1/3 số nhà HN sập nếu động đất 6,5 độ richter

08/04/2011 15:18 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, sau ngôi nhà 5 tầng trên phố Huỳnh Thúc Kháng đổ sập, Hà Nội liên tiếp xuất hiện các ngôi nhà bị nghiêng lún nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng người dân.

Ngoài những “lỗi” về công nghệ xây dựng mà “Thần đèn xứ Bắc” Đỗ Quốc Khánh đã nêu trên TT&VH số 97 ngày 7/4, vấn đề sâu xa hơn cần đặt ra là kiến trúc Hà Nội sẽ ra sao nếu xảy ra các dư chấn mạnh hoặc động đất? TT&VH đã trao đổi với ông Lê Văn Thịnh, Trưởng Phòng Giám định 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) về những vấn đề này.

Nhiều nhà không được thiết kế kháng chấn

* Thưa ông, kiến trúc Việt Nam từ căn nhà gỗ truyền thống đến kiến trúc thời Pháp thuộc, và kiến trúc thời hiện đại đã quan tâm đến vấn đề kháng chấn như thế nào?

- Theo những ghi chép lịch sử, Việt Nam đã từng xảy ra nhiều trận động đất và sóng thần. Động đất mạnh có cường độ chấn động cực đại đã xảy ra ở Hà Nội (năm 1276 và 1285), ở Nho Quan, Ninh Bình (năm 1635), ở Bình Thuận (năm 1877, 1882).

Gần đây là những trận động đất ở vùng ven biển Nam Trung Bộ do núi lửa Hòn Tro hoạt động vào các năm 1923, 1928. Động đất có cường độ 6,5 độ richter đã xảy ở Điện Biên vào năm 1935.

Ông Lê Văn Thịnh giảng dạy tại một khóa bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng

Động đất có cường độ chấn động cấp 7-8 đã xảy ra ở Lục Yên (Yên Bái) trong các năm 1953, 1954. Đặc biệt, trận động đất có cường độ 6,8 độ richter đã xảy ra ở Tuần Giáo (Điện Biên) ngày 2/6/1983 là chấn động mạnh nhất ghi được ở nước ta từ trước đến nay.

Tiến sĩ Cao Đình Triều (Viện Vật lý địa cầu) cho biết: “Viện đã ghi nhận khoảng 1.000 trận động đất với cường độ từ 4 độ richter trở lên từng xảy ra ở nhiều nơi trên lãnh thổ và vùng biển nước ta. Động đất có cường độ khá mạnh đã xảy ra ở các vùng Điện Biên, Lai Châu, Hà Nội, Thanh Hóa, Sơn La, dải ven biển và thềm lục địa Nam Trung Bộ”.

Ở Việt Nam vào giai đoạn trước năm 1954 và ở Bắc Việt Nam giai đoạn từ năm 1954 - 1976, hầu hết các công trình nhà đều là thấp tầng và không được thiết kế kháng chấn như các nhà gỗ truyền thống, nhà khu phố cũ, nhà của khu tập thể An Dương, Phúc Xá, Bờ sông (từ 1 đến 2 tầng); Kim Liên, Nguyễn Công Trứ (từ 4 đến 5 tầng); Yên Lãng, Trương Định (2 tầng); Trung Tự, Văn Chương, Khương Thượng, Giảng Võ, Vĩnh Hồ (từ 4 đến 5 tầng).

* Ông đánh giá như thế nào về khả năng kháng chấn của các kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Những ưu điểm đó liệu có thể vận dụng được trong kiến trúc ngày nay, đặc biệt là nhà dân?

- Qua theo dõi, tổng hợp tư liệu thì kiến trúc Việt Nam có thể chia ra làm các giai đoạn, loại nổi bật sau đây: Kiến trúc cổ Việt Nam; kiến trúc thuộc địa; kiến trúc mới; kiến trúc đương đại.

Trong suốt lịch sử, kiến trúc cổ truyền Việt Nam thực sự không có nhiều thay đổi hoặc xuất hiện những trường phái như ở châu Âu. Vì là một quốc gia phải liên tục chịu đựng chiến tranh trải dài theo lịch sử, thời gian hòa bình để xây dựng rất ngắn, nên kiến trúc lớn hay bền vững tồn tại không nhiều. Các công trình bao gồm cung điện, đình, chùa, miếu thờ, bia, đền, nhà ở dân gian...

Nhiều chung cư cũ nát của Hà Nội có thể sụp đổ nếu xảy ra động đất

Kết cấu chịu lực chính của các công trình kể trên: khung sườn gỗ, mộng và lỗ mộng (không dùng đinh), vì kèo gỗ đòn tay, rui mè, đòn dong, cột kê tán (không móng, cừ...) tùy theo điều kiện địa lý mà có thể nhà kết cấu nâng sàn, nửa nhà sàn nửa nền đất, hay trên nền đất, nhưng không có lầu hay nhiều tầng như các nước khác. Mái nhà thường có độ dốc cao do hay dùng lá, tranh, ngói (dốc lớn hơn 45 độ).

Vật liệu xây dựng thì cũng ít có tính lâu dài, chỉ trừ các công trình công cộng: gạch, đá, gỗ quý (thiết mộc)... mà đa số dùng các vật liệu địa phương sẵn có như lá, tranh, tre, gỗ đẽo, đá kê nền cột, đất sét nung hoặc không nung, bùn trộn rơm...

Như vậy có thể nói, trong thể loại kiến trúc này, thực sự không có sự khác biệt hoặc phân chia, hoặc khác biệt nhiều về kết cấu của các thể loại công trình khác nhau. Dựa trên đặc điểm cũng như tính chất của hệ kết cấu cũng như vật liệu này, trong kiến trúc cổ truyền Việt Nam không thực sự tồn tại các công trình có kích thước lớn như ở các quốc gia khác.

Tuy nhiên với kết cấu khung gỗ không có móng và trọng lượng bản thân không lớn, các công trình kiến trúc cổ rất dễ thích nghi với những tác động của động đất vì được tự do dao động không lớn. Điều đó có thể thấy ngay với các nhà sàn gỗ của Điện Biên không bị tác động của động đất vào những năm 1981 (lúc 22h52 ngày 19/2/2001 với chấn cấp đạt 5,3 độ richter ở khu vực thị xã Điện Biên Phủ, tỉnh Lai Châu (cũ) đã làm thiệt hại gần 200 tỷ đồng).

Với kiến trúc đương đại thì việc áp dụng kết cấu gỗ truyền thống là không thích hợp.

Khoảng 30-40% nhà cửa bị sập, nếu động đất 6,5 độ richter

* Ngôi nhà trên phố Huỳnh Thúc Kháng bị sập và hiện nay có nhiều nhà khác trong nội đô Hà Nội bị nghiêng lún. Thưa ông, nếu xảy ra động đất, các công trình xây dựng ở Hà Nội có đáng lo ngại?

- Theo tiêu chuẩn TCXDVN 375: 2006 “Thiết kế công trình chịu động đất” thì các công trình có tầm quan trọng đặc biệt, không cho phép hư hỏng do động đất. Các công trình có tầm quan trọng sống còn với việc bảo vệ cộng đồng, chức năng không được gián đoạn trong quá trình xảy ra động đất. Và các công trình có tầm quan trọng trong việc ngăn ngừa hậu quả động đất, nếu bị sụp đổ gây tổn thất lớn về người và tài sản như các nhà cao tầng, công trình dạng tháp, các công trình công cộng thường xuyên đông người, trụ sở hành chính cơ quan cấp tỉnh, thành phố, các công trình trọng yếu của các tỉnh, thành phố... đều phải tính toán kháng chấn”.

Theo kết quả nghiên cứu, việc phân vùng quy mô động đất ở quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng (Hà Nội), một trận động đất cường độ 6,5 độ richter sẽ làm sập khoảng 30-40% nhà cửa. Nếu động đất xảy ra với cấp độ mạnh hơn, nhà cửa, công trình xây dựng có nguy cơ bị phá hủy hoàn toàn.

Như vậy có thể nói, các công trình trong khu phố cũ, các chung cư cũ như ở Kim Liên, Nguyễn Công Trứ (từ 4 đến 5 tầng); Yên Lãng, Trương Định (2 tầng); Trung Tự, Khương Thượng, Giảng Võ, Vĩnh Hồ (từ 4 đến 5 tầng) đều thuộc diện đối tượng cần phải được quan tâm trong việc huấn luyện, tập dượt ứng phó với động đất.

Huy Thông (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm