Cố nhà văn Lê Bầu: Giản đơn trong tiếng cười xòa

09/11/2014 07:30 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 7/2/2009, nhà văn Lê Bầu rời khỏi cõi thế vì căn bệnh ung thư máu. Gần 5 năm sau, thật bất ngờ, độc giả vừa được “gặp lại” nhà văn Lê Bầu trong cuốn hồi ký ông đang viết dở dang Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa (NXB Kim Đồng, 2014). Cuốn sách được nhuận sắc bởi nhà văn Bùi Ngọc Tấn.

Khi cầm cuốn sách, dù chỉ dày hơn trăm trang trên tay, nhiều người bạn quen biết thân thiết với nhà văn Lê Bầu đều mang chung cảm giác xót xa, ngậm ngùi. Nhà văn Lê Bầu sinh năm 1930, cùng thế hệ với dịch giả Dương Tường, nhà văn Vũ Bão, nhà văn Bùi Ngọc Tấn…

Cố nhà văn Lê Bầu

Cô độc khắc khoải chân tình

Tôi có dịp gặp và trò chuyện với nhà văn Lê Bầu vào năm 2007, trong chuyến đi du lịch Hạ Long, Quan Lạn do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức. Đó là chuyến đi vô cùng đáng nhớ, với sự có mặt của hầu hết các cây đa cây đề trong giới văn chương đang làm việc và sinh sống tại Hà Nội.

Sau khi nhận phòng, đến giờ ăn bữa chiều, tôi đi ngang qua khu nhà Lê Bầu ở. Lúc đó có dịch giả Dương Tường, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà văn Lê Bầu, nhà báo Yên Ba đang ngồi tán gẫu. Thấy tôi là “lính mới”, nhà văn Lê Bầu gọi hỏi thăm, trêu chọc vài câu. Tôi còn đang ngơ ngẩn không biết ai với ai, thì nhà báo Yên Ba vui vẻ giới thiệu. Nghe tên ông đã lâu, lại thấy ông hiền lành dễ mến với nụ cười nhân hậu, đầu đội mũ nồi, mặc quần áo giản dị xuề xoà như lão nông Bắc Bộ xưa vừa từ đồng ruộng trở về, tôi cúi đầu chào, hỏi thăm chọc lại vài câu vui vẻ rồi lại đi. Với chúng tôi, có thể kính trọng về tác phẩm, chứ người làm nghệ thuật thì không có tuổi đời, nên không giữ khoảng cách trong cư xử. Với những nhà văn thế hệ đi trước, chơi với bọn trẻ cũng là thú vui. Như tôi và nhà thơ Dương Tường vẫn gọi nhau cậu - tớ.

Thời gian bên nhà văn Lê Bầu không nhiều, sau vài tiếng cười sảng khoái, ông lại co rút vào thế giới im lặng. Suốt thời gian 4 tiếng ngồi trên tàu từ Vân Đồn đi Quan Lạn, nhà văn Hồ Anh Thái, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Thị Minh Thái, nhà thơ Hoàng Việt Hằng, nhà văn Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ ngồi trêu đùa đọc thơ chọc ghẹo rôm rả… Trong khi đó Lê Bầu ngồi bên phụ hoạ, lúc cười ròn, lúc cười xoà. Hoàng hôn buông về biển, nhìn bóng ông đổ nghiêng nghiêng xoay hướng nhìn về phía tán phi lao mọc ven biển, đọng trong tôi sự cô độc khắc khoải đến lạ kỳ. 

Bìa cuốn “Tuổi thơ Hà Nội”

Nước mắt thương nhau

Hai năm sau, trong một lần gặp dịch giả Dương Tường, thấy vẻ mệt mỏi đau buồn trong mắt ông, tôi hỏi, mới hay nhà văn Lê Bầu bị ung thư máu đang nằm viện. Với Dương Tường, mỗi khi người bạn đồng nghiệp đồng tuổi ngã bệnh, tâm ông lại chấn động dữ dội. Thương nhà văn Lê Bầu mà không biết làm sao, Dương Tường tay run run cầm ly cà phê mà ứa nước mắt.

Thời gian ngắn sau, nhà văn Lê Bầu mất, tôi mất cả buổi sáng buồn bã nhớ lại khuôn mặt rạng rỡ nụ cười của nhà văn Lê Bầu. Bài viết của nhà văn Châu Diên về Lê Bầu đăng trên báo Thể thao&Văn hóa trong những ngày đau buồn đó sau được mang tới viếng trong đám tang ông thay lời tri ân sau cuối. Nhìn bạn thân xót xa thương cảm ông đủ thấy nhà văn Lê Bầu đã sống trọn vẹn với bạn hữu ra sao. Tình cảm của dân văn chương với nhau, nặng lòng hơn máu mủ, khó thể giãi bày ngoài nước mắt thương nhau.

Người sao, văn hiền hoà chân thành là vậy. Đọc cuốn Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa ngay từ dòng đầu tiên, trong đầu bạn sẽ mở ra một không gian xưa cũ, dịch chuyển từ thời Pháp thuộc, khi Toà Đốc lí Hà Nội cắm đất chia lô, gia đình nhà văn Lê Bầu trở thành người dân Phúc Xá Hạ đầu tiên, “sau khi rời bỏ túp lều bè ở chân đê của mình”.

Cả một miền ký ức xưa xa ùa về, với hình ảnh một cậu nhóc con sống trong chiếc lều lá cọ, sống bên dải phù sa mọc những cây chút chít, vòi voi, bỏng nổ, rau sam, rau khúc… cùng bèo Nhật nở hoa tím mặt nước với đam mê ngóng trông gánh hát xẩm, hát chèo. Thú vui của đám trẻ ngày xưa là trốn tìm, nhảy cừu, đánh khăng, chơi pháo đất… ham chơi quên giờ giấc. Và cho đến những năm 80 thế kỷ trước, trên đê sông Hồng, bọn trẻ thế hệ 8X chúng tôi vẫn thích những trò này.

Hồi ký được nhà văn viết lặng lẽ vào năm 2002, người bạn thân luôn nhắc nhở ông đừng để việc kiếm tiền bằng báo chí hay dịch thuật cuốn đi mà quên viết.

Nhà văn Lê Bầu viết theo kiểu vừa nhớ đến đâu ghi lại đến đấy nên cuốn sách mang vẻ giống một cuốn biên niên với những sự kiện giản đơn về cư xử với nhau của hàng xóm láng giềng, đồ ăn ưa thích, hay cật vấn của mẹ với cậu bé ham vui… Tất cả đều mang đậm sự chân thành gợi mở để bất cứ ai đọc cũng thấy lại tuổi thơ xưa xa của chính mình với nhiều nhung nhớ bồi hồi.

Nhà văn – dịch giả Lê Bầu (sinh năm 1930 tại tỉnh Hưng Yên).

Các tác phẩm viết: Thông reo, Đi thực tập, Dòng sữa trắng, Hoàng hậu Vàng Anh, Đèn kéo quân, Sau mươi ngày đêm giữ chợ Đồng Xuân, Ngã ba cô đơn, Độc hành...

Các tác phẩm dịch: Tể tướng Lưu Gù, Quê cũ, Thành phố hoa, Hoài niệm sói...

Giải thưởng văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004 cho tiểu thuyết Quỷ thành. Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội cho tiểu thuyết dịch Trở về.


PV
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm