CK ngày 4/9: Kịch tính trên sàn Hà Nội

04/09/2008 17:27 GMT+7 | Thế giới

Một phiên “đẹp” để tạo ra cơ hội cho các quyết định bán ra giá cao vào đầu phiên, hợp lý cho quyết định mua vào ở thời điểm đảo chiều và màu xanh kết thúc phiên vẫn được duy trì
Một phiên đầy biến động trên sàn Hà Nội, cả về điểm số, khối lượng và giá cổ phiếu.

Mở cửa phiên giao dịch hôm nay, thị trường chứng kiến sức tăng mạnh mẽ của chỉ số HASTC-Index trên sàn Hà Nội. Trong vòng 10 phút đầu tiên, chỉ số này nhanh chóng hoàn tất mục tiêu vượt 200 điểm mà một số công ty chứng khoán đề cập đến ở cuối tuần qua.

Từ mốc 194 điểm, HASTC-Index nhanh chóng đạt gần 203 điểm khi giá cổ phiếu tại đây đồng loạt tăng mạnh, tăng tới 9 điểm. Nhưng 10 phút đầu tiên đó cũng là thời điểm “thăng hoa” của phiên, bởi ngay sau đó, khi có kết quả đợt khớp lệnh mở cửa tại sàn Tp.HCM (với mức tăng thận trọng), sự thoái trào xuất hiện.

Cùng thời điểm đợt khớp lệnh liên tục trên sàn Tp.HCM, chỉ số HASTC-Index trải qua những biến động kịch tính, liên tục đổi màu và có lúc giảm gần 2 điểm so với mức đóng cửa phiên hôm qua. Giá cổ phiếu tại đây cũng liên tục biến động khá mạnh, đặc biệt là sự giằng co giữa các mức tăng của nhóm cổ phiếu lớn.

Kết thúc phiên, HASTC-Index bật trở lại, vươn tới gần 198 điểm và chung cuộc chỉ tăng nhẹ 0,57 điểm, dừng ở mức 194,87 điểm. Thị trường có 114 mã tăng nhưng chỉ còn lại chưa đầy 40 mã tăng trần và có 32 mã giảm điểm, 1 mã không có giao dịch.

Tăng giá mạnh nhất là HPC với mức tăng 3.000 đồng/cổ phiếu (6,99%); kế đến là GHA cùng tăng 3.000 đồng (6,98%); VC3 tăng 2.200 đồng (6,98%); BCC tăng 1.500 đồng (6,98%); S12 tăng 1.600 đồng (6,96%)… Giảm mạnh nhất là DTC khi mất 9.400 đồng (giảm 7%); kế đến là CDC giảm 5.900 đồng (6,99%); BHV giảm 3.800 đồng (6,99%); KKC giảm 7.800 đồng (6,96%); HLY giảm 5.700 đồng (6,95%)...

Sau phiên sụt giảm mạnh về khối lượng, giao dịch đã thực sự sôi động trở lại tại HASTC. Khối lượng giao dịch đạt tới trên 15,4 triệu cổ phiếu, vượt trội so với 6,67 triệu của phiên liền trước, giá trị đạt gần 749 tỷ đồng.

Về kết quả trên, một số nhà đầu tư cho rằng đó là điều họ mong đợi. Một phiên “đẹp” để tạo ra cơ hội cho các quyết định bán ra giá cao vào đầu phiên, hợp lý cho quyết định mua vào ở thời điểm đảo chiều và màu xanh kết thúc phiên vẫn được duy trì, củng cố thêm niềm tin vào thị trường thời điểm này. Mặt khác, khối lượng tăng mạnh trở lại cho thấy cung – cầu đã gặp nhau, mua vào thuận lợi hơn phiên kìm hàng liền trước.

Sự đột biến của khối lượng cũng là điểm nổi bật trên sàn Tp.HCM hôm nay. 31,5 triệu đơn vị là một sự choáng ngợp nếu so với hơn 15 triệu của phiên hôm qua; thị trường trở lại với sự sôi động đỉnh điểm cuối tháng 8 vừa qua. Giá trị giao dịch cũng đã đánh dấu mốc vượt 1.000 tỷ đồng, đạt 1.221 tỷ đồng.

So với phiên hôm qua, thị trường mở cửa sáng nay khá thận trọng khi mức tăng của chỉ số VN-Index chỉ là 1,47 điểm. Và trong đợt 1, 9,7 triệu đơn vị giao dịch thành công cũng đã hé mở một sự khác biệt.

Trước hết, đó là mức tăng của VN-Index, chỉ thêm 3,42 điểm, lên 558,56 điểm, chưa tròn mốc 560 điểm. Lượng mã giảm đã tăng lên và dư bán đã xuất hiện dày hơn trên bảng điện tử. Kết thúc phiên có 104 mã tăng giá, 46 mã giảm và 10 mã ở giá tham chiếu.

Trong Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thì chiếm một nửa là những thành viên giảm giá. Đó là DPM, ITA, PPC, VIC và HPG cùng giảm giá, níu đà tăng của VN-Index. Trong khi đó PVD phiên thứ hai liên tiếp giữ giá tham chiếu.

Trong nhóm Top 10 nói trên, FPT vẫn là đầu tàu tăng giá mạnh. Đây cũng là một trong những mã tăng giá mạnh nhất của đợt phục hồi này; hiện đã lên tới 133.000 đồng/cổ phiếu (tăng trần thêm 6.000 đồng). SSI cũng là mã tiếp tục đón giá trần, thêm 3.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất sàn là VNM có thêm mức tăng như hôm qua, tăng trần 5.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó VPL và STB chỉ tăng nhẹ 1.000 đồng và 500 đồng/cổ phiếu.

Đà tăng mạnh nhất về tỷ lệ hôm nay có ở 8 mã, cùng chiếm hết biên độ 5% cho phép, gồm DIC, HBC, ICF, KHA, SSI, TCM, TNA và VIP.

Ở hướng ngược lại, mức giảm mạnh nhất thuộc về TDH (giảm 10.000 đồng/cổ phiếu, ứng với tỷ lệ 12,82%) do thực hiện ngày giao dịch không hưởng quyền để trả cổ tức đợt 2/2007 bằng cổ phiếu (tỷ lệ 10%) và tạm ứng cổ tức đợt 1/2008 bằng tiền (tỷ lệ 15%).

Mức giảm giá mạnh nhất về giá trị tuyệt đối thuộc về BMC và TCT, cùng giảm 8.000 đồng/cổ phiếu. Một cổ phiếu giảm khá mạnh thời gian gần đây là KMR tiếp tục mất thêm 900 đồng/cổ phiếu…

Qua phiên hôm nay, hướng tăng điểm của các chỉ số vẫn được duy trì, nhưng sự chọn lọc đã dần trở lại. Điểm nổi bật là sự sôi động về khối lượng đã trở lại, tạo tính thanh khoản cao.

Hiện những thông tin mới có thể tác động mạnh và trực tiếp đến thị trường đang hạn chế, sau loạt thông tin tích cực cuối tháng 8. Nhưng môi trường chung để chứng khoán tiếp tục phục hồi vẫn được kỳ vọng ở chuyển biến kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, liên tục hai ngày vừa qua, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang có kế hoạch rà soát lại một số hoạt động tín dụng với mục đích tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp; cụ thể là nguồn vốn ngoại tệ và vốn cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ở một chuyển động khác, khi thị trường đã tăng trở lại, một số ngân hàng thương mại, cũng như từ phía nhà đầu tư, đã bắt đầu nối lại hoạt động vay vốn để tham gia thị trường. Lãi suất cao và hạn mức tín dụng vẫn là hai rào cản lớn, nhưng sự phục hồi ấn tượng trong tháng 8 và triển vọng tiếp tục phục hồi là một động lực để hoạt động này sôi động hơn, thị trường cũng được tiếp thêm những nguồn vốn mới.
 
(Theo VnEconomy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm