Góc Anh Ngọc: Một buổi chiều, trên sân bóng thiếu nhi ở Roma

26/03/2014 11:16 GMT+7 | Bóng đá Italy

(Thethaovanhoa.vn) - Đấy là một chiều tháng 3 ấm áp của mùa xuân mới đến, với ánh nắng nhảy nhót trên những vạt cỏ xanh của một sân bóng đẹp, mới và đầy ắp tiếng cười, điều mà ngay cả trên sân cỏ Serie A thời khủng hoảng ngày càng thiếu đi. Một sân bóng của các đội thiếu nhi cấp quận ở nơi tôi ở, với không khí của Serie A những năm 1980, khi nó còn là giải đấu số 1 thế giới.

Tor Tre Teste không phải sân Olimpico, giải đấu đang diễn ra trên sân không phải Serie A của những năm tháng đỉnh cao, và những cầu thủ nhí đang đá trên sân không ai có dáng dấp hay đơn giản chỉ là sự thể hiện của một mẩu Totti hay De Rossi thơ trẻ, nhưng tôi yêu cái không khí đậm chất vui tươi, gia đình và đôi lúc gợi nhớ đến những gì mà bóng đá Ý bây giờ đã mất đi: sự trong sáng, fair play và những niềm vui bất tận.

Đã qua lâu lắm rồi những năm tháng mà bao trang báo của Italy và thế giới viết về calcio với tư cách của một nền bóng đá mạnh nhất, giàu nhất, lắm ngôi sao nhất và giành nhiều danh hiệu nhất thế giới. Cũng đã xảy ra nhiều năm rồi một cuộc khủng hoảng nặng nề từ vĩ mô đến vi mô của nền bóng đá ấy. Nhưng những tế bào của nó vẫn sống thoi thóp, niềm hâm mộ đến điên cuồng của các tifosi vẫn tồn tại, bất chấp những suy nghĩ về cuộc sống mưu sinh trong cơn suy thoái của nền kinh tế ngày càng chi phối họ nhiều hơn, và chính những niềm vui ít ỏi hàng tuần mà con cái họ đem đến có thể khỏa lấp phần nào những vấn đề họ đang đối mặt.


Tôi cảm nhận được điều đó trong một buổi chiều tháng 3 ngập nắng ở sân Tor Tre Teste, khu liên hợp thể thao mới được tu sửa lại ở cách nơi tôi ở chừng một cây số, trong một khu dân cư gần ngoại ô cách đây chưa lâu được nhật báo địa phương Il Messaggero mô tả là “nhàm chán”, “xuống cấp” và “đầy rẫy những vấn đề liên quan đến quản lí”.

Tờ báo có lí. Một nơi mà những con đường mang tên các loài hoa và quả lẽ ra phải đẹp lắm, chứ không thể tiêu điều như hiện tại, với những khu chung cư đã quá cũ, những con đường đầy rẫy ổ gà, những công viên rộng lớn nhưng xơ xác, và những niềm hy vọng lớn nhất vào thể thao của người dân nơi này lẽ ra không phải là những chiếc tivi để họ chúi mũi vào mỗi cuối tuần, cho các trận đấu lớn ở các giải vô địch Ý và các Châu Âu khác, mà phải là các sân vận động ở Serie A. Có một trường bóng đá mang tên Francesco Totti ở ngay cạnh nhà tôi. Tấm biển ngoài cổng ghi rõ tên của người đội trưởng huyền thoại của Roma. Tiếc thay, nó quá cũ, và bản thân Totti, người đỡ đầu cho ngôi trường ấy, cũng chưa từng đến nơi này kể từ khi nó được thành lập.

May mà còn có Tor Tre Teste, và cũng may mà còn có những người cha cuồng nhiệt vì bóng đá như một người Ý gốc Việt mà tôi chơi thân thiết như anh em ruột thịt. Anh bảo: “Em phải đến đó, phải qua xem con anh và đội bóng của nó thi đấu”. Anh đã nói với tôi như thế trong một buổi cappuccino kéo dài đến cả tiếng, mà bóng đá trở thành một đề tài đầy lôi cuốn và hấp dẫn, với tiêu điểm không gì khác ngoài con trai anh. Thằng bé lớn nhanh như thổi. Quay đi quay lại 3 năm kể từ nhiệm kì cũ của tôi trên đất Italy, đã không còn nhận ra nó nữa.

Nó mới 13 tuổi, nhưng đã cao đến 1m76 và là người Châu Á duy nhất trong đội bóng của nó. Hơi nhút nhát, nhưng cao to, kĩ thuật tốt và rất giỏi không chiến, thằng bé trở thành niềm tự hào lớn lao của một ông bố đam mê bóng đá cuồng nhiệt và luôn mong muốn con mình ngày nào đó sẽ là cầu thủ chuyên nghiệp khoác áo một CLB lớn của Serie A, và nếu có thể, thậm chí trở về, xỏ giày đá cho một đội bóng nào đó của quê cha, thông qua sự môi giới của…. chính tôi.

Hôm ấy, Davide, tên thằng bé, chơi tốt nhất đội. Người cha đã luôn ca ngợi nó là một trong những cầu thủ nhí hay nhất trường. Anh không sai. Nếu không có nó, hôm ấy, đội sẽ thua không dưới hai bàn. Nhưng tôi, người môi giới trong tương lai, đến sân thực ra không chỉ để xem chân cẳng thằng bé. Không khí của cả sân bóng, với những khán đài bằng sắt phía trước một sân cỏ rộng rãi, thoáng, thậm chí sơn 3 Scudetto mà các đội bóng của trường giành được trong các giải thiếu nhi, có một sức thu hút thật kì lạ.

Khán giả không ai khác là bố mẹ và ông bà của 22 chú bé độ tuổi 13, 14 chạy hùng hục trên sân, trong sự điều khiển của một nữ trọng tài tóc vàng xinh chẳng kém diễn viên điện ảnh. Họ gào thét, họ ca cẩm, họ lẩm bẩm, họ nhảy dựng lên mỗi khi con họ có bóng, ghi bàn hoặc bỏ lỡ một cơ hội. Hàng tràng những từ như “bravo” (hay lắm), “daje” (cố lên), hay “mamma mia ohhhh” (ôi mẹ ơi) vang lên như một bài hát lộn xộn với đủ các loại âm lượng. Bà mẹ bên cạnh tôi cất giọng the thé: “Cố lên đi, Simone”. Ông già ngồi bên phải: “Andrea, đừng đi bộ. Chạy đi chứ”. Sau một bàn thắng, có ai đó kêu lên: “Này, con tôi đấy”. Cả đám cha mẹ quay lại nhìn người phụ nữ với đủ các cung bậc tình cảm khác nhau.

Hiệp hai, tiếng hò hét to hơn, tiếng đá chân vào hàng rào sắt vì tiếc rẻ sau một bàn thắng vang lên ầm ầm. Các vị phụ huynh (nhất là nữ) trở nên quá khích. Bà ngồi cạnh, sau khi “buôn” nửa tiếng với một bà khác, quay lại hỏi ông bố to béo ngồi cạnh: “Tỷ số thế nào ba nhỉ?”. Ông anh tôi, quá sốt ruột trước cảnh đội của thằng con trai thua 0-2 và có vẻ như không thể nào lật ngược được thế cờ, dù đã có một cơ hội bằng vàng từ quả penalty (nhưng đá hỏng), bắt đầu tăng âm lượng trong cổ họng, để từ những tiếng lầm bầm thành những tiếng chửi thề. Anh trách ông HLV ngu vì không để con anh đá quả penalty! 

Thế rồi, những khán giả khác xuất hiện: ấy là những bà mẹ đẩy xe cho con mới sinh của họ vào sân. Họ không xem trận đấu mà khoe con với những bà khác. Họ trở thành những người lạc lõng trên một sân bóng mà cả những chú chó bulldog to tướng do một bà dắt đến cũng chăm chú theo dõi trận đấu. Nó thỉnh thoảng ngơ ngác ngắm đám phụ huynh la ó và hò hét. Có lẽ chính nó cũng tự hỏi, không hiểu tại sao cái lũ người này lại cuồng đến thế.

Những sân bóng cấp quận ấy bây giờ chính là một phần niềm vui của các gia đình. Họ không đến sân xem bóng đá hay ngồi chết gí trong ghế bành trước tivi các chiều chủ nhật xem tường thuật nữa. Các sân bóng Serie A từng một thời là nơi tụ hội của các gia đình nhiều thế hệ, những phụ nữ xinh đẹp hoặc các bà nạ dòng đến sân tìm người tình hoặc chí ít cố gắng gây chú ý để được camera quay tới, những ông bố bà mẹ đưa con đến sân để xem các thần tượng.

Bây giờ, tất cả đã thay đổi. Những sân bóng ấy trở nên tiêu điều vì quá cũ, vì chất lượng bóng đá xuống cấp sau khi những ngôi sao lớn bỏ đi, vì an ninh không tốt, khi các khu khán đài trở thành nơi ngự trị của đám ultra mồm vừa chửi rủa đối phương vừa hút cần sa và sau đó ném pháo lung tung, vì quá nhiều sự cố có thể ảnh hưởng không tốt đến con trẻ. Một ông bạn mới quen ở sân Tor Tre Teste bảo, ngay cả khi con anh có mê Totti đến mấy chăng nữa, anh cũng không muốn con anh ra sân Olimpico. Anh sợ lũ trẻ bị ảnh hưởng bởi ngôn từ tục tĩu của lũ cổ động viên quá khích, sợ bị vạ lây mỗi khi có nguy cơ đánh nhau to.

Các sân bóng chuyên nghiệp cứ thế vắng dần khán giả đến sân theo gia đình, và giờ đông lên ở những sân bóng thiếu nhi như thế này, nơi ngự trị niềm vui (và cả sự cay cú) bóng đá một cách trong sáng nhất. Ở đó, người ta cũng không quên nhắc cho lũ trẻ và cha mẹ họ đến những thành viên cũ của trường bóng đá nay không còn nữa. Ở một góc sân, phấp phới tấm biểu ngữ ghi dòng chữ “Ciao Roberto”, để tưởng nhớ một học viên đã qua đời cách đây chưa lâu vì tai nạn giao thông. 

Không biết trong những đứa trẻ dưới sân kia, trong đó có cháu Davide của tôi, có đứa nào sau này lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên Roma và Lazio luôn có mặt trong những trận đấu thế này để đưa về đào tạo ở các đội bóng ấy. Cũng không thể biết con đường sau đó của chúng và của những đứa trẻ không thành tài sẽ ra sao, chỉ biết rằng, chúng đang tạo ra những niềm vui lớn lao cho bố mẹ chúng. Họ nuôi hy vọng vào chúng, truyền cho chúng sự đam mê mà họ đang có, và một nền bóng đá cứ thế sống trong niềm hy vọng của những ông bố, bà mẹ, những người yêu bóng đá điên cuồng, nhưng bây giờ, vì nhiều lí do khác nhau, họ không còn đến sân xem bóng đá chuyên nghiệp nữa.

Bốn năm trước, tôi đã từng có dịp đến xem một trận đấu ở hạng nghiệp dư tại Pescara, miền đông Italy, cách Roma hơn 200 cây số. Hôm ấy cũng là tháng 3 và trước lễ Phục sinh. Trên một sân bóng xập xệ mà cỏ mọc thành luống và sỏi đá vương vãi khắp nơi, là trận đấu giữa Montesilvano và Sant’Egidio, hai CLB vô danh trên bản đồ bóng đá Ý. Những cánh cổng sân mở toang. Không ai bán vé. Không người bảo vệ. Không có các ultra quá khích. Không truyền hình trực tiếp. Thông tin về trận đấu chỉ được viết ra trên một tấm bảng đen cũ rích phía ngoài sân vận động. Hai đội ra sân cũng không có tên nhà tài trợ trên áo. Trận đấu được tổ chức nhờ sự hảo tâm của mấy nhà hàng, một cửa hàng bán cá và một siêu thị bán đồ thể thao.

Nhưng hôm ấy, khán giả trên sân, trong đó có tôi và ông anh, bố của Davide, được chứng kiến một trong những trận đấu hay nhất, với những bàn thắng, những màn ăn mừng ngoạn mục, những tiếng vỗ tay của khán giả. Ở nơi này, bóng đá đỉnh cao đã xa vắng từ rất lâu. Pescara mới lên hạng Serie A sau hơn 20 năm vắng bóng rồi lại tụt hạng ngay sau một mùa trong bao tiếc nuối. Nhưng tình yêu của người dân nơi đây với bóng đá chưa bao giờ mất đi, và họ sưởi ấm tình yêu ấy bằng những niềm vui rất thật và trong sáng trong những trận đấu không ai biết đến như Montesilvano-Sant’Egidio.

Yêu bóng đá cũng là yêu những gì gắn bó với quê hương cội nguồn của họ, như trận đấu Pescara, và yêu những gì là máu thịt, như các bậc phụ huynh đã yêu bóng đá qua con cái họ từ các khán đài của sân Tor Tre Teste. Họ không quan tâm đến thế giới ngoài kia đang đuổi theo những ngôi sao, những trận đấu đỉnh cao cấp thế giới, những khán đài đầy khán giả và ánh đèn flash lấp loáng như thế nào. Họ cũng chẳng để ý đến những lời dè bỉu từ những ai yêu những nền bóng đá khác đang chiến thắng và giành nhiều vinh quang hơn nền bóng đá của họ.

Theo lẽ thường, người ta thích quan tâm hoặc cố gắng ghép mình vào những đội chiến thắng và chế giễu những nền bóng đá thất bại, ăn mày dĩ vãng như calcio. Nhưng những khán giả ở cái sân bẩn thỉu tại Pescara xa xôi kia, cũng như những bậc cha mẹ ở Tor Tre Teste lại coi thứ bóng đá mà họ đã trực tiếp chứng kiến hàng tuần kia mới là đẹp nhất. Và những ai ở thế giới bên ngoài không bao giờ hiểu được họ. Họ cũng không thấy cần phải giải thích cho thế giới ấy biết, đối với họ, bóng đá là gì.

Một buổi chiều tháng 3, trên một sân bóng thiếu nhi, tôi đã nhìn thấy bóng đá đích thực.

Trương Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Italy, từ Rome)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm