07/04/2011 13:05 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Vừa qua, ngôi nhà 5 tầng trên phố Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) đã bị đổ sập. Ngay sau đó một ngôi nhà 5 tầng khác ở mặt phố Nguyễn Chí Thanh cũng bị nghiêng lún nghiêm trọng, có thể đổ bất cứ lúc nào. Điều này khiến nhều người lo ngại về sự an toàn của những ngôi nhà ngay tại các tuyến phố trung tâm.
TT&VH đã có cuộc trao đổi với Ths Đỗ Quốc Khánh, Ủy viên BCH Tổng hội Xây dựng Việt Nam, người được mệnh danh là “Thần đèn xứ Bắc” về vấn đề trên. Ông Khánh cũng là người sẽ chủ trì việc khắc phục sự cố nghiêng nhà tại Nguyễn Chí Thanh.
Quên kỹ sư kết cấu
Thần đèn xứ Bắc Đỗ Quốc Khánh
* Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến ngày càng nhiều ngôi nhà gặp sự cố?
- Sự cố xây dựng phát sinh do sự phát triển “nóng”, nói cách khác tốc độ phát triển xây dựng nhanh hơn trình độ của con người. Sự cố phát sinh từ yếu tố con người là lỗi do công tác khảo sát, thiết kế, thi công. Một điều nữa là hiện nay, người dân xây nhà thường chỉ thuê KTS thiết kế, không thuê các kỹ sư chuyên về kết cấu an toàn công trình.
Nguyên nhân thứ hai là do các yếu tố bất khả kháng ví dụ do động đất, thiên tai, biến đổi khí hậu... Tôi mới sang Mỹ, được biết khi thành phố Louisiana bị ngập nước có khoảng 500 ngôi nhà bị nghiêng.
* Cụ thể, theo ông nguyên nhân làm sập đổ ngôi nhà 5 tầng trên phố Huỳnh Thúc Kháng là gì?
- Những hiện tượng sập đổ nhanh như vậy đều liên quan đến việc phá vỡ kết cấu, còn nếu sự cố về lún nó sẽ nghiêng với tốc độ rất chậm không bao giờ dẫn đến sập nhanh như thế.
Ngôi nhà bị sập hoàn toàn do lỗi của con người. Chủ đầu tư đã cải tạo ngôi nhà đó nhưng thiếu căn cứ về tính toán kết cấu. Có thể vì mục đích thương mại, tầng 1 người ta đã tháo dỡ tường và một số bộ phận chịu lực, nên nó bị giảm yếu đến một chừng mực nó bắt đầu phá vỡ chân cột và giằng.
Giống như hiện tượng domino, trong các chân cột đầu tiên sẽ xuất hiện điểm yếu nhất, nó sẽ sập vỡ ở điểm ấy. Sau khi sập xong chân cột yếu nhất ngôi nhà phân bố lại lực, khi đó nó tìm ra một cái cột thứ hai yếu nhất trong số còn lại và sập tiếp. Cứ lặp đi lặp lại như vậy, tuần tự các chân cột bị bẻ gãy.
* Còn ngôi nhà trên phố Nguyễn Chí Thanh cũng vừa gây hoảng loạn vì phát hiện bị nghiêng?
- Tôi đã xem và “khám bệnh” rồi, thực chất không phải bây giờ mới nghiêng mà nó bắt đầu nghiêng từ năm 2005. Vì bản thân ngôi nhà khi thiết kế không có móng cọc bê tông, đấy là lỗi của người lựa chọn phương án, thứ hai là do tác động của công trình lân cận, hai tòa nhà to bên cạnh khi xây, người ta thực hiện làm cọc nhồi, bơm nước, đào bới làm suy yếu ngôi nhà, nên cho đến nay ngôi nhà ở trạng thái thiếu ổn định. Nếu có tác động bên ngoài như ô tô đi rung động mạnh, thi công, đào bới ở gần, rồi có những chấn động mạnh như dư chấn vừa qua, ngôi nhà tiềm ẩn các vấn đề nguy hiểm có thể dẫn đến sập đổ.
Ngôi nhà 5 tầng trên phố Nguyễn Chí Thanh đang chuẩn bị được căn chỉnh nghiêng
- Động đất như dư chấn vừa rồi làm gia tăng các tiềm ẩn nguy hiểm chứ chưa đủ sức làm sập ngôi nhà.
Bài toán về động đất chúng ta chưa đề cập nhiều vì chúng ta chưa xảy ra động đất lớn, nhưng theo tôi biết Hà Nội nằm trên đường đứt gãy của châu thổ sông Hồng tiềm ẩn động đất có thể cấp 7, cấp 8 với cường độ có thể đạt 6 độ richter. Theo tính toán, nếu xảy ra động đất như vậy tại Hà Nội nó sẽ phá hủy cỡ khoảng trên 30% các ngôi nhà.
Hơn nữa, dư chấn hiện nay cũng dễ tác động đến các ngôi nhà ở đô thị hơn bởi các lô đất bị xé rất nhỏ nhưng được chồng lên rất nhiều tầng. Mặt đất chịu trọng tải lớn, trong khi Hà Nội có nền đất yếu. Khi kích thước móng nhà nhỏ nhưng chiều cao lớn thì khả năng lật đổ và nghiêng lún càng nhiều.
Ngôi nhà 4 tầng ở Gia Lâm bị ngiêng có nguy cơ đổ sập đã được xử lý thành công
“Thần đèn” phải ra tay
* Đối với ngôi nhà nghiêng có nguy cơ đổ sập, cách khắc phục tiến hành thế nào?
- Phương pháp xử lý gồm 2 phần, phần thứ nhất là căn chỉnh nghiêng, phần thứ hai là chống lún.
Việc căn chỉnh nghiêng, tôi có đưa ra một công nghệ trọn vẹn để xử lý hoàn chỉnh và được giải thưởng khoa học sáng tạo Việt Nam VIFOTEC. Tất cả công trình lún nghiêng đều có trạng thái không ổn định, nó nhạy cảm với mọi tác động và luôn có xu hướng tự tìm về một trạng thái ổn định mới.
Tòa nhà Đài PTTH huyện Xuân Trường (Nam Định) được ông Đỗ Quốc Khánh thực hiện di dời và xoay 180 độ
Thứ hai là giữ nguyên bên lún ít, nâng bên lún nhiều lên bằng kỹ thuật thủy lực nâng bổng ngôi nhà lên trả nó về vị trí cũ. Khi đó, phía dưới phần nâng lên sẽ tạo lỗ rỗng, chúng tôi sẽ bơm thêm các vật liệu khác như bê tông, cát sỏi cho đầy.
Còn việc chống lún, bằng mọi cách phải cải tạo móng và đưa vào đấy hệ thống móng cọc có hệ số an toàn cao hơn, có khả năng cắt lún.
Một ngôi nhà không có móng cọc như một cây rễ chùm, ăn nông và ngồi nổi trên mặt đất. Như vậy, ngôi nhà không ổn định, nhạy cảm với những chấn động và tác động của các động lực cơ học. Móng cọc tạo cho ngôi nhà như một cái cây có rễ cọc, truyền được tải trọng từ trên mặt đất xuống sâu được lòng đất nơi kết cấu ổn định hơn.
Ngày 6/4, UBND phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội, đã ra thông báo khẩn cấp về việc di dời các hộ dân sống xung quanh ngôi nhà 5 tầng bị sụp đổ ở số 12, ngõ 20 Huỳnh Thúc Kháng vào ngày 31/3 và ngôi nhà 5 tầng sắp đổ ở 14 - M7, ngõ 91 Nguyễn Chí Thanh vào ngày 5/4, ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện Tổ dân phố ngõ 119 Láng Hạ đã thay nhau túc trực cả đêm để bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản cho người dân và hướng dẫn người dân những biện pháp an toàn. P. Anh
* Cụ thể với ngôi nhà đang bị nghiêng ở phố Nguyễn Chí Thanh thì phải làm sao?
- Ngôi nhà đó chỉ có móng bè, cọc tre, muốn chuyển sang móng cọc, chúng tôi phải khoan đục bê tông, đào đất làm thép ghép cốp pha cấy vào móng cũ. Sau đó ép cọc chui qua móng mới rồi liên kết cọc với móng mới đó. Như thế ngôi nhà nghiêng sẽ được xử lý tận gốc.
* Chi phí khắc phục của ngôi nhà gặp sự cố như vậy có cao không?
- Chi phí khắc phục chiếm khoảng 30 đên 50% giá trị xây dựng công trình, nếu phải di dời thì tới 60% giá trị. Đây không phải là chỉ số của tôi hay Việt Nam mà là chỉ số trên thế giới.
Thảo Vy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất