06/04/2011 12:49 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Người dân đô thị ngày nay dường như chỉ chú ý đến mặt tiền nhà mà không mấy quan tâm đến mái nhà. Mái nhà và tầng mái chỉ là nơi họ muốn chất lên những thứ không biết để vào đâu. Sự quá tải đang “đè” trên những mái đô thị.
Điều đó cũng là một tác nhân khiến cho các công trình không thể trụ vững, dẫn đến nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, kể cả khi không chịu tác động lớn. Đó là cảnh báo của TS. KTS Nguyễn Tất Thắng về các công trình xây dựng ở đô thị hiện nay.
Khi mái nhà bị “lạm dụng”
TS.KTS Nguyễn Tất Thắng cảnh báo: “Công năng của mái cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay phần mái đang quá tải. Đa số người dân lợp mái tôn và chất lên mái nhiều thứ. Không cần nói đến động đất hay sóng thần như ở Nhật Bản, chỉ cần bão, lốc xoáy thì rủi ro mang đến cho đô thị là vô cùng lớn. Chẳng hạn, nếu có bão, lốc xoáy, những bể nước treo sẽ bị tụt, mái tôn bị xé vụn và tựa như những lưỡi dao bay vô tội vạ, gây ra rất nhiều nguy hiểm đến tính mạng người dân”.
Nhiều mái nhà đô thị đang phải chịu sự quá tải
Vô hình trung, mái từ chức năng “vỏ bọc che chắn cho con người” sẽ trở thành hiểm họa khôn lường với con người...
Đã có không ít khu đô thị mới bắt buộc các nhà biệt thự phải có kiến trúc mái dốc, mái ngói - để hạn chế mái lợp bằng tôn và bể inox?! Thế nhưng đó thuần là một mệnh lệnh hành chính chứ không phải là đòi hỏi tự thân của nghệ thuật kiến trúc, bởi vì người ta vẫn có thể đặt được bồn inox lên mái dốc.
Kiến trúc Hà Nội đang thịnh hành kiểu mái mansard. Ảnh có tính chất minh họa
Hà Nội được trời phú cho là một nơi ít xảy ra thiên tai như động đất, lũ lụt và với công việc trị thủy hiệu quả, việc ngập lụt vào mùa mưa cũng không gây ảnh hưởng quá lớn đến kiến trúc mái của Hà Nội như những công trình ở miền Trung, hay vùng Nam bộ. Mái của các công trình nhà ở dân dụng (chung cư, nhà phố, nhà liền kề, biệt thự) trong địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay hầu hết là mái bằng, mái dốc (ngói hoặc giả ngói) theo kiểu truyền thống và mái kiểu Pháp cổ (mái mansard). Hết thời “Em ơi, Hà Nội... chóp”, khi văn hóa Hàn Quốc ồ ạt xuất hiện và gây ảnh hưởng không nhỏ, một số công trình biệt thự đã mang hình dáng mái cong kiểu Hàn.
Hà Nội phát triển không ngừng nghỉ kéo theo sự xuất hiện của những hình thức kiến trúc đa thành phần. Sự nhại lại, lai căng, giả cổ một cách thiếu hiểu biết là nguyên nhân sản sinh ra những công trình chẳng giống ai mà phong cách “giả mái mansard” là một trong số đó. Bản thân mái mansard không hề xấu, vấn đề là những người thiết kế sử dụng hình thức mái này một cách vô tội vạ, chẳng cần biết đến tỉ lệ đế - thân - mái rất quan trọng, công năng của phần công trình ẩn sau phần mái, cũng như các chi tiết kiến trúc khác.
“Hiến kế” cho những mái nhà bền vững, TS.KTS Nguyễn Tất Thắng cho rằng, mái cần tạo điểm kết thúc cho công trình, thỏa mãn các yêu cầu về kỹ thuật. Thứ nữa là nên khuyến khích các loại hình mái kết hợp vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu, cây xanh và thân thiện với môi trường.
“Với những công trình cao tầng, quy mô lớn mang tính hiện đại như hiện nay, theo quan điểm cá nhân tôi việc sử dụng mái bằng và mái phỏng sinh học là thích hợp hơn cả” - KTS Nguyễn Thạc Hùng chia sẻ.
Phạm Nguyễn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất