier League giàu tính cạnh tranh nhất thế giới, có những cầu thủ đẳng cấp thế giới, nhưng không hiểu tại sao mình không chiến thắng. Hình như là vì các cầu thủ Anh quá hồn nhiên. Nhưng họ không tìm thầy từ Đức (chắc họ nghĩ đơn giản Đức thắng vì họ mang trong mình bộ gen chiến thắng), mà tìm từ Ý. Trước là Eriksson, người Thụy Điển nhưng thành danh với bóng đá Ý. Giờ là Capello. Có vẻ thức thời, vì người Ý mới vô địch World Cup gần nhất, trong lúc các tuyển thủ Anh không vào nổi VCK EURO 2008 với HLV nội. HLV Ý lẫy lừng về chiến thuật, cầu thủ Ý thì đầy mánh khóe, đó đều là những thứ mà các tuyển thủ Anh còn thiếu, và có thể là khi bổ khuyết được, Anh sẽ vô địch thế giới…

Biết mình

Biết mình không chỉ biết đâu là điểm yếu để mà bổ khuyết khi cần hoàn thiện, và để che giấu khi phải tranh đấu. Biết mình còn là biết điểm mạnh để mà trau dồi nâng cao bản thân, và để phát huy tối đa nó khi tranh đấu.

Đội tuyển Đức có vẻ đang học tập khá hiệu quả lối chơi tốc độ và hào hứng của bóng đá Anh. Nhưng họ lại không bộc lộ được sự lạnh lùng, tỉnh táo truyền thống, và chọn thời điểm để kết liễu đối phương thích hợp. Để rồi bị đội Ý phản công vỗ mặt trong trận bán kết 4 năm trước, và bị Serbi kiềm chế hưng phấn trong trận vòng bảng mới đây.

Dẫu sao, người Đức có lý khi quyết định thay đổi, và họ đã làm khá tốt điều đó ngay ở World Cup đầu tiên mà họ theo định hướng này. Cả EURO 2008 họ cũng khá thành công. Với thời gian và với những thế hệ cầu thủ tài năng hơn, Đức sẽ trở lại con đường chiến thắng, với một tinh thần chơi bóng mới.

Lối chơi của tuyển Anh ở World Cup lần này cũng không còn tốc độ và sự hào hứng nữa. Thay vào đó là sự buồn tẻ và rời rạc. Chắc đám cầu thủ Anh không còn chơi một cách tự nhiên theo thói quen, mà mỗi khi nhận bóng họ lại phải nghĩ tới nghĩ lui những bài giảng chiến thuật của Capello trước khi xử lý bóng.

Thế nên, trong khi cả thế giới chờ đợi Tam Sư sẽ là một thách thức thật sự với ngôi vị quán quân World Cup, huyền thoại Johan Cruyff lại phê phán việc Anh “mất bản sắc” dưới thời Capello, và vì thế sẽ không thể vô địch World Cup này.

Dường như cái mà đội tuyển Anh đang cố gắng học hỏi lại mâu thuẫn với chính thứ bóng đá mà họ thường chơi, và đã chơi rất hiệu quả, đã đưa họ lên đẳng cấp cao.

Học thì tốt. Nhưng nếu anh không biết mình là ai, và phải học cái gì cho thích hợp, học càng nhiều có thể càng làm anh rối tung. Thậm chí là tẩu hỏa nhập ma.

Nào, chúng ta cùng đón chào trận đấu của 2 kẻ học việc!


Hồng Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm