Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Bể rộng sông dài trong thơ Trần Ninh Hồ

21/10/2021 06:37 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong bộ sách giáo khoa Tiếng Việt hiện hành cấp tiểu học, bài tập đọc của nhà thơ Trần Ninh Hồ được dạy ở cả lớp 3 và lớp 5. Dạy 2 lần 1 bài là chuyện xưa nay hiếm! Được như thếvì bài là một truyện hay!

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Con chim bồng chanh đỏ của nhà văn Đỗ Chu

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Con chim bồng chanh đỏ của nhà văn Đỗ Chu

Cho tới năm học 2021-2022 này, khi chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đã vào trường học được 2 năm, hiện tượng văn học Đỗ Chu ngày nào cũng chỉ có một đoạn 53 âm tiết trích từ truyện ngắn có đề tài độc đáo "Bồng chanh đỏ" (NXB Kim Đồng, 1973).

Bài tập đọc đó là bài Cuộc họp của chữ viết -một trang giáo khoa đẹp. Người minh họa vẽ ra được cái thần của các nhân vật đồng thoại. Cơ phận của những nhân vật ấy vừa có nét con người, đầu, mình, chân, tay, vừa có nét thẳng, ngang, xiên, móc… của các con chữ.

Mỉa mai người không biết chấm câu

“Vừa tan học, các chữ cái và dấu câu đã ngồi lại họp. Bác Chữ A dõng dạc mở đầu:

- Thưa các bạn! Hôm nay, chúng ta họp để tìm cách giúp đỡ em Hoàng. Hoàng hoàn toàn không biết chấm câu. Có đoạn văn em viết thế này: Chú lính bước vào đầu chú. Đội chiếc mũ sắt dưới chân. Đi đôi giày da trên trán lấm tấm mồ hôi.

Có tiếng xì xào:

- Thế nghĩa là gì nhỉ?

- Nghĩa là thế này: "Chú lính bước vào. Đầu chú đội chiếc mũ sắt. Dưới chân đi đôi giày da. Trên trán lấm tấm mồ hôi”.

Tiếng cười rộ lên…”.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Trần Ninh Hồ

Ngoài sự kỳ lạ do thể loại đồng thoại mang lại, truyện tạo được tiếng cười khi tác giả làm biến dạng một câu văn tả người để người được tả trong câu, biến thành một quái nhân kiểu hí họa, đầu đi giày, chân đội mũ! Chữ và dấu câu, chỉ là đồ dùng, là học cụ của học trò Hoàng lại lên tiếng dạy cậu ấy! Thật là mỉa mai, giễu nhại với những ai không biết chấm câu.

Trong 25 tác giả đề cử giải Hồ Chí Minh trong đợi xét giải năm 2021, do Hội đồng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT của Hội Nhà văn Việt Nam cấp cơ sở đưa ra, có tác giả Trần Ninh Hồ cùng chùm tác phẩm: Những dấu ấn chưa qua (tập thơ), Trong những món ăn truyền lại (tập truyện ngắn) và Đường đến trường (truyện dài).

Về tác phẩm gắn với tuổi trẻ và nhà trường, trong chùm tác phẩm trên, nhà văn Lê Phương Liên nhận xét: “Tôi là người biên tập Đường đến trường để cuốn sách trình làng ở NXB Kim Đồng. Tác giả từng là bộ đội Trường Sơn, vì thế anh có nhiều kỷ niệm và thấu hiểu thực tế ở con đường lịch sử ấy. Câu chuyện về mấy em nhỏ miền Nam được tổ chức đưa ra miền Bắc đi học đã phải cuốc bộ trên "đường đến trường" - cuộc trường chinh văn hóa, dài mấy nghìn cây số suốt dọc dãy Trường Sơn ngày đêm bom đạn, là một câu chuyện quý hiếm. Nhưng, có phải vì anh Trần Ninh Hồ có tư chất nhà thơ và sau này anh làm thơ cho người lớn là chính, do đó cách thể hiện một tác phẩm văn xuôi cho trẻ em còn có chỗ bất cập! Tôi rất mong, cuốn sách được chỉnh sửa và tái bản để đề tài quý hiếm này trở lại và sống mãi với thiếu nhi Việt Nam”.

Chú thích ảnh

“Được cầm bể rộng sông dài tặng em”!

Trần Ninh Hồ sống thật đẹp thời tuổi trẻ “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Từ1968 tới 1971, ông là thanh niên xung phong xây dựng kinh tế văn hóa miền núi Tuyên Quang. Từ 1971 - 1975, ông nhập ngũ, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…” có mặt ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Sự từng trải cho ông nhìn ra thực tế khắc nghiệt của gánh nặng chiến tranh:

"Nghe đài tin thắng lớn/ Ở nơi này, nơi kia/ Mẹ thường hay lén bố/ Khóc thầm bao đêm khuya/ Thắng lớn thì đánh lớn/ Liệu còn đứa nào về?".

Những khóc lén than thầm như thế, tạo ra bản lĩnh cứng cỏi trong nhu mì, hiền thục của một hậu phương lớn, tạo ra ứng xử mang tính sử thi của những người mẹ, người vợ. Nhiều tuyển thơ thời chống Mỹ cứu nước còn lưu giữ bài thơ Viếng chồng của Trần Ninh Hồ, lưu giữ câu chuyện một góa phụ thoắt biết thành hoa, làm đẹp cả một cánh rừng:

“- Chị ơi.../ Chỉ gọi được thế thôi/ Anh chiến sĩ đưa đường bỗng thấy nghẹn lời/ Không làm sao anh còn nói nổi:/ Chị đặt hoa nhầm rồi/ Mộ anh ấy ở bên tay trái/ Chỉ một vòng hoa chị mang từ quê lại/ Hoa viếng mộ bên này đã có chúng tôi!

- Chị hiểu ý em rồi/ Xin cho chị đặt hoa bên mộ đó/ Cả cánh rừng chỉ có hai ngôi mộ/ Viếng mộ anh có chị đến đây rồi”.

Không chỉ sẻ chia những mất mát của đồng bào đồng chí, chính nhà thơ Trần Ninh Hồ âm thầm chịu nỗi đau hậu chiến. Hồi ấy, để lại vợ con ở quê nhà, Trần Ninh Hồ cầm súng ra trận, rồi có tin anh đã hy sinh. Hòa bình lập lại, người vợ đi bước nữa, có gia đình mới chẳng bao lâu thì Trần Ninh Hồ trở về, lành lặn, nguyên vẹn. Không trách cứ, không gây hấn, người cựu chiến binh chỉ xin được nuôi con mình, vừa làm mẹ vừa làm cha. Vậy là tình riêng đã mất, nhưng nghĩa lớn, ước mơ lớn mà thi sĩ - chiến sĩ từng gửi gắm trong thơ mình vẫn giữ được:

“Một thời sông nào cũng nông/ Núi nào cũng thấp, đường không bến bờ/ Một thời lắm đợi nhiều chờ/ Thiết tha cả những hững hờ của ai!/ Một thời mơ có một mai/ Được cầm bể rộng sông dài tặng em...”.

Chú thích ảnh
Bài “Cuộc họp của chữ viết” trong sách “Tiếng Việt 3” (tập 1) phỏng theo tác phẩm của Trần Ninh Hồ

Chuyên sâu trong các từ điển thơ

Trần Ninh Hồ từng là phóng viên mặt trận báo Văn nghệ Giải phóng, là Trưởng ban Văn xuôi rồi Trưởng ban Thơ báo Văn nghệ, từng là Phó ban Nhà văn trẻ, Chủ nhiệm Bảo tàng Văn học Việt Nam…

Chưa hết, vốn vui tính, hoạt ngôn, ông nhiệt tình tham gia các hoạt động dành cho thiếu nhi trong đời sống văn học. Mùa Hè 2017, ông là một trong những nhà văn tổ chức thành công trại viết dành cho 30 học sinh tiểu học, THCS đoạt giải Cây bút Tuổi hồng lần thứ VII trên cả nước, gặp nhau tại Bắc Ninh. Các em được dẫn đi tham quan sông Đuống “Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”; dâng hương và tìm hiểu cội nguồn và lịch sử dân tộc gắn với đền và Lăng Kinh Dương Vương, Chùa Bút Tháp, Chùa Dâu; được hướng dẫn thực hành viết lời mới cho quan họ xưa…

Kể từ khi buông súng, giải ngũ làm công dân thi sĩ, Trần Ninh Hồ có nhiều hơn những đóng góp vào đời sông văn hóa, trên đất nước đã liền dải non sông hòa bình. Còn ít người biết bài thơ 5 khổ Nắng gió mây hoa trăng của Trần Ninh Hồ đã gợi hứng để nhạc sĩ Thanh Tùng (1948 -2016), viết tình khúc nổi tiếng Giọt nắng bên thềm. Niềm chung thủy vang lên trong giai điệu khắc khoải tới bất chấp quy luật sống chết, chung thủy như sự bất diệt của trời đất “hư không”, đã thăng hoa từ thơ Trần Ninh Hồ mà nhạc sĩ vô tình đọc được:

“Tiễn em đi nắng còn đậu trên thềm/ Khi trở lại nắng đã đi bước nữa/ Không biết nắng về trời hay hóa lửa/ Ta chỉ cần nắng đã sáng thềm em…”.

Trong văn giới còn truyền nhau câu chuyện, sinh thời có lần nhạc sĩ Thanh Tùng ra Hà Nội chỉ để nhờ Giám đốc Công an Thành phố, một người rất văn nghệ, tìm bằng được thi sĩ đã kể chuyện “đi bước nữa” chuyện “về trời” kia, để nhạc sĩ gửi lời cảm ơn!

Trần Ninh Hồ là tác giả những “từ điển” thơ, với những bài rất thơ, tập hợp theo chuyên đề, để thơ chuyên sâu hơn trong đời sống ngày một phân hóa kỹ hơn “gu” thưởng thức. Ông có thơ cho các tình nhân (Cho người tôi thương nhớ - NXB Hội Nhà văn, 2005)! Nhưng có cả “lý luận có vần” (chữ của Trần Ninh Hồ) dành cho những ai muốn lao động nhà văn, muốn thành thi sĩ!

Trong “lý luận có vần” Thơ gửi cho thơ (NXB Văn hóa, 1999) ông nhập vai người lao tâm khổ tứ để có thơ hay: “Tôi mơ những câu thơ trong đến nỗi/ Viết xong rồi giấy trắng vẫn còn nguyên”; có thơ ở những trang cheo leo nhất, khó viết nhất, nhưng độc đáo nhất: “Ta không phải tình nhân sao lọt vào thương nhớ/ Không là sông sao gửi lại bến bờ/ Ta - vách núi - chỉ ngàn đời rêu phủ/ Ước một lần thay giấy khắc thành thơ!”; có thơ ngay cả khi đau khổ vì đã không giữ được nàng thơ cho mình: “Em bảo tôi đừng dại làm thơ nữa/ Quá tin em tôi chẳng chút nghi ngờ/ Và tôi đã xa thơ. Và tôi đã/ Xa dần em không biết tự bao giờ!”.

Cũng trong “từ điển” vừa nói, người yêu thơ có thể tra cứu để trò chuyện với những đại thi sĩ, những thi sơn đã vượt thời gian mà trường tồn và cả những bạn thơ đang trăn trở hôm nay. Trần Ninh Hồ cùng bạn đọc, học Nguyễn Du:

“Và Nguyễn bảo “mua vui” sao bỗng ràn tiếng khóc/ Qua suốt những trăm năm từ đồng vọng kiếp người/ Và đàn kia khi đã thoát tơ rồi/ Những trong, đục, mau, khoan sẽ trở vềnết đất”…

Cùng học Nguyễn Du với Trần Ninh Hồ để biết “Văn chương nết đất, thông minh tính trời”!

Vài nét về nhà thơ Trần Ninh Hồ

Nhà thơ Trần Ninh Hồ sinh 1943, tên thật là Trần Hữu Hỷ, tốt nghiệp trung học phổ thông năm 1962, tu nghiệp ngắn hạn tại Viện M.Gorky năm 1988. Bút danh của ông ghép từ tên quê ngoại làng Mật Ninh và quê nội làng Sen Hồ mà thành. Ông vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1976, từng là Chủ nhiệm Bảo tàng Văn học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là tác giả của hơn 20 tác phẩm văn học bao gồm thơ, truyện ngắn, truyện dài, truyện sân khấu. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012 và đoạt nhiều giải thưởng khác. Trần Ninh Hồ hiện cư ngụ tại Hà Nội.

(Còn tiếp)

Trần Thiện Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm