Giải pháp cho 'làn sóng' nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt: Bài 2 - Cần chính sách lâu dài

24/07/2022 13:32 GMT+7 | Tin tức 24h

Trước “làn sóng” nghỉ việc của nhân viên y tế trên cả nước, các chuyên gia cho rằng, ngành Y tế cần cải thiện ngay môi trường làm việc, thu nhập cho nhân viên y tế, về lâu dài rất cần nhiều chính sách mang tầm chiến lược.

Giải pháp cho 'làn sóng' nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt: Bài 1 - Những hệ lụy

Giải pháp cho 'làn sóng' nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt: Bài 1 - Những hệ lụy

Thời gian qua, tình trạng nhân viên y tế “ồ ạt” xin nghỉ việc xuất hiện ở nhiều địa phương. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt diễn ra từ sau khi dịch COVID-19 bùng phát, kéo dài đến nay và không có dấu hiệu ngừng lại.

Nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt - vì đâu?

Thực tế, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc không chỉ mới xảy ra gần đây mà đã “âm ỉ” từ trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Ở thời điểm đó, số lượng nhân viên y tế nghỉ việc chưa nhiều, các cơ sở y tế vẫn kịp thời bổ sung nhân sự để phục vụ người bệnh. Thế nhưng, từ khi dịch bệnh bùng phát, đặc biệt sau hơn 2 năm chống dịch, nhiều nhân viên y tế đã quyết định viết đơn xin thôi việc.

Theo báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên cả nước có 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc; trong đó có 8.620 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 777 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.

Chú thích ảnh
Bệnh nhi đến khám tại Phòng khám (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) khi xuất hiện triệu chứng cúm A. Ảnh minh họa: Minh Quyết - TTXVN

Nhìn nhận về vấn đề này, Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân đầu tiên ai cũng thấy đó là thu nhập quá thấp của nhân viên y tế khối công lập. So với các ngành khác, mức lương ngành Y tế không cao hơn thậm chí còn thấp hơn. Đặc biệt, sau chủ trương tự chủ tài chính, một số bệnh viện không thể trả lương cao hơn vì lý do doanh thu thấp, nhất là trong mùa dịch.

Đồng tình với nhận định đó, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho hay, hiện nay, dù đa số các bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên nhưng viện phí vẫn chưa được tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá. Những phần chưa được cơ cấu vào giá viện phí như chi phí đào tạo, bảo trì máy móc, cải tạo cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin… buộc các bệnh viện phải tự cân đối ngân sách, đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế.

“Nguồn thu không dồi dào để tăng thu nhập cho anh em nên nhiều người có xu hướng chuyển sang các đơn vị khác có thu nhập cao hơn, như các đơn vị tư nhân chẳng hạn”, bác sĩ Trần Văn Khanh phân tích.

Cùng với thu nhập thấp, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam, giảng viên cao cấp Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, trong môi trường công lập, nhân viên y tế chưa thật sự được coi trọng, thậm chí nhiều trường hợp thầy thuốc còn bị coi như một dạng lao động phổ thông, thiếu hẳn sự tôn trọng của người lãnh đạo.

Một số cơ sở y tế đã yêu cầu thầy thuốc làm việc quá sức, trái với quy định như: Khám bệnh từ 4 giờ, không nghỉ trưa… “Ở một bệnh viện chuẩn thì bệnh nhân là thượng khách của bác sĩ, nhân viên y tế là thượng khách của lãnh đạo bệnh viện. Thế nhưng rất khó có được điều này ở bệnh viện công”, Phó Giáo sư Nguyễn Hoài Nam nhìn nhận.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh lại cho rằng, đại dịch COVID-19 là “giọt nước làm tràn ly” khiến số lượng nhân viên y tế nghỉ việc tăng cao. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng phân tích, trong thời điểm dịch bùng phát, nhân viên y tế sẵn sàng làm quên ngày, quên đêm, bất chấp cả sức khỏe của mình.

Tuy nhiên, khi dịch tạm lắng, sau những vinh danh, khen ngợi động viên về tinh thần, họ lại bị “bỏ lơ”, thậm chí đã có những sự nghi ngờ đối với nhân viên y tế khi trong ngành xảy ra vụ việc tiêu cực. Cùng với sự kiệt sức do phải “căng mình” chống dịch, tâm lý mệt mỏi, stress khiến nhân viên y tế không còn động lực tiếp tục làm việc, cống hiến trong môi trường y tế công lập.

Đâu là giải pháp “giữ chân” nhân viên y tế?

Kiến nghị giải pháp “giữ chân” nhân viên y tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng cho rằng, trước mắt, các cơ sở y tế nên có sự hỗ trợ ngay cho nhân viên của mình bằng các hành động thiết thực để họ cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, cắt giảm một số gánh nặng không cần thiết cho nhân viên y tế như các giấy tờ, thủ tục hành chính… tạo điều kiện để họ được làm việc đúng với chuyên môn. Những người bị căng thẳng, tâm lý bất ổn nên có sự hỗ trợ tinh thần cho họ.

Còn về lâu dài, cần có những chính sách mang tầm chiến lược của Nhà nước như: Cải cách tiền lương, cải thiện thu nhập cho cán bộ y tế. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi cho nhân viên y tế bằng việc trang bị đầy đủ trang thiết bị, máy móc, thuốc men, vật tư y tế; có định hướng phát triển rõ ràng cho những vị trí đặc thù như bác sĩ y tế dự phòng, điều dưỡng…

Chú thích ảnh
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi đang điều trị cúm A tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh minh họa: Minh Quyết - TTXVN

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, cần 3 yếu tố để "giữ chân" nguồn nhân lực: Một là thu nhập, vị trí hợp lý; hai là có chính sách đãi ngộ tốt và ba là tạo môi trường làm việc thật sự khoa học, thân thiện. “Chúng tôi vẫn hy vọng vào vai trò điều tiết của Nhà nước trong vấn đề này. Rất cần các nhà hoạch định chính sách để điều tiết đúng thị trường lao động ngành Y, trên cơ sở tôn trọng quy luật phát triển tự nhiên”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam nêu quan điểm. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương có số lượng nhân viên y tế nghỉ việc tương đối lớn từ năm 2021 đến nay, cho hay, ngay từ khi có hiện tượng nhiều nhân viên y tế nghỉ việc, Sở này đã tổ chức các diễn đàn chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân viên y tế, kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho ngành Y tế thành phố.

Sở Y tế đang tìm các phương án nhằm giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế yên tâm công tác phục vụ lâu dài trong ngành. Bên cạnh đó, Sở xây dựng và thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế làm việc tại tuyến y tế cơ sở.

Mới đây, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cũng khẳng định, trong trách nhiệm của mình, thành phố sẽ làm hết sức để có những chế độ tiêu chuẩn khác cho nhân viên y tế, kể cả trong công tác điều trị cũng như phòng, chống dịch. Thành phố đã ban hành chính sách đặc biệt như tăng cường thu hút bác sĩ mới ra trường và bổ sung chính sách hỗ trợ khác, gắn với khen thưởng, hỗ trợ nhiều mặt cho nhân viên y tế.

“Những việc làm này chắc chắn chưa thể nào bù đắp được so với nỗ lực của cán bộ, nhân viên y tế trong thời gian qua. Thế nhưng, khi mức lương chưa được cải thiện, áp lực công việc không thể giảm bớt, các chính sách khác vẫn chưa thể điều chỉnh thì điều này cũng góp phần thể hiện tình cảm, trách nhiệm, chia sẻ, thấu cảm trước mắt đối với nhân viên y tế”, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các quận, huyện có những hành động chia sẻ với ngành Y để nhân viên y tế yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến sức lực cho sứ mệnh chăm sóc sức khỏe, bảo vệ tính mạng nhân dân. (Hết)

Đinh Hằng/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm