Tác giả 'Cái trống thiếc' Gunter Grass: Người phá vỡ những bức rào cấm kỵ

14/04/2015 07:17 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Trong suốt cuộc đời mình, Gunter Grass luôn thể hiện một tinh thần ngang ngạnh, không ngại đối mặt với những vấn đề khó và nhạy cảm trong xã hội. Tính cách này khiến ông trở thành một nhà văn lớn, đồng thời là nhân vật gây tranh cãi không nhỏ ở Đức. Ông vừa qua đời ở tuổi 87.

Báo chí Đức cho biết Gunter Grass trút hơi thở cuối cùng hôm 13/4 ở thành phố Lubeck, sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh viêm phổi.

Cha đẻ cuốn sách từng chọc giận người Đức

Cuộc đời Grass, đầy những thăng trầm, những khoảnh khắc vinh quang và tủi hổ, bắt đầu từ khi ông sinh ra trong ngày 16/10/1927 ở Danzig, nay là Gdansk. Grass lớn lên trong một gia đình có xuất thân khiêm tốn và rất sùng đạo. "Tuổi thơ nằm kẹt giữa Thiên Chúa giáo và (trùm phát xít Adolf) Hitler” là những từ mà nhà viết tiểu sử Michael Jurgs đã tổng kết về môi trường mà Grass lớn lên thời thơ ấu.

Năm mới 17 tuổi, ông đã phải chứng kiến nỗi kinh hoàng của Thế chiến thứ Hai và sau đó thì bị buộc phải tòng quân. Tiếp đó ông gia nhập lực lượng Waffen-SS của Đức. Phải mất nhiều thập kỷ sau ông mới có thể nói lại về quãng thời gian đi lính trong quân đội phát xít.


Nhà văn Gunter Grass, tác giả cuốn Cái trống thiếc

Chiến tranh kết thúc, Grass dọn tới sống ở Tây Đức. Năm 1952, Cộng hòa Liên bang Đức vẫn còn ở thời kỳ sơ khai và tương tự là tư duy sáng tạo nghệ thuật của Grass. Ông quan tâm và theo học nhiều ngành nghệ thuật ở Dusseldorf, Berlin. Ông từng  nghiên cứu hoạt động điêu khắc, thiết kế đồ họa, nhạc jazz và thường xuyên xê dịch qua rất nhiều nơi. Năm 1956, ông dừng chân ở Paris trong cuộc hôn nhân với người vợ đầu.

Đây chính là nơi sự nghiệp lừng lẫy của ông trong vai trò một nhà văn lớn bắt đầu nảy nở. Tiểu thuyết Cái trống thiếc (1959), một tác phẩm pha trộn nhiều yếu tố tưởng tượng, gia đình, triết lý và ngụ ngôn chính trị, đã ra đời tại Paris. Do động tới nhiều vấn đề vẫn bị xem là cấm kỵ vào thời hậu chiến, sách đã gây phẫn nộ lớn trong xã hội Tây Đức, khi ấy vẫn còn rất bảo thủ. Tuy nhiên sách lại trở thành hiện tượng trên quy mô toàn cầu.

Phẫn nộ với cuốn sách, các thành viên hội đồng lập pháp Bremen đã từng từ chối trao giải văn chương cho nó. Cuốn sách còn bị đốt cháy ở Dusseldorf. Nhưng 40 năm sau, nó lại giúp Grass có giải Nobel Văn chương. Khi phát biểu nhận giải trước Viện Hàn lâm Thụy Điển vào năm 1999, Grass cho biết phản ứng của dư luận đã dạy ông một bài học, rằng “các cuốn sách có thể gây tức giận, tạo ra sự phẫn nộ và thù ghét”. Ngoài ra tác phẩm hình thành từ tình yêu đất nước của một con người có thể gây xúc phạm tới quê hương của kẻ khác. “Kể từ sau cuốn sách, tôi đã trở thành một nhân vật gây tranh cãi” – ông chia sẻ.


Cái trống thiếc đã được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh cùng tên

Không né tránh vấn đề gây tranh cãi

Quả thực, trong sự nghiệp ông đã tung ra nhiều tác phẩm gây tranh cãi. Ví dụ như năm 1995, Grass tung ra cuốn Too Far Afield, xem xét sự hợp nhất của nước Đức qua con mắt của những người Đông Đức. Cuốn sách khiến nhà phê bình văn chương nổi tiếng Marcel Reich-Ranicki của Đức nổi giận và gọi tác phẩm này là “một sự thất bại hoàn toàn”. Tờ Der Spiegel thậm chí còn đăng hình bìa với ảnh cuốn sách bị xé làm hai nửa.

Danh sách các tác phẩm của Grass rất dài, gồm Cat and Mouse Dog Years. Cùng Cái trống thiếc, những cuốn này thuộc về “Bộ ba tác phẩm Danzig” của ông, xoay quanh cuộc sống trước và trong Thế chiến thứ 2 ở vùng Danzig.  Grass còn động tới vấn đề chia sẻ quyền lực chính trị giữa đàn ông và phụ nữ, nạn đói và sự trỗi dậy của nền văn minh nhân loại trong một cuốn sách dày 500 trang, phát hành năm 1977. Năm 1986, ông tung ra cuốn The Rat (Con chuột), khám phá chủ đề tận thế.

Phần lớn tác phẩm của ông đều đề cập tới các điều kiện chính trị và biến động xã hội, như vụ chìm tàu chở người tị nạn ở biển Baltic trong năm 1945, vai trò của trí thức trong các hoạt động chống đối ở Đông Đức cũ, mối quan hệ giữa Đức và Ba Lan... Bất chấp một số nhà chỉ trích nói rằng sách của Grass nặng nề và chứa nhiều yếu tố chính trị, các tác phẩm của ông lại rất thành công và thường gây tranh cãi trong cộng đồng văn chương ở Đức. Tuy nhiên không cuốn sách nào tạo ra ảnh hưởng và cảm hứng lớn như cuốn Cái trống thiếc. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Grass là Crabwalk, ra mắt năm 2002.

Trong cuộc nói chuyện với tờ Paris Review vào năm 1991, Grass không hề tỏ ra hối tiếc vì đã động chạm nhiều tới quá khứ không dễ chịu của nước Đức. “Nếu là một nhà văn Thụy Điển hay Thụy Sĩ, tôi có thể đã Iảng tránh chủ đề này, có thể chỉ đưa ra vài ba câu chuyện bông đùa tếu táo thôi” – ông nói – “Nhưng điều đó đã không xảy ra. Xét tới nền tảng của bản thân, tôi chẳng có sự lựa chọn nào khác cả”.

Grass chia sẻ về thời kỳ là lính phát xít

Gunter Grass bị buộc phải tòng quân vào năm 1944, khi mới 17 tuổi và trở thành một pháo thủ xe tăng trong lực lượng Waffen SS. Cuộc chiến của Grass kết thúc 6 tháng sau khi ông nhập ngũ, lúc còn chưa bắn được viên đạn nào, bởi bị thương ngoài chiến trường. Người ta đã cáo buộc Grass là kẻ phản bội, đạo đức giả và chủ nghĩa cơ hội, sau khi ông viết về trải nghiệm thời kỳ đi lính ấy trong cuốn hồi ký Peeling The Onion (Bóc vỏ hành), ra mắt năm 2006. Grass rất ngạc nhiên trước sự phản ứng, thừa nhận thời trẻ ông chỉ nghĩ đơn giản rằng SS là “một lực lượng đặc nhiệm”. Ông cũng cho biết đã công khai nói về quá khứ tham gia chiến tranh trong những năm 1960 và đã dành gần hết cuộc đời để xem xét lại niềm tin thời trẻ của mình, thể hiện qua các tác phẩm đã ra mắt.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm