Người vợ ma 2: Từ "ma giả" đến "ma thật"

23/10/2008 09:32 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vào lúc 11 giờ 30 sáng hôm qua (21/10) Kịch Phú Nhuận đã diễn phúc khảo vở Quả tim máu (kịch bản và đạo diễn: Thái Hòa) - một phiên bản khác của Người vợ ma (kịch bản: Xuyên Lâm, đạo diễn: Thái Hòa) vẫn đang rất ăn khách, sau hơn 400 suất diễn. Vở Quả tim máu sẽ công diễn vào 25/10 với 2 suất chiều và tối.

Xem Quả tim máu (còn gọi Người vợ ma 2) khán giả thấy có một vài thay đổi. Đầu tiên là ở địa điểm diễn ra câu chuyện, nếu Người vợ ma (vở A) diễn ra trong căn nhà ở thành phố, chốn được xem là văn minh, thì trong Quả tim máu (vở B) lại diễn ra ở một vùng trung du, nơi bị xem là còn nhiều lạc hậu. Vợ chồng Sơn (do Huỳnh Đông đóng) và Hằng (Hoàng Thy) tìm đến nhà của Phương, người bị tai nạn xe và cho Hằng quả tim, để tạ ơn. Trong ngôi nhà này có Tâm (Xuân Trang) là chồng sắp cưới của Phương ngày trước, bà Len (Vân Anh) là mẹ của Phương, và cu Hù (Thái Hòa) là bạn của gia đình.
 
Cảnh trong vở Quả tim máu (Người vợ ma 2)

Thay đổi địa điểm, đạo diễn như muốn kéo khán giả ra khỏi khu vực tưởng tượng về những hình tượng đã thành dấu ấn trong vở A, để vở B thật sự tươi mới. Và ý đồ này đúng như vậy, khi 2 vợ chồng Tâm đến nhà của bà Len, thì gần như kẹt ở đây cho đến chết, một motiv vốn quen thuộc và gần như bắt buộc trong các truyện, các phim kinh dị. Chính trong ngôi nhà này, người ta đã thấy được cái giá của một tình yêu mù quáng, vì yêu mà bất chấp tất cả, vì yêu mà giết người. Cũng chính trong ngôi nhà này, quan niệm về ma của đạo diễn đã thay đổi, từ chuyện người giả ma trong vở A thành một thế giới ma quái hoàn toàn. Ma như là tiếng nói của công lý, là hình thái của sự trừng phạt đi tìm tội ác.

Điểm thay đổi thứ 2 thuộc về nhân vật trung tâm. Trong vở A, người vợ (Thanh Vân) vì yêu mà biến thành kẻ độc ác, ma quái; trong vở B thì người chồng đã làm như vậy, nhưng không biến thành ma, mà đối diện với ma – chính là nạn nhân của mình. Để kết quả, thì trái tim mà Sơn “cướp” đi từ sinh mạng của người khác để thay cho vợ mình, lại bị chính mình cầm dao đâm chết.

Khi nhân vật trung tâm (người giữ mấu chốt câu chuyện) chuyển từ nữ sang nam, sự dằn vặt tâm lý và các bí ẩn được đạo diễn dồn tới phút cuối. Hoàng Thy không thật xuất sắc về tiếng nói sân khấu, vì giọng thấp và mỏng, thì bù lại, diễn viên này giữ tâm lý và đường dây cảm xúc khá tốt. Huỳnh Đông (nhân vật trung tâm) đều tay hơn, nhưng đến những lúc cần “vút lên” để tạo độ chênh về tâm lý, tạo bất ngờ cho người xem thì anh chưa làm được. Suốt chiều dài câu chuyện, anh có mấy cơ hội để làm điều này, chắc đạo diễn và người cố vấn nghệ thuật sẽ có những chỉ đạo cần thiết.

Văn Bảy

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm