09/04/2020 18:29 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Được vinh danh ở hạng mục Quốc tế tại Giải thưởng kiến trúc Turgut Cansever vừa qua, chuỗi dự án của KTS Đoàn Thanh Hà đang được nhắc tới khá nhiều với một cái tên khá thời sự: “Không gian thân thiện trong khu đô thị ngột ngạt”.
“Hội tụ được tất cả những khát vọng của người kiến trúc sư làm việc vì cộng đồng nhưng vẫn đậm đà bản sắc kiến trúc truyền thống”, đó là đánh giá về chuỗi dự án này từ Ban giám khảo của Turgut Cansever - giải thưởng kiến trúc quốc tế nhằm tôn vinh bản sắc địa phương trong một thế giới toàn cầu hóa.
Được tổ chức với sự hợp tác của thành phố Antalya Kepez (Thổ Nhĩ Kỳ) và Liên hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế (UIA) chứng thực, Giải thưởng Turgut Cansever 2020 được trao cho những công việc do Ban giám khảo uy tín lựa chọn từ các đề cử trên toàn cầu, là sự ghi nhận các đề xuất thể hiện được đặc trưng về những nguyên tắc thiết kế của kiến trúc sư Thổ Nhĩ Kỳ Turgut Cansever - người duy nhất trên thế giới ba lần giành được giải thưởng danh giá Aga Khan.
“Không gian mở” cho cộng đồng
Theo cắt nghĩa của Đoàn Thanh Hà, không gian “thân thiện trong khu đô thị ngột ngạt” là những không gian nhắm đến việc phục vụ nhu cầu xã hội của các cộng đồng dễ bị tổn thương (về vật chất, vị thế xã hội, cơ hội phát triển) ở Việt Nam. Do vậy, 5 công trình thuộc dự án đều gắn với việc hình thành không gian mở cho tất cả mọi người tại trung tâm của những khu vực đô thị hóa.
Về bản chất, các không gian này đều được thao tác bởi bộ công cụ 3 Không (Không ngăn cách - Không phân biệt - Không giới hạn), được hình thành từ những “vật liệu thiết thực” (tái sử dụng, rẻ tiền, sẵn có tại địa phương) với công nghệ xây dựng kết hợp phương pháp thủ công truyền thống với kỹ thuật mới, đồng thời có sự tham gia của người dân từ khi bắt đầu xây dựng đến khi hoàn thành và nâng cấp trong quá trình sử dụng.
Trong đó, BES pavilion (thành phố Hà Tĩnh), BE friendly space (thị trấn Mạo Khê, Quảng Ninh), Không gian S (thị trấn Đồng Văn, Hà Nam) đều là các không gian tập trung vào khía cạnh văn hóa và nghệ thuật (trưng bày triển lãm, thảo luận, cafe...). Hai trường hợp đầu nhấn mạnh tới việc sử dụng các vật liệu địa phương như tre và đất với cách tiếp cận khá độc đáo, điển hình là bức tường được trình bằng đất chạy zích zắc, xen cài với những mảng xanh và khoảng trống của BE friendly space. Còn “Không gian S” tận dụng phần đá thải từ một số làng nghề và công trường xung quanh để tạo nên hình ảnh “đám mây & dãy núi” với những bức tường bằng đá liên thông, phía trên là hệ mái nhẹ và sàn lửng được tạo thành bởi các ống thép và thanh tre đỡ.
Re-ainbow (Đức Thọ, Hà Tĩnh) lại là trường hợp khá đặc biệt, với tính chất của một công trình đa chức năng hòa trộn từ hai phần “tĩnh” và “động”. Tại đó, phần “tĩnh” gồm trạm y tế, nhà vệ sinh công cộng, khu vực phụ trợ - còn phần “động” bao quanh mảnh vườn trung tâm có thể dùng làm lớp học, nơi biểu diễn nghệ thuật, không gian hội họp, quầy giải khát... được biến hóa theo từng nhu cầu cụ thể bằng hệ vách ngăn và bao che di động.
Đặc biệt, công viên Mỏ Mạo Khê (Đông Triều, Quảng Ninh) là công trình có quy mô lớn nhất. Khu vực này có diện tích 3,3 ha, ra đời từ thập niên 90 của thế kỷ trước và gần như bỏ hoang nhiều năm nay. Từ những gì hiện có, KTS Đoàn Thanh Hà chọn giải “lấy ngăn cách để xây cầu nối” với việc dỡ bỏ hàng rào và một số công trình bỏ hoang, rồi tái sử dụng các vật liệu này để xây dựng những kiến trúc mở mới ở trong công viên như không gian cộng đồng, pavilion thực vật, vườn vệ sinh... Ngoài ra, các đường dạo ăn sâu vào trong được bố trí khiến cho công viên được mở bung về ba phía, kết nối các hướng với nhau và tạo ra những nơi chốn giao thoa hữu ích để người dân sinh hoạt cộng đồng.
Kiến trúc phải “vị dân sinh”
Như lời Hà, chuỗi dự án của anh gắn với quan điểm “kiến trúc vị nhân sinh”, từng được KTS này ấp ủ từ hơn chục năm qua.
“Đầu năm 2008, tôi bắt tay làm luận án nghiên cứu sinh về “Tính nhân văn trong Kiến trúc” dưới sự hướng dẫn trực tiếp của TS-KTS Nguyễn Trí Thành. Trao đổi, chúng tôi coi kiến trúc vị dân sinh là biểu hiện tất yếu của thế kỷ 21” - Hà kể - “Vì vài lý do, sau đó tôi không hoàn tất luận án mà quyết tâm đưa những suy nghĩ này vào thực tiễn. May mắn, việc thực hành nó trên các công trình sau đó đã giúp tôi có cái nhìn rõ ràng, cô đọng và cụ thể hơn về hướng tiếp cận, so với những kiến giải mơ hồ ban đầu”.
Theo lời KTS này, “vị dân sinh” trong kiến trúc trước hết là việc đáp ứng các nhu cầu thiết thực trong cuộc sống hàng ngày, tạo điều kiện cho người dân cải thiện chất lượng cuộc sống, bù đắp lại những thua thiệt về kinh tế, văn hóa và xã hội. Từ đó, kiến trúc vị nhân sinh gắn với những không gian “của dân, do dân, vì dân”, hướng tới mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, bù đắp những khoảng trống và khoảng tối mà kiến trúc chính thống thường bỏ qua vì không mang lại lợi ích cho nhà đầu tư hay nhà quản lý.
“Những khi trao đổi với thầy mình, chúng tôi hay nói vui là kiến trúc “vị dân sinh” sẽ đối lập với các kiến trúc “vị tiên sinh” và “vị nhân vật” vốn đang xuất hiện khá nhiều trong cuộc sống hiện đại” - anh chia sẻ thêm - “Theo đó, “vị tiên sinh” là những kiến trúc đáp ứng lối sống “sướng như tiên” của một số ít người, còn “vị nhân vật” là kiến trúc được/phải làm theo yêu cầu của những người có thế lực mà không quan tâm tới nhu cầu thực sự của những người sẽ sống trong đó. Những khu nhà ở xã hội đang bị bỏ hoang của chúng ta là ví dụ điển hình”.
Hình thành từ năm 2008 nhưng phải tới 5 năm sau, những ý tưởng của Hà mới có dịp triển khai trên thực tế, qua BES pavilion - công trình đầu tiên. Nhìn lại thời điểm ấy, anh tự nhận rằng mình chưa có nhiều kinh nghiệm, nên BES pavilion gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện.
Để rồi, qua bước “khởi đầu nan”, lần lượt thêm 4 công trình khác nối nhau được Hà cùng các cộng sự triển khai trong 7 năm qua và tạo thành chuỗi dự án vừa được vinh danh.
Chia sẻ với TT&VH, anh nói: “Để những kiến trúc vị dân sinh lan tỏa trong đời sống hàng ngày, tôi thấy cần nhiều yếu tố. Thứ nhất, cần có hành lang pháp lý - hay ít nhất là một cơ chế thích hợp - hỗ trợ cho việc thực hiện những kiến trúc có tính chất vì cộng đồng dễ bị tổn thương. Thứ hai, cần nâng cao trách nhiệm xã hội của KTS, bên cạnh trách nhiệm chuyên môn của họ đối với sản phẩm kiến trúc. Thứ ba, các cơ sở đào tạo (như trường kiến trúc) cần khẳng định rõ ràng “trách nhiệm xã hội” và nhấn mạnh yêu cầu “vì cộng đồng” nói chung trong suốt quá trình đào tạo, để những KTS trẻ có thể theo đuổi điều này”.
Vài nét về KTS Đoàn Thanh Hà Đoàn Thanh Hà sinh năm 1980 tại Bắc Ninh, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, là người sáng lập kiêm KTS trưởng tại H&P Archietcts từ năm 2009. Anh từng làm giám khảo một số cuộc thi kiến trúc quốc tế từ 2015 và nhận một số giải thưởng được trao gần đây do Liên hiệp hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) tổ chức, bảo trợ bao gồm: UIA Turgut Cansever 2020, UIA Barbara Cappochin 2019, UIA Baku International Architecture 2017, UIA Friendly and Inclusive Spaces 2017, 3 Huy chương Vàng Kiến trúc Châu Á các năm 2019, 2016, 2015... |
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất