Ngày Tết bàn về những điều cản trở việc treo câu đối Tết

04/02/2019 00:03 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều bài viết đã đề cập đến sự cần thiết bảo vệ tục treo câu đối ngày Tết. Nên tôi không đi con đường trên mà nêu hai điều cản trở việc phát huy nét văn hóa đó. Giải quyết được hai vấn đề thì tôi tin tưởng tục treo câu đối không chỉ được bảo tồn mà còn phát triển.

Câu đối Huấn Cao viết trên tấm lụa là gì?

Câu đối Huấn Cao viết trên tấm lụa là gì?

Huấn Cao không chỉ viết một chữ mà là nhiều chữ, can lại thành cặp câu đối như sở nguyện của nhân vật quản ngục: được treo ở nhà riêng mình một câu đối do tay ông Huấn Cao viết.

Lý do giữ gìn tục treo câu đối không xuất phát từ người dân

Điều cản trở thứ nhất là lý do thuờng sử dụng để bảo vệ luận điểm trên. Đó là để giữ gìn những nét đẹp văn hóa của dân tộc. Đây là một nghịch lý. Đã là người Việt Nam thì ai ai đều muốn những nét văn hóa tích cực của quá khứ được bảo tồn. Nhưng chính ý muốn trên lại cản trở cho việc bảo tồn. Dưới đây là các nguyên nhân.

Thứ nhất, lý do trên quá chung chung và không cụ thể. Để một chính sách, một điều luật đi  vào thực hành, trước hết mặt lý luận phải cụ thể. Do đó, cần phải diễn giải rõ cho người dân rằng bảo vệ truyền thống dân tộc gồm những hoạt động gì? Có phải tất cả các sinh hoạt lâu đời đều là những thứ cần được bảo vệ?

Tóm lại, luận điểm căn bản để thực hiện chính sách văn hóa luôn luôn phải cụ thể. Nhân dân không bao giờ đi theo các đề án khi họ không tìm được sự rõ ràng, cái "lý" trong đó.

Câu đối tết, Treo câu đối tết, Câu đối tết nguyên đán, Câu đối tết 2019, Câu đối tết hay, câu đối, treo câu đối, câu đối tết ý nghĩa, cối đối tết hay nhất
ảnh minh họa

Thứ hai, quan điểm trên không phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Dù mục đích có tốt đẹp đến mấy thì luận điểm căn bản để bảo vệ nét đẹp văn hóa không thể xuất phát từ chính nét đẹp văn hóa đó. Thiếu con người thì làm sao những nét đẹp đó ra đời và tồn tại được? Chúng chỉ có thể là sản phẩm của sức lao động của người. Do vậy, quan điểm trên phải được xuất phát từ con người, cụ thể là các nhu cầu bất biến của người dân.

Nội dung của câu đối không phù hợp với nền kinh tế hiện nay 

Điều thứ hai làm cản trở sự giữ gìn tục treo câu đối ngày Tết chính là nội dung của nó. Nội dung của các câu đối đã không còn phù hợp với nền kinh tế hiện nay. 

Vì câu đối là một loại hình nghệ thuật ra đời và tồn tại trong thời quân chủ. Học giả Phan Ngọc đặt tên cho nền kinh tế của Việt Nam lúc bấy giờ là “nền kinh tế biếu tặng”.

Người dân nộp tô thuế cho vua bằng sản vật, cũng là một hình thức biếu tặng. Thương nghiệp không được phát triển. Do đó, sức sản xuất hàng hóa rất ít và không có sự phân công lao động rõ ràng như ở Châu Âu. Chỉ trừ số rất ít trường hợp ngoại lệ (một ít ví dụ: làng gốm Bát Tràng, làng làm rắn Lệ Mật, làng Chuông làm nón) thì người dân của một làng phải làm đủ các nghề để sản xuất ra các hàng hóa cần thiết cho các nhu cầu của mình. Tiền khan hiếm và việc sử dụng tiền không phổ biến. Hàng hóa được biếu tặng hoặc trao đổi trực tiếp chứ không qua trung gian là vật ngang giá, tiền.

Xét như vậy, loại hình câu đối ở cả hình thứ và nội dung của nó phù hợp với nền kinh tế biếu tặng. Các trí thức tạo ra câu đối để biếu tặng những dịp quan trọng như năm mới, mừng đám cưới hay đám giỗ... Các chủ đề của nó xoay quanh một "xã hội đóng" - tức gần như không tiếp xúc với các xã hội thuộc các nền văn minh khác. 

Nhưng vào thế kỷ XXI, nền kinh tế biếu tặng đã bị thay thế bằng nền kinh tế hàng hóa. Do vậy, thay đổi căn bản là quan hệ giữa người tạo ra câu đối và người nhận đã khác. Câu đối không còn vật biểu tặng mà là hàng hóa. Đã là hàng hóa thì chúng phải thỏa mãn nhu cầu của người mua hàng. 

Muốn giữ gìn tục treo câu đối thì nghệ nhân phải thay đổi nội dung hoặc hình thức hoặc cả hai. Hình thức của câu đối đã bị định trong vốn văn hóa Hán học đời trước nên rất khó thay đổi. Nên nghệ nhân phải lựa chọn phương án hai: thay đổi nội dung. Đó là điều khả thi.

Theo đó, nội dung của câu đối phải thỏa mãn những nhu cầu con người của nền kinh tế hàng hóa. Dưới đây là vài thao tác mà tôi nghĩ sẽ phù hợp để nghệ nhân thực hành.

Một là đừng lấy lại các điển tích cũ trong các sách dùng để thi cử thời Hán học. Hai là cũng đừng viết về cảnh sống thanh tịnh ở làng quê. Vì các vấn đề của con người thời nay không còn giống xưa. Cũng giống như nhà văn và nhà thơ, người viết câu đối cần thiết đối với công chúng vì anh ta sử dụng một hình thức đặc biệt để diễn giải rõ ràng các vấn đề mà công chúng chỉ lờ mờ nhận ra. 

Cho nên hãy thay đổi nội dung của câu đối vào các vấn đề sau. Tôi nêu ví dụ bốn vấn đề. Thứ nhất là áp lực công việc và sự đào thải nhân viên diễn ra liên tục tại các thành phố lớn. Hai là gia đình ít còn sống chung và gắn bó nhiều thế hệ. Ba là cá nhân cảm thấy cô đơn và lạc lõng giữa cuộc sống ở thành phố. Bốn là thế hệ trẻ loay hoay cải tạo xã hội từ di sản của thế hệ trước để lại.

Nên nhớ, Việt Nam là dân tộc chuộng văn chương, thi phú. Nên nếu thay đổi nội dung câu đối phù hợp với các vấn đề hiện đại thì hàng hóa làm ra chẳng lo bị ế. Đồng thời cũng phải mạnh khâu quảng cáo.

Sẽ nhiều người phê phán tôi đầu óc con buôn và xu hướng câu đối mà tôi cổ động là suy đồi. Nhưng khi mà quan hệ kinh tế thay đổi thì các loại hình nghệ thuật (trong đó có câu đối) cũng cần thay đổi.

Cái thời viết câu đối để biếu tặng đã qua. Bây giờ, sản phẩm của nghệ nhân phải là hàng hóa bán được. Phải sống được bằng nghề.

Nguyễn Thành

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm