Thói 'nghiện rượu' của đàn ông Việt và những cuộc 'ngộ độc' tập thể

09/03/2017 07:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 69 người ngộ độc rượu tại một đám tang ở Lai Châu, trong đó 9 người đã tử vong. Và, theo kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng, hàm lượng methanol trong mẫu rượu được sử dụng đã vượt mức cho phép nhiều lần.

Vụ việc xảy ra từ cuối tháng 2, nhưng liên tục được dư luận quan tâm bởi hậu quả kinh hoàng của nó. Và nếu tìm hiểu,chúng ta sẽ thấy, đó không phải là vụ ngộ độc rượu duy nhất trong vài năm trở lại đây. Từ rất lâu, câu chuyện về rượu giả, rượu độc luôn trở thành nỗi ám ảnh nhức nhối với người tiêu dùng. Với sự tràn lan của thứ đồ uống phi tiêu chuẩn này, cơ hội để bảo vệ bản thân dường như bị giảm đi đáng kể - một khi người dùng đã đưa chén rượu lên môi.

Cuối tuần trước, tôi tới dự một đám tang tại một làng quê ở Hưng Yên. Sau khi phúng viếng, người có mặt buộc lòng phải dự bữa cơm gia đình. Bởi theo lời chủ nhà, tới đám tang mà không uống chén rượu chia buồn, đồng cảm với gia đình là không trọn vẹn.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ông chủ nhà vừa cầm chai rượu trắng đục rót đầy các chén vừa phân trần ngắn gọn khi chúng tôi nhìn chai rượu một cách băn khoăn: “Rượu quê. Mua ở chỗ tin tưởng. Yên tâm”.

Làng quê ở Hưng Yên này cũng giống như nhiều làng quê Bắc bộ. Và giống như nhiều vùng quê khác của cả nước. Rượu là “chất dẫn” của mọi biến cố, sự kiện trong quá trình phát triển của con người, gia đình cũng như cộng đồng. Trẻ em vừa sinh, gia đình làm mâm cơm uống mừng thành viên mới ra đời. Rồi sau này, sinh nhật, giỗ chạp, mua xe, cưới vợ, làm nhà... cho tới tận đến lúc mừng thọ và nằm xuống, mọi cột mốc của đời người đều khó lòng thiếu rượu.

Còn chất lượng rượu gói gọn trong hai chữ: “rượu quê”. Rượu quê đồng nghĩa với sự đảm bảo. Rượu quê đồng nghĩa với an toàn, không hóa chất. Rượu quê là uống được, mà không bị ngộ độc ngay tắp lự. Tất nhiên, trừ gia đình tự nấu, còn lại, cái mác “rượu quê” cũng chỉ được đảm bảo bởi niềm tin của người mua với người bán.

Đó là rượu trắng, thứ mà nhiều người vẫn tạm coi là “không rõ nguồn gốc xuất xứ”. Nhưng, rượu có đầy đủ tem mác cũng không khá hơn. Hàng loạt những thông tin về việc chế biến rượu giả những thương hiệu rượu nổi tiếng từ cồn, nước lã và hóa chất được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Các cơ quan chức năng cũng liên tiếp xử lý các đơn vị sản xuất rượu giả không đảm bảo chất lượng với số lượng lớn.

Và, cũng như rượu quê, người tiêu dùng mua rượu có thương hiệu, thậm chí là rượu ngoại, cũng buộc lòng phải tin vào đại lý phân phối. Niềm tin là điều duy nhất mà người tiêu dùng có thể bấu víu khi đồng ý tiêu thụ sản phẩm!

***

Tuy nhiên, không chỉ ở những sự kiện quan trọng, thói quen uống rượu, lạm dụng rượu bia đã thẩm thấu trong đời sống của nhiều người. Chúng ta dễ thấy điều này qua những con số. Theo thống kê của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới vào năm ngoái, 77% đàn ông Việt Nam uống rượu bia, đứng đầu thế giới. (Tỷ lệ này trung bình trên thế giới là 48%).

Rượu là văn hóa, là tinh hoa của ẩm thực. Nhưng, việc sử dụng nó thế nào cho hợp lý, cho không đánh mất sức khỏe và nhân cách, lại là câu chuyện riêng của từng người.

Không bàn tới rượu độc, thói quen lạm dụng rượu bia đã ảnh hưởng lớn tới từng cá thể cũng như toàn xã hội. Và khi ấy, những ly rượu “chính hãng” được mời nhau nốc vô hồi kì cũng là những ly rượu độc. Chúng tàn phá sức khỏe và nhân cách một cách âm thầm - để rồi chúng ta cảm thấy quá muộn khi kịp nhận ra.

Và, chẳng cần đám tang, đám cưới hay rượu có methanol, thói quen lạm dụng rượu bia của nhiều người đang tạo nên ca “ngộ độc” tập thể!  

Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm