18/08/2020 07:39 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện về dinh tỉnh trưởng tại Đà Lạt bỗng nhiên nóng trở lại trên mặt báo, như cách mà nó đã từng diễn ra hơn một năm trước.
Cần nhắc lại, vào tháng 3/2019, công trình kiến trúc tròn 110 tuổi này – vốn từng được coi là một phần của Đà Lạt trong quá khứ - đã được “đặt vấn đề” di dời sang một vị trí khác, trong bản quy hoạch do tỉnh Lâm Đồng đưa ra.
Tất nhiên, ý tưởng ấy liên tục nhận về những phản hồi gay gắt, khi mà cuộc di dời được đề xuất sẽ khiến công trình bị tách khỏi không gian vốn gắn liền với lịch sử ra đời và tồn tại của mình.
Còn bây giờ, trong các phương án kiến trúc mới cho khu vực này (vừa được thành phố Đà Lạt và Sở xây dựng Lâm Đồng trưng bày), dinh tỉnh trưởng dù được giữ nguyên tại không gian cũ nhưng lại gặp những đề xuất “giật mình” theo kiểu khác.
Cụ thể, ở phương án thứ nhất, thay vì di dời, dinh tỉnh trưởng được… đưa lên độ cao 28m so với hiện tại. Ở phương án thứ 2, công trình này được giữ nguyên, nhưng bao quanh là khối nhà hiện đại hình chữ U cao 10 tầng, bên trên là bể bơi. Còn phương án thứ 3 cũng để dinh tỉnh trưởng “yên vị” nhưng cạnh đó là khối khách sạn đồ sộ hình vòng cung.
Không khó hiểu về những phản ứng gay gắt từ giới chuyên môn quanh 3 phương án này - như họ đã từng làm với đề xuất di dời công trình vào đầu năm 2019. Bởi, như những nguyên tắc cơ bản nhất cho việc bảo tồn di sản đô thị, một không gian cũ luôn cần được tiếp cận ở góc độ tổng thể để giữ được kiến trúc cũng như tỷ lệ hài hòa vốn có của cảnh quan, thay vì chỉ giữ lại một vài công trình đơn lẻ rồi “đan cấy” vào đó những kiến trúc hiện đại và đồ sộ.
***
Những gì có thể diễn ra tại Đà Lạt cũng chính là những gì đã, và có thể tiếp diễn tại những đô thị lớn trên cả nước. Ở đó, phần kiến trúc lâu đời và tiêu biểu nhất cho thành phố luôn đứng trước khả năng bị thay thế, hoặc bị “chèn ép” bởi những công trình hiện đại với kích thước khổng lồ.
Không khó giải thích điều ấy, khi mà vị trí trung tâm, cộng cùng hệ số sử dụng đất rất cao của những tòa cao ốc, luôn có sức lôi cuốn nhà đầu tư. Và ở rất nhiều trường hợp, sự thay thế ấy bắt đầu từ một lý do tưởng chừng chính đáng: Thời gian đã làm những công trình cũ không còn bắt kịp nhu cầu sử dụng của hiện tại.
Chỉ có điều, cách nhìn ấy luôn cố tình bỏ qua một tiền đề quan trọng nhất: Phần trung tâm lịch sử của mỗi thành phố cũng là nơi thể hiện những đặc trưng về bản sắc. Thiếu nó, trong thời đại toàn cầu hóa, một đô thị sẽ trở nên vô hồn, hoặc thấp hơn là “sạch sẽ và vô cảm”, như cách các chuyên gia quốc tế nói về câu chuyện này.
Giống như một nguyên lý đã từng được khẳng định: Sự “hiện đại” của một thành phố lớn không chỉ nằm ở bê tông, kính, thép, cao ốc… hay những nút giao thông khổng lồ. Đó còn là cách người ta ứng xử với quá khứ, để các trầm tích theo thời gian không bị xóa sạch trong quá trình hiện đại hóa.
Phần kiến trúc tạo nên bản sắc ấy không chỉ là “hạt nhân” tạo nên mỗi đô thị (và giúp những công trình hiện đại có lý do để tồn tại). Xa hơn, như hình mẫu ở nhiều đô thị phát triển, nếu tiếp cận đúng hướng, chắc chắn những kiến trúc ấy đủ sức mang lại nguồn lợi kinh tế tự thân, đồng thời vẫn tiếp tục làm dày lên bản sắc của thành phố theo thời gian.
Không chỉ tại Đà Lạt, mà tại hầu hết các đô thị ở Việt Nam, những di sản đô thị cũ như dinh tỉnh trưởng đang chờ được đánh thức bằng việc tôn tạo, phát huy giá trị, thậm chí chuyển đổi một phần công năng nếu cần. Tất nhiên, động thái ấy không thể bỏ qua những cơ chế phù hợp, để khuyến khích doanh nghiệp có thể đầu tư vào các kiến trúc dành cho văn hóa và được “bù” bằng quyền lợi xây dựng công trình hiện đại tại những không gian phù hợp…
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất