Công ty khởi nghiệp Nhật Bản bắt đầu sứ mệnh lịch sử chinh phục Mặt Trăng

11/12/2022 18:18 GMT+7 | Tin tức 24h

Ngày 11/12, tàu vũ trụ của một công ty khởi nghiệp Nhật Bản đã được phóng lên Mặt Trăng.

Đây là sứ mệnh chinh phục Mặt Trăng đầu tiên của Nhật Bản và cũng là sứ mệnh đầu tiên do một công ty tư nhân nước này thực hiện.

Vụ phóng được công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk thực hiện ở Cape Canaveral, bang Florida của Mỹ, sau 2 lần trì hoãn để kiểm tra bổ sung. Tàu vũ trụ, do công ty khởi nghiệp Ispace, có trụ sở ở Tokyo sản xuất, đã được phóng lên không gian bằng tên lửa đẩy Falcon 9 vào 2h38' (giờ địa phương, tức 14h38' theo giờ Việt Nam).

Đây là phần đầu tiên trong chương trình khám phá vũ trụ, mang tên Hakuto-R (có nghĩa là "Thỏ trắng" theo tiếng Nhật).

Công ty khởi nghiệp Nhật Bản bắt đầu sứ mệnh lịch sử chinh phục Mặt Trăng - Ảnh 1.

Mặt trăng trên bầu trời nhìn từ Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp Ispace Takeshi Hakamada  khẳng định sứ mệnh đầu tiên của công ty sẽ đặt nền tảng cho việc khai phá tiềm năng của Mặt Trăng. Trước đó, chỉ có Mỹ, Nga và Trung Quốc đưa thành công robot lên bề mặt Mặt Trăng.

Theo kế hoạch, tàu vũ trụ của Ispace sẽ hạ cánh xuống phần bề mặt nhìn thấy của Mặt Trăng vào tháng 4/2023. Tàu vũ trụ này có kích thước chỉ hơn 2 x 2,5 m, gồm 1 xe tự hành nặng 10 kg, do Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sản xuất.

UAE là quốc gia mới tham gia cuộc đua chinh phục vũ trụ, song năm ngoái nước này cũng đã đưa một tàu thăm dò lên quỹ đạo Sao Hỏa. Nếu xe tự hành, mang tên Rashid, đáp thành công lên Mặt Trăng, đây sẽ sứ mệnh khám phá Mặt Trăng đầu tiên của thế giới Arab.

Ngoài xe tự hành của UAE, tàu vũ trụ của Ispace còn mang theo 2 robot do Cơ quan vũ trụ Nhật Bản sản xuất và 1 đĩa có bài hát SORATO của ban nhạc rock Sakanaction của Nhật Bản.

Công ty Ispace - gồm chỉ 200 nhân viên, cho biết mục tiêu của hãng là mở rộng phạm vi cuộc sống của con người lên không gian vũ trụ, cũng như tạo ra một thế giới bền vững, thông qua cung cấp dịch vụ vận chuyển tần suất cao, giá thành thấp lên Mặt Trăng.


TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm