Nguyễn Nhật Ánh - một danh tiếng bền vững…

24/03/2021 19:18 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Kề từ năm học mới 2021-2022 ở cả cấp tiểu học và trung học cơ sở, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đều có bài trong giáo khoa. Sách Tiếng Việt 2 của cả bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Chân trời sáng tạo cùng chọn 1 bài; sách Ngữ văn 6 tập 1 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống trích đoạn truyện dài Tôi là Bêtô của ông…

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Khoa Đăng mải mê lao động nhà văn

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Khoa Đăng mải mê lao động nhà văn

Trong 3 cuốn giáo khoa "Tiếng Việt 2" được dùng cho năm học 2021 - 2022 mà Bộ GD&ĐT đã phê duyệt, thì "Tiếng Việt 2" - bộ "Cánh diều" và "Tiếng Việt 2" bộ "Chân trời sáng tạo" cùng chọn bài "Mùa lúa chín" của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng.

Nguyễn Nhật Ánh tự nói về kinh nghiệm văn bút của mình: “Tôi còn bị quyến rũ bởi các tác phẩm của Thạch Lam, Khái Hưng, Tô Hoài, Thế Lữ… chứ không chỉ đắm chìm trong những trang sách nước ngoài của Edmondo de Amicis (Tâm hồn cao thượng), Victor Hugo (Những người khốn khổ), Hector Malot (Không gia đình)… Tôi còn thích các cổ tích của Andersen người Đan Mạch, còn thích Cánh buồm đỏ thắm của văn học Nga…”

Từ mơ ước của “văn đoàn xứ Quảng”

Thời đi học bị đắm chìm, bị văn chương quyến rũ được Nguyễn Nhật Ánh kể khá kỹ lưỡng trong tiểu thuyết nhiều tính tự thuật Lá nằm trong lá của mình. Ông kể về thời học sinh trung học không chỉ của riêng mình mà của những bạn văn Vũ Trọng Quang, Kim Hạnh, Nguyễn Thái Dương, Lê Minh Quốc… những người bạn đã lập một bút nhóm với ước mơ văn đoàn xứ Quảng của mình sẽ tầm cỡ như Tự lực Văn đoàn thời 1930 - 1945 ngoài Hà Nội.

Trong nhóm, Nguyễn Nhật Ánh lấy bút danh rất diễm tình - Hoài Mộng Diễm Thư. Nguyễn Nhật Ánh kể: “Thầy tôi tên thật là Nguyễn Văn Bổn, thầy có bút danh là Tần Hoài Dạ Vũ mà tôi ấn tượng và làm theo, lại khuyên tôi, tên em là Nguyễn Nhật Ánh, đẹp vậy sao không ký, mà phải bắt chước thầy làm gì. Nghe lời thầy, tôi ký tên là Nguyễn Nhật Ánh cho tới hôm nay”.

Cho tới hôm nay, Nguyễn Nhật Ánh đã có rất nhiều tác phẩm được đông đảo bạn đọc mến mộ và có tác phẩm trong sách giáo khoa!

Chú thích ảnh
Nguyễn Nhật Ánh (người ôm hoa) nhận giải thưởng Dế Mèn của Báo Thể thao và Văn hóa

Sách Tiếng Việt 2 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Chân trời sáng tạo cùng chọn bài Khi trang sách mở ra của Nguyễn Nhật Ánh:

“Khi trang sách mở ra

Khoảng trời xa xích lại

Bắt đầu là cỏ dại

Thứ đến là cánh chim

Sau nữa là trẻ con

Cuối cùng là người lớn

Trong trang sách có biển

Em thấy những cánh buồm

Trong trang sách có rừng

Với bao nhiêu là gió

Trang sách còn có lửa

Mà giấy chẳng cháy đâu

Trang sách có ao sâu

Mà giấy không hề ướt

Trang sách không nói được

Sao em nghe điều gì

Dạt dào như sóng vỗ

Một chân trời đang đi”.

Với bài thơ trên, chúng ta có cảm tưởng như ở khổ thơ thứ nhất, người mở sách là người mới lần đầu làm việc này. Đầy ngạc nhiên! Cuộc sống vô hạn ngoài kia tràn vào một vật dụng kích tấc nhỏ xinh - cuốn sách, mình đang cầm trên tay. Cuộc sống ào vào, ngồn ngộn không gian “xích lại” như thần thông biến hóa, liên tục thời gian nối nhau “bắt đầu”… “thứ đến”… “cuối cùng”. Tới khổ thơ thứ 2, người đọc sách bình tĩnh lại, đọc kỹ lưỡng hơn, nhận diện chi tiết hơn những rừng và biển mà “trời xa” đem lại. Sang khổ thơ thứ 3, đọc nhận biết đã nâng cấp thành đọc suy luận, suy luận sâu xa tới mức có thể tưởng tượng những khác thường diễn ra ngoài trang sách, đúng với mong muốn mà người làm thơ cài trong cái kết mở của bài - người đọc sẽ tới lúc thành người viết, theo nghĩa rộng của từ này. Bằng chữ “xích lại” thơ đến với người đọc, rồi “đi” trong chữ cuối bài, thật là “đầu cuối tương ứng”!

Đọc kỹ các câu hỏi hướng dẫn tìm hiểu bài của cả Kết nối tri thức với cuộc sốngChân trời sáng tạo không có câu nào lạc đối tượng, dẫn tới vội vàng, cưỡng bức hiểu biết với học sinh lớp 2. Nhưng vẫn xin được bình vài lời như trên, để hiểu vì sao cả 2 bộ sách lại cùng chọn một bài thơ in trên một tờ báo ra đời từ những năm 1990 và bình với mong muốn góp sức cùng các thầy cô giáo và các bậc cha mẹ học sinh “biết mười dạy một”.

Trong sách Ngữ văn 6 tập 1 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống một trích đoạn truyện dài Tôi là Bêtô của Nguyễn Nhật Ánh được đưa vào bài học thứ nhất: Tôi và các bạn. Trích đoạn của Nguyễn Nhật Ánh được học trong tiết “thực hành đọc”. Trích đoạn này tên gọi Những người bạn và con chó Bêtô nhân vật đồng thoại của nhà văn, vào vai người kể chuyện, kể với học sinh lớp 6 những chuyện thật người:

“Được sợ hãi, đúng là một cái thú. Hèn gì chị Ni thích nghe chuyện ma và thằng Bi-nô ngày nào cũng trèo lên căn gác gỗ.

Khi nỗi sợ qua đi, tôi sung sướng bắt gặp mình nằm dán vào bộ lông dày và ấm của Bi-nô. Hai đứa thò đầu ra khỏi gầm chạn, lặng lẽ ngắm mưa rơi. Mưa nhẹ hạt dần, những tiếng lộp độp trên mái tôn càng lúc càng thu nhỏ lại, nghe như tiếng vó ngựa đang rời đi và chuẩn bị khuất đâu đó đằng sau dãy núi xa”.

Chú thích ảnh
Bài thơ “Khi trang sách mở ra” của Nguyễn Nhật Ánh trong sách “Tiếng Việt 2”

Viết ngày càng chuyên nghiệp hơn

Với các trang giáo khoa của Nguyễn Nhật Ánh, những người làm giáo khoa giúp học sinh được tiếp xúc với một nhà văn thời danh, theo nghĩa đẹp của chữ này. Sách mới của ông ra hằng năm và đều thành thời sự.

Ngày 22/9/2019 ngay dưới chân Tháp Bút, đầu cầu Thê Húc, cửa đền Ngọc Sơn bờ Hồ Gươm, Hà Nội, hàng nghìn bạn đọc xếp hàng mua sách Làm bạn với bầu trời của ông. Bằng lao động nghiêm túc của một nhà văn, ông đã giữ cho mình một số lượng đông đảo bạn đọc như thế! Chính sự ngưỡng mộ của bạn đọc và số lượng hàng vạn bản in mỗi đầu sách giúp ông có được cơ hội trình làng sách viết nhiều về bầu trời của mình, ở một vị trí lịch sử của đất nước, nơi đặt biểu tượng văn hiến - tháp bút, cây bút “viết lên trời xanh”. Vào năm sau, 29/9/2020, tại Hà Nội, với Làm bạn với bầu trời Nguyễn Nhật Ánh đã được trao Giải thưởng Lớn “Hiệp sĩ Dế Mèn” của báo Thể thao và Văn hóa, dành cho cho sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc nhất năm, có giá trị nổi bật về nội dung cùng hình thức và xứng đáng là quà tặng tuổi thơ!

Nhìn toàn cảnh văn học Việt Nam thời hậu chiến thì nhà văn thời danh Nguyễn Nhật Ánh là một thời danh bền vững vì đã qua nhiều lựa chọn, thử thách, vì lửa đã thử vàng!

Còn nhớ 11 năm trước, tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã đã đoạt giải Hội Nhà văn Việt Nam năm 2009 và được Ban chấp hành Hội để cử đại diện Việt Nam, tham dự giải thưởng văn học ASEAN 2010.

Còn nhớ 15 năm trước (năm 2005), Ban Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam, NXB Kim Đồng, NXB Trẻ và Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em phối hợp tổ chức cuộc thi bình chọn các tác phẩm văn học Việt Nam với tên gọi Cuốn sách yêu thích của em, mỗi em dự thi tự chọn 10 tác phẩm văn học Việt Nam mà mình yêu thích nhất, xếp theo thứ tự từ 1 đến 10 (chỉ chọn các tác phẩm được xuất bản từ 1975 đến 2005) và kết quả là Nguyễn Nhật Ánh đứng đầu bảng với bộ Kính vạn hoa được 2.553 phiếu bầu, sau đó đến Búp sen xanh của Sơn Tùng (1.762 phiếu), Tuổi thơ im lặng của Duy Khán (1.620 phiếu)…

Còn nhớ 30 năm trước, vào năm 1990, truyện Chú bé rắc rối của Nguyễn Nhật Ánh được giải thưởng của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Là người viết ngày càng chuyên nghiệp hơn, Nguyễn Nhật Ánh ngày càng được đồng nghiệp nể phục. Nhà văn Nguyễn Hoàng Sơn, người 2 lần được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam về văn học thiếu nhi nhận định:

“Việc các bạn nhỏ cả nước gửi thư về Cửa hiệu Kính vạn hoa tâm sự, trò chuyện với Quý, Hạnh, Tiểu Long như với những người bạn có thật, là minh chứng cho sự thành công của Nguyễn Nhật Ánh trong xây dựng nhân vật. Ngôn ngữ văn học của Nguyễn Nhật Ánh rất sáng sủa, việc sử dụng tiếng địa phương, tiếng lóng rất có liều lượng, góp phần làm nên tính phổ cập của tác phẩm. Nguyễn Nhật Ánh rất “thuộc” nhân vật và môi trường hoạt động của chúng, anh không khó khăn lắm khi thâm nhập vào thế giới của các em. Chi tiết của anh phong phú đến độ dễ dàng, nhờ vậy mà có cảm tưởng anh viết thật thoải mái, không mệt mỏi, căng cứng… Kỹ thuật viết feuilleton, viết truyện dài kỳ đăng báo, thủ thuật làm phim truyền hình dài tập cũng trợ giúp rất nhiều cho Nguyễn Nhật Ánh. Đấy là dấu hiệu của tính hiện đại, là đóng góp của Nguyễn Nhật Ánh vào nền văn học viết cho thiếu nhi thành tựu còn khiêm tốn của chúng ta” (Nguyễn Nhật Ánh trong mắt đồng nghiệp, NXB Trẻ, 2017).

Vài nét về Nguyễn Nhật Ánh

Nguyễn Nhật Ánh sinh năm 1955 tại Quảng Nam, hiện sống ở TP.HCM. Ông từng đạp xích lô, học Đại học sư phạm, đi Thanh niên xung phong, dạy học, phụ trách CLB thiếu nhi, viết báo, viết sách… Ông là tác giả 5 tập thơ, 30 tập truyện tranh, 12 tập kịch bản phim, 3 tập bình luận thể thao, 50 tập tư vấn tình yêu và hơn 100 đầu sách văn xuôi về đề tài thanh thiếu niên. Tác phẩm mới nhất của ông là Con chim xanh biếc bay về (NXB Trẻ, 2020).

(Còn tiếp)

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm