“Cố gắng tìm tín hiệu vui sau câu chuyện buồn về 42 tỷ”

13/09/2011 08:04 GMT+7 | Phim

“Hãy cố gắng tìm ra một tín hiệu vui trong câu chuyện không đáng có này”- Đó là cách những nghệ sỹ, những người làm phim đang đối diện với vụ bê bối để thất thoát 42 tỷ đồng của Cục Điện ảnh.

Điện ảnh Việt Nam vốn vẫn nổi tiếng bởi sự nghèo nàn, lạc hậu. Chính vì thế, thông tin Cục Điện ảnh để thất thoát 42 tỷ đồng khiến cả giới làm phim bàng hoàng, choáng váng. Không ít người đã lặng đi vì chua xót. Không ít đạo diễn nhớ lại hành trình gian khổ đi xin tiền tài trợ làm phim. Và họ nói gì về việc để thất thoát 42 tỷ đồng và việc những lãnh đạo ngành Điện ảnh đã phải viết đơn xin từ chức?

NSND Trà Giang



NSND Trà Giang (Ảnh chụp từ poster phim Chị Tư Hậu)

Tôi chỉ có thể nói rằng, tôi quá buồn khi nghe câu chuyện này. Đây là tin buồn với tất cả những ai làm nghề, tin buồn với cả nền điện ảnh. Chỉ hy vọng rằng, sau sự việc này sẽ có cơ chế mới, cái nhìn mới, hướng đi mới với điện ảnh. Điện ảnh chúng ta đang gặp khó khăn và càng khó khăn hơn sau câu chuyện này. Dù thế, tôi vẫn không muốn mình có cái nhìn bi quan với điện ảnh, vẫn hy vọng một ngày nào đó, điện ảnh có thể đứng dậy, vươn vai, và phát triển.

Đạo diễn- NSƯT Thanh Vân

Chẳng ai có thể vui được trước những thông tin về việc thất thoát 42 tỷ của Cục Điện ảnh cũng như việc các lãnh đạo Cục đệ đơn xin từ chức. Với tất cả những người làm nghề, đó là một tin buồn. Tuy nhiên, hãy cố gắng tìm một tín hiệu vui từ câu chuyện bi thảm này. Hãy nghĩ rằng, biết đâu hệ thống cũ khi sụp đổ sẽ xuất hiện những nhân tố mới, những con người mới, những cơ chế mới tốt hơn đủ sức vực nền điện ảnh đứng dậy.



Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân


Tôi không bình luận về con số 42 tỷ, đó cũng không phải là công việc của tôi. Và theo tôi, cũng chẳng nên bàn thêm về một chuyện đã xảy ra. Tất cả đã là một đống tro tàn. Thay vì đào bới, soi xét và bình phẩm về đống tro tàn, ta hãy xem xem, liệu có thể xây dựng được gì, liệu có thể tìm ra được gì khả quan từ đống tro tàn ấy.

Đạo diễn- NSƯT Lưu Trọng Ninh

Với tôi, đó là sự sụp đổ tất yếu của một cơ chế. Đây không phải là câu chuyện 42 tỷ. Đây là câu chuyện của cơ chế xin-cho. Vì cơ chế xin cho mới có việc làm giả hồ sơ, mới có việc thất thoát tiền. Mọi người đừng quá hoảng hốt khi nghe đến con số 42 tỷ. Con số ấy không nguy hiểm, cơ chế lạc hậu đang vận hành nền điện ảnh của chúng ta mới thực sự nguy hiểm.
Tôi không bất ngờ khi nghe câu chuyện này. Những việc như thế hoàn toàn tiên liệu được. Và việc thất thoát nhiều tỷ đồng đâu chỉ xảy ra với nền Điện ảnh? Nó xảy ra với nhiều ngành nghề khác, và với những con số còn lớn hơn nhiều.
 


Đạo diễn Lưu Trọng Ninh


42 tỷ đồng cũng chỉ là con số được công bố thôi. Còn hàng trăm tỷ đồng khác chi ra làm phim, làm phim xong cất kho, để mốc, đấy có phải là sự thất thoát không?

Còn nhiều tỷ đồng khác bị phung phí mà không được nói ra.

Đừng bàn về con số 42 tỷ. Con số ấy chẳng có gì đáng sợ nếu so sánh với cơ chế tạo ra sự thất thoát tiền của mỗi năm. Cũng khó có thể hy vọng vào những nhân tố mới, những hướng đi mới có thể làm thay đổi bộ mặt điện ảnh. Với điện ảnh, muốn phát triển nó phải cần đến cả một chiến lược giống như Hàn Quốc đã làm. Khi đó, điện ảnh sẽ là câu chuyện của Nhà nước, của Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch, chứ không chỉ là câu chuyện của riêng những người làm Điện ảnh.


Từ sự việc xin từ chức của ông Lại Văn Sinh- Cục trưởng Cục Điện ảnh và ông Lê Ngọc Minh- phó Cục trưởng, đã có thông tin cho rằng, bà Ngô Phương Lan hiện là Cục phó Cục hợp tác quốc tế sẽ được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Điện ảnh VN. Tuy nhiên, theo ông Tô Văn Động- người phát ngôn của Bộ VH- TT- DL, những thông tin đó là không có cơ sở, Bộ chưa có sự phân bổ nhân sự nào khi chưa kết thúc công việc điều tra tại Cục Điện ảnh. Ban thanh tra của Bộ VH-TT-DL sẽ kết thúc cuộc điều tra tại Cục Điện ảnh vào ngày 22/9 tới. Khi đó, trách nhiệm của ông Lại Văn Sinh và ông Lê Ngọc Minh sẽ được làm rõ. Bà Ngô Phương Lan hiện đang có chuyến công tác tại nước ngoài.

Ông Lại Văn Sinh từng giữ chức Giám đốc hãng phim Tài liệu, Khoa học TW trước khi trở thành Cục trưởng Cục Điện ảnh. Khi ở vị trí đạo diễn của hãng phim Tài liệu & Khoa học TW, ông Lại Văn Sinh đã có nhiều bộ phim tài liệu được quan tâm, trong đó điển hình là bộ phim Chị Năm "khùng". Ông Lê Ngọc Minh ở vị trí phó Cục trưởng Cục Điện ảnh còn được biết đến với tư cách một biên kịch. Ông Lê Ngọc Minh có nhiều kịch bản phim truyền hình đã được sản xuất. Năm 2011, ông Lê Ngọc Minh có tên trong danh sách những biên kịch được xét duyệt giải thưởng Nhà nước.




Theo Dân trí

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm