Đạo diễn Hoàng Duẩn: Hiện đại càng cần bản sắc

31/10/2010 18:36 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH cuối tuần) - Sài Gòn đất lành chim đậu. Rồi Sài thành sẽ trở thành hòn ngọc bóng đá của Việt Nam… Liệu mấy cái khẩu hiệu đó có thành sự thật? Cà phê bóng đá đã cùng trò chuyện với đạo diễn Hoàng Duẩn, một người đất Quảng đã nhiều năm sinh sống và làm việc tại TP.HCM, về vấn đề này.

* Sau Sài Gòn United, N.SG, rồi nay lại có một đội bóng gốc Hà Tĩnh “chuyển hộ khẩu” vào Sài Gòn. Phải chăng TP.HCM là nơi “đất lành chim đậu” với các đội bóng?

- Đất có lành hay không thì tôi không biết nhưng cái tên chắc chắn là lành rồi. Sài Gòn - TP.HCM thực sự là cái “tên vàng”, nhắc đến Sài Gòn là người ta biết ngay, kể cả ở nước ngoài, nên có “cái đuôi” Sài Gòn hay TP.HCM thì dùng cho giao dịch thương mại là vô cùng thuận lợi.


Còn trên thực tế ai cũng biết từ nhiều năm nay bóng đá TP.HCM xuống dốc thảm hại, “lên bờ xuống ruộng” thấy mà thương, bao nhiêu người tài đều chìm nghỉm tại đây, phải bỏ xứ mà tìm nơi khác phát triển sự nghiệp (Lê Huỳnh Đức là một điển hình). Nhìn vô thực tế hiện nay chắc khó có thể nói Sài Gòn là “đất lành” của bóng đá. Tuy nhiên, nếu để phát triển thương hiệu, mở rộng kinh doanh thì về Sài Gòn là quá đúng.


* Với ba đại diện cùng góp mặt ở hai giải đấu cao nhất, lại được đầu tư mạnh tay, tăng cường toàn tuyển thủ, cựu tuyển thủ quốc gia, ngoại binh “hàng hiệu” (Huỳnh Kesley là một cái tên nổi bật), việc bóng đá TP.HCM làm nên chuyện trong mùa giải tới là điều hoàn toàn có thể. Bóng đá TP.HCM sẽ lại khởi sắc?


- Tôi nhớ, cách đây vài năm tự dưng TP.HCM có một đội bóng có cái tên “rất dữ” là Sài Gòn United (nghe cứ như là Manchester United vậy), nhưng bây giờ nó ở đâu? Tôi không nghĩ bóng đá TP.HCM sẽ khởi sắc theo hướng này. Đã qua rồi thời bóng đá phong trào, một địa phương càng có nhiều đội càng vui. Bóng đá đỉnh cao cần phải chắt lọc, chú trọng chất lượng hơn là số lượng, huống chi cả ba đại diện của TP.HCM mùa tới đều không thuộc “hàng đỉnh”. Cho dù có được đổ tiền tăng cường lực lượng thì cũng không dễ tìm được sự gắn kết để thành công.


Mà thực sự có làm nên chuyện đi nữa thì đó cũng chỉ là thành công của đội bóng, của những ông chủ, và những ai theo chủ nghĩa hình thức. Bóng đá TP.HCM chỉ có thể khởi sắc khi có một đội bóng của chính mình, có những cầu thủ được đào tạo và trưởng thành từ phong trào bóng đá của địa phương trong đội hình chính chứ không phải cái kiểu cứ bứng một đội bóng ở đâu đó về rồi đặt tên Sài Gòn là được.


* Chẳng phải Sài Gòn - TP.HCM luôn mở rộng vòng tay với mọi người sao?


- Đúng vậy, bản thân Sài Gòn hay Hà Nội luôn là vùng đất hứa để người tứ xứ về lập nghiệp. Tôi cũng là dân miền Trung bén rễ ở đất Sài Gòn. Nhưng trong bóng đá có những yếu tố khắt khe hơn như truyền thống, bản sắc mà nếu thiếu nó vẻ đẹp của bóng đá cũng mất.


* Nhưng có vẻ những cái gọi là truyền thống, bản sắc đó không còn nhiều ý nghĩa ở bóng đá Việt Nam...?


- Đó là điều đáng buồn. Chưa nói đến lịch sử truyền thống sâu xa, dễ thấy nhất là cái tên của một đội bóng Việt Nam dường như cũng thiếu trọng lượng, cứ thay đổi xoành xoạch theo nhà tài trợ. Ở nước ngoài, dù có lên hạng hay xuống hạng, thăng trầm ra sao người ta vẫn chỉ một cái tên. Ông chủ Nga của Chelsea đâu có chèn thêm chữ “dầu mỏ” nào vào tên CLB, Manchester City cũng không phải thêm cái đuôi “Muhammed” nào vì có ông chủ Ả Rập… Bóng đá Việt Nam đã đánh mất những cái tên rất hay như Cảng Sài Gòn, Thể Công... để bây giờ toàn những tên lạ hoắc mà mùa này khán giả chưa kịp quen, mùa sau đã đổi tiếp. Trong bóng đá chuyên nghiệp, những cái tên nói lên rất nhiều điều: đó là lịch sử, truyền thống, bản sắc của đội bóng, có thể có nhiều thăng trầm nhưng là cái để người hâm mộ tự hào, có thể đem ra nói chuyện với các đội bóng khác. Càng hiện đại thì truyền thống, bản sắc càng quan trọng. Như khi đi nước ngoài, người ta sẽ không quan tâm nước bạn giàu hay nghèo mà chỉ muốn biết “nước tụi bay có gì hay”, đó là bản sắc, bóng đá cũng vậy.


* Cám ơn anh!


CÀ PHÊ BÓNG ĐÁ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm