Chung cư Hà Nội: Còn ẩn họa nỗi lo động đất

05/05/2011 14:48 GMT+7 | Thế giới

Hơn một tháng trước đây, người dân ở một số khu vực trên địa bàn TP. Hà Nội vô cùng hốt hoảng khi thấy căn nhà mình ở bỗng nhiên rung chuyển..


Những tòa nhà cao tầng này liệu đã có thiết kế chống động đất?  - Ảnh: internet

... Có nơi, người dân sợ hãi đến mức chạy nháo nhào ra ngoài đường hoặc tìm nơi ẩn nấp. Mặc dù chỉ diễn ra trong khoảng chục giây nhưng sau đó, nhiều người đã tỏ ra nghi ngại về các tiêu chuẩn chống động đất trong việc xây dựng chung cư, nhà cao tầng ở Hà Nội nói riêng, của Việt Nam nói chung.

Có động đất: Dân chung cư hoảng loạn

Đợt dư chấn động đất châu Á (Nhật Bản, Thái Lan và một số nước khác) xảy ra hồi tháng 3 vừa qua đã ảnh hưởng ít nhiều tới tâm lý của người dân sống trong các chung cư, nhà cao tầng tại Thủ đô. Đặc biệt là cơn rung lắc xảy ra hôm 25/3 ở hầu hết các quận nội thành Hà Nội, mặc dù lúc đó là giờ nghỉ ngơi nhưng nhiều người sinh hoạt tại các cao ốc bỗng thấy nền đất rung lên, đồ đạc trong nhà bị xô lệch.

Bà Trà, một người dân sống tại khu chung cư nhìn ra đường Trần Duy Hưng kể lại “tôi đang nằm nghỉ trên ghế sofa bỗng thấy chiếc ghế như trôi đi, màn hình ti vi nhiễu sóng, nhà bên cạnh tiếng trẻ con khóc thét lên”.

Gần như tất cả người dân sống ở tầng cao chung cư của khu đô thị này đều cho biết, họ thấy rõ ràng đồ đạc trong nhà bị rung chuyển, người hơi nghiêng ngả trong vài giây. “Tôi sợ quá tưởng có ai xoay người mình nhưng không phải. Tôi vội chạy xuống dưới đường thì thấy nhiều người khác cũng đang nhốn nháo, hò hét nhau” – Chị Xuân kể lại.

Anh Phạm Tất Binh thì kể: Chiếc cốc trên bàn bỗng nhiên rơi vỡ xuống nền nhà. Vợ tôi chỉ kịp ú ớ “có động đất” rồi vội ôm con chạy xuống dưới nhà. Tôi cũng vội chạy theo, không ai dám đi thang máy mà chạy bộ qua lối  thang bộ thoát hiểm để xuống sân.

Trong khi đó, tại khu vực phố Huỳnh Thúc Kháng, một số người dân khác cũng cho biết, họ  cảm thấy sàn nhà dưới chân rung rinh khoảng mười giây. Một người khác thì nói rằng, anh có cảm giác chiếc quạt trần liệng qua liệng lại như sắp sập xuống.

Ở các khu vực như Cầu Giấy, Hoàng Mai, khu phố Trung Hòa tình trạng cũng diễn ra tương tự. Tất cả đều tỏ ra hoảng sợ, lo lắng. Nhiều bà mẹ lo con bị rét chỉ kịp quấn con vào chăn rồi chạy ra khỏi nhà mà nhìn lên, hoặc đứng bàn tán với các gia đình xung quanh.

Chị Trần Thị Xinh, nhân viên một công ty có trụ sở làm việc tại tầng mười hai tòa nhà 101 Láng Hạ cho biết: Chúng tôi làm thêm giờ, có khoảng vài người đang ngồi làm việc thì bất ngờ căn phòng bị rung lắc mạnh. “Việc rung lắc kéo dài khoảng 5 giây và ai cũng thấy rõ nhìn xuống nền nhà hay nhìn vào các vật dụng trên bàn. Nhưng sau đó mọi thứ lại trở lại bình thường.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều hộ dân ở nhà riêng hoặc nhà tầng thấp của các khu chung cư thì phản ánh, mọi người không cảm nhận được cơn động đất vừa rồi. Thậm chí, nếu không được nghe kể lại thì họ không hề biết là có động đất nhẹ vừa xảy ra. “Chắc chỉ có những nhà tầm từ tầng 6 trở lên mới cảm thấy cơn chấn động rõ rệt”, một người nhận định.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Khi được hỏi đến vấn đề an toàn của người dân sống tại các chung cư, cao ốc của các khu đô thị, nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về khả năng kháng chấn của các công trình cao tầng này. Liệu có an toàn hay không khi Viện Vật lý địa cầu dự báo, trong tương lai Hà Nội có thể xảy ra động đất với cường độ từ 6,1 đến 6,5 độ richter, tương đương cấp 7, cấp 8?

Theo nhận định của giới chuyên môn, từ năm 2006, Bộ Tiêu chuẩn xây dựng về Thiết kế công trình chịu động đất (nay là Bộ Xây dựng), trong đó quy định khá chi tiết các tiêu chí cần tuân theo về khung chịu lực, hệ giằng, dầm, kết cấu thép và bê tông… Sao cho nhà cao tầng ở các khu vực có nguy cơ phải chịu được tối đa động đất 5 độ richter đã chính thức được sử dụng trong thi công xây dựng các công trình nhà ở ở nước ta.

Điều đó có nghĩa là, các công trình mới có khả năng chịu được động đất đến cấp 8 (Hiện các công trình xây dựng được thiết kế chịu động đất cấp 7 - Thang MSK-64 gồm 12 cấp áp dụng trong xây dựng, được quy đổi từ độ richter trong chuyên ngành vật lý). Nhưng đối với công trình nhà ở dạng nhà dân tự xây, chung cư mini, chung cư cũ thì không thể kiểm soát, thẩm định được.

Thêm vào đó, việc doanh nghiệp tự thẩm định kỹ thuật công trình cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao khi phải ứng biến với thiên tai khắc nghiệt vì từ trước tới nay, Việt Nam ít phải đối mặt với nguy cơ động đất. Theo sở Xây dựng Hà Nội, gần như không có sự kiểm soát về chất lượng và kỹ thuật đối với dạng nhà này.

Trong khi đó, nhiều đơn vị còn chủ quan đối với hiện tượng động đất, nên khi thẩm định thiết kế cơ sở đối với công trình cao tầng về độ kháng chấn chỉ mang tính hình thức… UBND TP Hà Nội cũng cho rằng, do động đất ít xảy ra ở thủ đô, nếu có thì mức độ nhỏ, chưa gây thiệt hại nên các tổ chức, cá nhân còn tư tưởng chủ quan. Chính phủ cũng nên dành nhiều sự quan tâm hơn nữa tới vấn đề này.

Mặc dù ít phát hiện trường hợp vi phạm những quy định về phòng tránh động đất do chung cư được triển khai xây dựng qua nhiều khâu. Trước hết là là tư vấn thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có những công trình được xây dựng bằng vốn ngân sách phải qua đơn vị thẩm định. Xong phải qua hồ sơ xét duyệt, thanh tra kết hợp kiểm tra về chất lượng công trình, hồ sơ thiết kế để phát hiện sai phạm nếu có ở các công trình nhưng liệu các đơn vị xây dựng có bảo đảm về kỹ thuật và chất lượng về khả năng kháng chấn của các tòa nhà hay không?

Nếu việc giám sát thi công và hậu kiểm tra các tiêu chuẩn chống chịu động đất dành cho chung cư, nhà cao tầng chưa thực sự triển khai có hiệu quả hoặc chưa chặt chẽ thì việc đảm bảo an toàn cho người dân sống ở các tòa nhà cao tầng có là vẫn đề xa xôi khi chúng ta đang đứng trước cảnh báo, nếu tâm chấn động đất xảy ra tại khu vực giữa thành phố với mức độ 5 độ richter thì sẽ có 30%-40% nhà cửa bị đổ sập?

Trên thực tế, Bộ Tiêu chuẩn xây dựng thì đã có nhưng lấy gì đảm bảo rằng nó sẽ được thực hiện đúng như quy định của các công trình? Kể cả là, bắt đầu từ năm 2003 Bộ Xây dựng đã có cơ chế giao cho các chủ đầu tư và nhà thầu tự chịu trách nhiệm thực hiện tiêu chuẩn này trong công trình của mình nhưng việc xử lý các chung cư cũ, chung cư kém chất lượng cũng không hề đơn giản.

Một yếu tố nữa liên quan tới ý thức của người dân và của các đơn vị quản lý tòa nhà, đa phần người dân khi mua chung cư chỉ xem giá cả như thế nào, địa điểm gần hay xa trung tâm thành phố…chứ hầu như không có người dân nào mua nhà chung cư để ý tìm hiểu về việc nhà đó có được thiết kế chống động đất hay không? Cũng chưa có đơn vị quản lý tòa nhà nào tập huấn cho người dân cách ứng phó khi có động đất xảy ra. Điều này cũng góp phần làm giảm khả năng ứng phó của người dân sinh sống tại các tòa nhà cao tầng.

Hà Nội hiện có khoảng một triệu mét vuông nhà chung cư cũ, xuống cấp, nếu xảy ra động đất sẽ gây thiệt hại lớn. Vì vậy, cần thiết phải sớm xây dựng hệ thống quan trắc động đất sẽ giúp các cơ quan quản lý tích hợp thường xuyên những dữ liệu về động đất.

Từ đó, điều chỉnh thường xuyên bản đồ phân vùng động đất, đồng thời đề ra những giải pháp ứng cứu kịp thời, nhằm giảm thiểu thiệt hại do động đất gây ra. Đặc biệt là đối với một số công trình hạ tầng như các chung cư cũ, các công trình có móng yếu và các công trình cao tầng; công trình công cộng. Tuy nhiên, thiên nhiên rất khó lường, nhưng nếu có sự chuẩn bị và đề phòng sẽ góp phần giảm bớt thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

Theo Tầm nhìn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm