CÔNG NGHIỆP Ô TÔ VIỆT NAM: 2 CUỘC CHƠI LỚN (Bài tiếp theo) - Cuộc chơi thứ hai: Khi tàu ra biển lớn

30/11/2022 15:49 GMT+7 | HighTech

999 chiếc ô tô thuần điện VF8 từ nhà máy VinFast đã xuống tàu từ cảng Hải Phòng sáng 25/11 vừa qua, dự kiến 20 ngày tới sẽ cập cảng California và bàn giao cho những khách hàng đầu tiên tại Mỹ trong tháng 12. Đây là lần đầu tiên những chiếc ô tô "made in Vietnam" bước vào thị trường thế giới trong một cuộc chơi lớn, sòng phẳng.

Năm 2006, 109 chiếc Isuzu bán tải D-max lắp ráp tại nhà máy Isuzu Việt Nam (Gò Vấp, TP.HCM) đã được xuất sang ba quốc gia nhỏ thuộc Nam Thái Bình Dương là New Caledonia, Vanuatu và Samoa. Đây là lô xe D-max xuất khẩu đầu tiên và có lẽ là duy nhất cho tới nay, vì hiện tại mẫu xe này đang bán tại Việt Nam cũng được nhập khẩu từ Thái Lan. Từ năm 2020, lượng xe xuất khẩu gia tăng với sự tham gia của tập đoàn Trường Hải, người nắm giữ các nhà máy lắp ráp Kia, Mazda lớn nhất trong khu vực. Kia Trường Hải đã xuất một số lô xe Carnival qua Thái Lan và Soluto sang Myanmar. Theo kế hoạch, từ năm 2022, Trường Hải sẽ xuất khẩu hàng năm từ 12.000-15.000 sơmi rơmoóc sang Mỹ… Khả quan hơn, song việc xuất khẩu xe hơi thành phẩm từ Việt Nam trước nay vẫn phụ thuộc vào hợp đồng đặt hàng của đối tác. Trong khi đó, xuất khẩu được Vinfast đưa thành mục tiêu chiến lược và thực hiện theo phương thức hoàn toàn khác.

CÔNG NGHIỆP Ô TÔ VIỆT NAM: 2 CUỘC CHƠI LỚN (Bài tiếp theo) Cuộc chơi thứ hai: Khi tàu ra biển lớn - Ảnh 1.

CÔNG NGHIỆP Ô TÔ VIỆT NAM: 2 CUỘC CHƠI LỚN (Bài tiếp theo) Cuộc chơi thứ hai: Khi tàu ra biển lớn - Ảnh 2.

Những chiếc xe điện "made in Vietnam" đầu tiên lên tàu đi Mỹ hôm 25/11/2022

Ngoài nhà máy lắp ráp hoàn thiện sản phẩm, để chuẩn bị cho bước xuất xưởng và giao hàng lớn này, hãng sản xuất xe điện Việt Nam đã có hàng loạt các hoạt động tiếp thị, quảng bá, khai trương và đưa vào vận hành các showroom, trung tâm dịch vụ tại Mỹ, Canada và một số thị trường châu Âu, khép kín một quy trình vận hành truyền thống của một nhà sản xuất ở qui mô quốc tế. Đó là "cuộc chơi" trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. 

Kết quả kinh doanh bước đầu được xem là khả quan. Lô xe đầu tiên này nằm trong số 65.000 đơn đặt hàng xe điện VF 8 và VF 9 trên toàn cầu. Ngay sau thị trường Mỹ, VinFast sẽ xuất khẩu các lô xe VF 8 tiếp theo tới thị trường Canada và châu Âu để kịp bàn giao cho khách hàng vào năm 2023. Ngoài nhóm khách hàng cá nhân, hãng xe điện Việt Nam cũng có được khách hàng doanh nghiệp quốc tế đầu tiên với đơn hàng 2.500 xe trong năm 2023 đến từ Autonomy, một công ty cho thuê xe lớn tại California, Hoa Kỳ.

Kết quả ban đầu này cũng cho thấy cú bẻ lái từ bỏ xe xăng và trở thành hãng xe điện 100% hồi đầu năm nay của VinFast là hợp lý. Dù khi quyết định này được đưa ra gây nhiều ý kiến, tâm trạng khác nhau trong người tiêu dùng, song có thể thấy ngay con đường cụt nếu VinFast tiếp tục sản xuất xe động cơ đốt trong từ công nghệ cũ mua lại từ thương hiệu nước ngoài nổi tiếng và tiếp tục chia sẻ miếng bánh nhỏ của thị trường trong nước. Trở thành hãng xe điện cho phép VinFast tiếp cận với mô hình mới của ngành công nghiệp ô tô – lấy công nghệ và quản lý hệ thống làm nền tảng, phù hợp với điểm xuất phát của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Tuy nhiên, mô hình mới này cũng đầy thách thức và rủi ro, đặc biệt đối với hệ thống quản lý. Để bắt kịp trào lưu công nghệ sản xuất những chiếc xe điện thông minh của mình, VinFast đã bắt tay hợp tác với rất nhiều đối tác quốc tế, từ thiết kế, giải pháp AI, sản xuất pin, sạc pin... Xe điện cũng yêu cầu một cơ sở hạ tầng đồng bộ nên ngoài hợp tác sản xuất xe, VinFast cũng phải mở rộng mạng lưới hợp tác sang các công ty điện lực, các công ty xây lắp và quản lý hệ thống sạc điện…tại nhiều quốc gia. Đó là chưa kể việc quản lý hệ thống hậu mãi bao gồm cả dịch vụ cho thuê pin ở nhiều thị trường lớn. 

Thị trường Mỹ đang hấp dẫn các nhà sản xuất xe điện, đồng thời các nhà sản xuất xe điện ngoài Mỹ (như Vinfast) cũng đang gặp phải rào cản là Đạo luật Chống lạm phát, thực chất là bảo hộ cho sản xuất trong nước Mỹ, trong đó yêu cầu tới năm 2024, các nhà sản xuất muốn bán xe điện tại Mỹ phải đảm bảo 50% nguyên liệu chế tạo pin có nguồn gốc từ Bắc Mỹ và các vùng đất thuộc Mỹ. Tỷ lệ này sẽ bị tăng lên tới 80% vào năm 2026. Trả lời hãng thông tấn Reuters về việc này, Chủ tịch VinFast, bà Lê Thị Thu Thuỷ cho biết đạo luật mới không thực sự ảnh hưởng đến chiến lược ở Mỹ của hãng xe Việt. Theo đúng tiến độ thì nhà máy VinFast tại Bắc Carolina, California, sẽ bắt đầu sản xuất từ tháng 7/2024 và xe điện sản xuất tại đây sẽ đáp ứng đủ điều kiện nói trên. 

Tesla đã phải mất 17 năm kể từ khi khởi nghiệp để bắt đầu có lãi từ bán xe điện (năm 2020) do chi phí sản xuất và các vấn đề về chuỗi cung ứng. Đi sau và nếu quản lý tốt, Vinfast sẽ rút ngắn được thời gian này. Thêm một tín hiệu tốt lành là cổ phiếu của tập đoàn mẹ, Vingroup đã tăng 5,41% đúng vào ngày lô xe VinFast đầu tiên xuất cảng.

Phan Ka

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm