Từ việc nghệ sĩ ký tên lên tranh: Thật ngậm ngùi cho tình yêu tranh kiểu vậy...

16/10/2018 05:52 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Xưa giờ tôi vẫn hay gặp anh em cánh mỹ thuật và bạn bè báo chí quan tâm mảng hội họa, lần nào tụ tập bên ly cà phê, ly bia cũng cứ tâm tư cùng nhau về một thị trường thực sự của tranh Việt, vốn dĩ vẫn chưa hề có đến tận thời điểm này.

Các câu chuyện mua bán tranh của họa sĩ bổn xứ tính đến nay vẫn chỉ là... hên xui, hoàn toàn chẳng có một thị trường qui ước chung, nơi người sáng tác (họa sĩ) với người đại diện bán tác phẩm tranh vẽ (các chủ phòng tranh/ Gallery) và những nhà sưu tập tranh có thể gặp nhau trong hạnh phúc! Bởi lẽ, thông qua việc định giá tác phẩm sáng tạo cho đúng mức cũng chính là sự định danh người nghệ sĩ sáng tác một cách đúng điệu, chính danh.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa.  Ảnh:FB

Hẳn nhiên khi chưa có thị trường tranh đúng nghĩa thì gần như các hoạt động liên quan cũng chỉ là một dạng của "hội kín" giữa dân nghề với nhau là chủ yếu, thành ra việc mở rộng cách thức thưởng ngoạn tranh đối với nhiều thành phần công chúng tại xứ chừng như vẫn còn là chuyện xa vời trong giai đoạn hiện tại.

Ngay cả đối với tầng lớp công- chúng- mơ- thành- quý- tộc (gọi là "công chúng" vì họ là những người ngoài ngành nghề mỹ thuật, "ngoại đạo" trong trường hợp này), vốn dĩ là những người đã có điều kiện sống khá nổi trội so với mặt bằng chung còn nổi nênh các kiểu của người dân khắp xứ, e rằng chuyện biết thưởng ngoạn tranh bằng những qui cách tối thiểu vẫn là điều không tưởng với tình hình hiện có!

Chẳng hạn như ngoài họa sĩ sáng tác của bức tranh thì sẽ không có bất kỳ ai được quyền ký tên trực tiếp lên mặt tranh (dù mặt trước hay mặt sau), bằng bất kỳ chất liệu tạo mực tạo màu nào. Về cơ bản, chữ ký trong từng bức tranh đâu phải chỉ là hình thức xác lập "chủ quyền" tác phẩm một cách đơn thuần, đó còn là một phần chủ đạo trong bố cục tranh từ đường nét cho đến màu sắc, thậm chí là giúp thăng bằng cảm quan trong mắt người nhìn tranh - theo ý đồ tạo tác của họa sĩ. Nếu ai đó tùy tiện phá vỡ bố cục tranh bằng tương tác ngoài nghề thô thiển chính là hành động phá hủy bức tranh - tác phẩm nghệ thuật - một cách thô bạo, dù là vô thức!

Bữa trước trong giới showbiz Việt có một hoạt động quyên góp thiện nguyện cực kỳ hay, đẹp. Số là để giúp cho nghệ sĩ lão thành LB & nữ nghệ sĩ trẻ MP có điều kiện tiếp tục chữa trị bệnh ung thư phổi, cánh nghệ sĩ biểu diễn của showbiz Việt đã cùng nhau tổ chức chương trình đêm nhạc gây quỹ thiện nguyện.

Ngoài biểu diễn nhạc, còn có nhiều hình thức đấu giá với nhiều vật dụng mang tính cá nhân của các nghệ sĩ tham gia việc quyên góp gây quỹ thiện nguyện. Bên cạnh đó, một nhà hảo tâm giấu tên đã dành tặng bức tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình nhờ ca sĩ LQ và ĐVH bán giúp.

Được biết có một doanh nhân đã mua bức tranh này với số tiền 200 triệu đồng. Và sẽ là nghĩa cử đẹp từ các bên tham gia chương trình thiện nguyện, nếu không có câu chuyện các nghệ sĩ showbiz Việt có phần hồn nhiên khi xúm nhau ký tên trực tiếp lên... bề mặt vải bố (tole/ canvas) của bức tranh vẽ ấy (theo kiểu cùng ký tên trong một trái bóng để bán đấu giá sau trận đấu/ mùa giải; ký tên vào một cuốn sổ lưu niệm khai mạc sự kiện/ triển lãm; ký tên lên một dải khăn chúc mừng đám cưới...).

Thật ra, ngay cả nếu ký tên lên mặt sau của một bức tranh thì cũng không phải đạo về chuyện ứng xử với tác phẩm nghệ thuật, từ chuyện sở hữu quyền tác giả (chỉ trừ khi là đồng sáng tác) cho đến việc bảo quản tranh về phương diện chuyên ngành với bất kỳ hình thức xâm hại nào (kể cả từ mặt sau của bức tranh). Các nhà phục chế tranh quốc tế rất sợ điều này!

Thế nên mới nói, thật ngậm ngùi cho tình yêu tranh kiểu vậy...

Châu Quang Phước

Đàm Vĩnh Hưng ký lên tranh người khác: Một lỗi lầm do vô ý gây ra?

Đàm Vĩnh Hưng ký lên tranh người khác: Một lỗi lầm do vô ý gây ra?

Rõ ràng việc các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Quang Lê, Vũ Hà… ký tên vào bức tranh của Hứa Thanh Bình là sai. Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ ghi: “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm