19/09/2021 13:23 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tin Nghệ sĩ nhân dân Ngô Mạnh Lân, một trong những người đặt nền móng cho nghệ thuật hoạt hình Việt Nam rời cõi tạm ở tuổi 87 khiến bạn bè và những người yêu mến tài năng của ông vô vùng tiếc thương. Sự ra đi của ông để lại nhiều mất mát cho nền nghệ thuật hoạt hình Việt Nam.
Thông tin từ gia đình cho biết, tang lễ của Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Mạnh Lân sẽ diễn ra vào ngày 22/9/2021 (tức ngày 16/8 âm lịch) tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Vĩnh biệt ông, “cây đại thụ” của nghệ thuật hoạt hình Việt Nam, người nghệ sỹ tài năng, luôn hết lòng với sự nghiệp phát triển của hoạt hình Việt Nam.
Họa sĩ của nhiều thế hệ tuổi thơ
Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Mạnh Lân sinh năm 1934 tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông đến với mỹ thuật khi mới 16 tuổi, tham gia khóa học đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc do họa sỹ Tô Ngọc Vân phụ trách. Sau khi tốt nghiệp, ông vào phục vụ trong quân đội, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và có nhiều ký họa kháng chiến. Hòa bình lập lại, ông được cử đi học tại Đại học Quốc gia Điện ảnh Liên Xô.
Năm 1962, sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Điện ảnh Liên Xô với tấm bằng đỏ xuất sắc, ông trở về nước và làm việc tại Xưởng phim Hoạt họa búp bê Việt Nam, nay là Hãng phim hoạt hình Việt Nam. Khi ấy, phim hoạt hình Việt Nam mới chỉ ở tuổi lên 2, còn đang chập chững bước đi với bộ phim hoạt hình đầu tiên “Đáng đời thằng cáo” (1960) bằng thể loại phim vẽ, rồi đến bộ phim cắt giấy “Con một nhà” (1961) của đạo diễn Trương Qua và phim búp bê “Chú thỏ đi học” (1962) của đạo diễn Nguyễn Tích.
Năm 1963, họa sỹ Ngô Mạnh Lân cho ra mắt bộ phim hoạt hình đầu tiên của ông mang tên “Một ước mơ”. Ngay từ bộ phim đầu tay của mình, ông đã bộc lộ được tài năng của một đạo diễn có tay nghề, được đào tạo bài bản với những khuôn hình giàu sức biểu cảm và sống động. Sau đó, những năm sau đó, họa sỹ Ngô Mạnh Lân liên tục cho ra đời hàng loạt bộ phim hoạt hình nổi tiếng như phim “Mèo con” - dựa theo truyện ngắn “Cái tết của mèo con” của nhà văn Nguyễn Đình Thi, “Con sáo biết nói”, “Những chiếc áo ấm”, “Chuyện ông Gióng”, “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Trê cóc”, “Thạch Sanh”, “Rừng hoa”, “Bộ đồ nghề nổi giận”, “Bước ngoặt”, “Phép lạ hồi sinh”...
Có thể nói, những bộ phim hoạt hình tươi vui, màu sắc sặc sỡ với những câu chuyện đầy ý nghĩa trong phim của họa sỹ Ngô Mạnh Lân thời đó đã để lại ấn cho nhiều thế hệ tuổi thơ Việt Nam. Với những tác phẩm này, họa sỹ Ngô Mạnh Lân đã đoạt 3 giải Bông sen Vàng, 4 giải Bông sen Bạc, nhiều Bằng khen của Ban giám khảo tại các kỳ Liên hoan phim Việt Nam. Đặc biệt, bộ phim “Mèo Con” của ông đã giành Giải thưởng Bồ nông Bạc tại Liên hoan phim Hoạt hình quốc tế ở Mamaia (Romania) năm 1966 và phim “Chuyện ông Gióng”, giành Giải thưởng Bồ câu Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Leipzig, Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1971.
Trong suốt sự nghiệp đạo diễn của mình, Nghệ sỹ Nhân dân Ngô Mạnh Lân đã thực thiện được 17 bộ phim hoạt hình. Ông được coi là một trong những nghệ sỹ thuộc thế hệ đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của ngành điện ảnh hoạt hình Việt Nam. Ông từng giữ cương vị Giám đốc Hãng Phim hoạt hình Việt Nam, đồng thời nghiên cứu và giảng dạy về hoạt hình. Ngoài làm phim, ông còn và viết sách, viết báo về những vấn đề liên quan tới nghệ thuật phim hoạt hình.
Ngoài công việc đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Ngô Mạnh Lân còn là họa sỹ, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Sinh thời, Nghệ sỹ Nhân dân Ngô Mạnh Lân từng chia sẻ, ông thích vẽ từ bé. Ngày ông còn nhỏ ở quê, nhiều buổi trưa ông bắc chõng tre ra hiên nhà nằm ngắm những đám mây bay lững lờ trên trời, tưởng tượng ra hình thù các con vật, chúng chuyển động thay đổi hình dáng, tạo cho mình niềm hứng thú say mê... Rồi tình yêu hội họa hồn nhiên ấy đã dẫn lối cho chàng thanh niên Ngô Mạnh Lân tới lớp hội họa 2 tháng ở Liên khu X do họa sỹ Nguyễn Trọng Hợp phụ trách, sau đó trở thành sinh viên trẻ nhất của Trường Mỹ thuật Khóa Kháng chiến, trở thành học trò của các danh họa Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sỹ Ngọc, Bùi Trang Chước, Nguyễn Tư Nghiêm...
Nghệ sỹ Nhân dân Ngô Mạnh Lân có một khối lượng ký họa đồ sộ và quý giá về chiến tranh, cách mạng, từ chiến dịch Điện Biên Phủ tới đời sống nông dân Bắc bộ trong thời kháng chiến chống Mỹ và sau này là đời sống thời bao cấp. Ngoài ra, ông còn vẽ tranh sơn dầu, tranh cổ động, bìa tem, bìa sách, truyện tranh… và nhận nhiều giải thưởng về mỹ thuật, như 1 giải A triển lãm đồ họa - Hội nghệ sỹ tạo hình; 1 giải quốc gia về minh họa sách thiếu nhi; 2 giải Nhất và 2 giải Nhì về triển lãm áp phích…
Ông được phong hàm Phó Giáo sư năm 1991, được trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân năm 1997. Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: “Mèo con”, “Chuyện ông Gióng”, “Con sáo biết nói”, “Những chiếc áo ấm”, “Trê cóc”.
Người đặt nền móng cho hoạt hình Việt Nam
Mỗi khi nhắc đến Nghệ sỹ Nhân dân Ngô Mạnh Lân, nhiều người thường nhớ đến ông với vai trò là một trong những người đặt nền móng cho hoạt hình Việt Nam, một “cây đại thụ” của hoạt hình Việt Nam.
Những ai đã gặp và trò chuyện với Nghệ sỹ Nhân dân Ngô Mạnh Lân, đều có chung cảm nhận đó là một con người khiêm tốn, giản dị với nụ cười hiền hậu nhưng có phần hóm hỉnh.
Nghệ sỹ Nhân dân Hà Bắc, người đã quen biết và làm việc cùng Nghệ sỹ Nhân dân Ngô Mạnh Lân trên 40 năm, chia sẻ: Với anh, Nghệ sỹ Nhân dân Ngô Mạnh Lân vừa là đồng nghiệp, vừa là người thầy đã dìu dắt, dạy dỗ anh rất nhiều trong quá trình làm nghề. Kể từ anh về công tác tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam năm 1976.
“Thầy là một người rất nghiêm túc trong công việc, luôn làm việc kỹ lưỡng, chu đáo, thậm chí đôi khi khắt khe, nhưng tôi nghĩ đó là sự khắt khe cần thiết để có được một bộ phim chất lượng tốt. Có lẽ đó cũng chính là bí quyết thành công của thầy, vì trong bất cứ một lĩnh vực nào, từ sáng tác, đến tạo hình cho đến hoà âm phim… thầy đều làm hết sức chỉn chu, kỹ lưỡng và có bài bản. Và tôi cũng học hỏi ở thầy rất nhiều, đặc biệt là tinh thần làm việc nghiêm túc, nỗ lực, cố gắng hết mình để bảo đảm chất lượng của bộ phim, truyền cảm hứng cho khán giả”, Nghệ sỹ Nhân dân Hà Bắc nói.
Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực điện ảnh, Nghệ sỹ Nhân dân Ngô Mạnh Lân còn là bậc thầy trong lĩnh vực hội hoạ với khả năng hình họa, cũng như thẩm định về nghệ thuật của rất sâu sắc và chắc chắn.
“Với những họa sỹ, đạo diễn phim hoạt hình, để làm nên một bộ phim hoạt hình chúng tôi phải làm từng chi tiết rất nhỏ, từ nặn vẽ lông mày, bôi tóc cho đến mảng màu… mọi thứ đều phải làm thật kỹ lưỡng, rất kỳ công. Tôi may mắn được các thầy, trong đó đặc biệt là thầy Ngô Mạnh Lân đã truyền lại niềm yêu thích cũng như đam mê làm phim cho tôi. Có thể nói, niềm đam mê suốt đời với phim hoạt hình của tôi xuất phát từ sự truyền lửa của các nghệ sỹ gạo cội, trong đó có công rất lớn của Nghệ sỹ Nhân dân Ngô Mạnh Lân”, Nghệ sỹ Nhân dân Hà Bắc nói.
Phương Lan - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất