CK ngày 29/8: Bất ngờ trên sàn Hà Nội

29/08/2008 15:00 GMT+7 | Thế giới

Bất ngờ xẩy ra từ thời điểm 10h20, khi hàn thử biểu của sàn Hà Nội có dấu hiệu gượng lại rồi tăng khá mạnh.
Sàn Hà Nội hôm nay chỉ cần hơn 30 phút cuối của phiên để tạo một bất ngờ ấn tượng.

Phiên giao dịch hôm nay mở đầu với đà giảm mạnh của hai chỉ số VN-Index và HASTC-Index. Nhưng, khép lại một tuần giao dịch đầy biến động và là phiên cuối cùng của tháng 8, trước thềm kỳ nghỉ lễ 2/9 khá dài, HASTC-Index đã kịp lấy lại màu xanh ở những phút cuối; trong khi VN-Index không làm được điều tương tự.

Trong phần lớn thời gian của phiên, chỉ số HASTC-Index duy trì mức giảm trên 5 điểm; mốc 180 điểm tưởng chừng mất qua phiên này.

Bất ngờ xẩy ra từ thời điểm 10h20, khi hàn thử biểu của sàn Hà Nội có dấu hiệu gượng lại rồi tăng khá mạnh. Những phút cuối, chỉ số này liên tục thay đổi quanh mốc 190 điểm và kết thúc ở mức 192,43 điểm, ấn định mức tăng 7,28 điểm.

Sau một phiên mất điểm, chỉ số HASTC-Index đã tăng trở lại, vượt trên 190 điểm, tạo đỉnh trong một tháng đầy sôi động và phục hồi mạnh. Khối lượng giao dịch tại đây hôm nay vẫn ở mức cao, đạt tới 18,1 triệu cổ phiếu, trị giá 856,56 tỷ đồng.

Trên sàn Tp.HCM, chỉ số VN-Index cũng có dấu hiệu giảm tốc sau mức giảm trên 15 điểm đầu phiên. Nhưng chung cuộc, chỉ số này giảm 8,59 điểm, còn 539,1 điểm. Khối lượng vẫn là một điểm nổi bật, với gần 33,2 triệu đơn vị, giá trị giao dịch đạt 1.456 tỷ đồng.

Đây là phiên giảm điểm nối tiếp của thị trường, khi sự điều chỉnh tiếp tục là mạch chủ đạo trên bảng điện tử. Đây cũng là phiên đánh dấu sự tiếp bước của một số mã tưởng chừng tăng giá trong suốt tháng 8 này, nhưng không thể trọn vẹn ở phiên cuối cùng.

Trong phiên trước, thị trường chứng kiến sự cắt cơn tăng mạnh của nhiều cổ phiếu, trong đó nổi bật là BMC và TCT (cùng tạo mức giảm 8.000 đồng/cổ phiếu, và lặp lại trong phiên hôm nay). Phiên này, đến lượt FPT và SJS, hai cổ phiếu lớn và thuộc nhóm có đà tăng trần nối dài nhất trong hơn một tháng trở lại đây.

Đầu phiên, blue-chip tăng giá mạnh nhất của tháng là FPT đã giảm mạnh, xuống giá sàn, mất 5.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng, đó cũng là cơ hội hiếm hoi để lệnh săn mua mã này có thể khớp được mức giá thấp đó. Bởi từ nửa cuối của phiên, giá FPT bắt đầu lội ngược dòng và kết thúc thành công về giá tham chiếu. Đà tăng giá mạnh của FPT chính thức "cắt cơn", nhưng giá trị đã tạo được vẫn được bảo toàn.

SJS, sau chuỗi tăng giá trần mạnh cũng đã chính thức có sự đứt gãy trên biểu đồ hiện thị giá trong phiên này. Có thời điểm giá SJS giảm tới 4.000 đồng/cổ phiếu. Và dù không thành công như FPT, SJS cũng đã có sức bật khá mạnh để chỉ giảm chung cuộc 1.000 đồng/cổ phiếu.

Điểm lại, sự trọn vẹn nhất trên sàn niêm yết nhất qua phiên này, phiên cuối cùng của tháng 8, là DDM của Công ty Cổ phần Hàng Hải Đông Đô. Cổ phiếu này tham gia niêm yết tại HOSE từ ngày 22/7. Từ đó tới nay, giá cổ phiếu này chỉ biết đến tăng trần, liên mạch.

Từ mức giá định hình qua phiên giao dịch đầu tiên là 16.800 đồng/cổ phiếu, giá DDM đến phiên hôm này đã lên đến 44.300 đồng/cổ phiếu. Nếu so với giá khởi điểm (14.000 đồng), giá cổ phiếu này đã tăng gấp 3 lần – một kỷ lục của một cổ phiếu tham gia niêm yết mới trong năm 2008.

REE, một thương hiệu lâu năm nhất của sàn chứng khoán cũng trở nên nổi bật trong phiên này. Nếu BMC, TCT, VIS, FPT, SJS, SAM… lần lượt mất đà tăng giá thì REE vẫn vững vàng đón phiên tăng trần thứ 12 liên tiếp. Cùng với REE là SSI tiếp tục giữ sức tăng trần, thêm 3.000 đồng/cổ phiếu.

Và so với phiên trước, màu xanh đã trở lại sàn dày hơn, có ở 60 mã (so với 38 mã). Nhóm mã giảm giá vẫn chiếm số đông với 87 thành viên, trong đó có hầu hết những cổ phiếu có ảnh hưởng lớn tới VN-Index, như VNM, PVD và VIC cùng giảm sàn mất 5.000 đồng/cổ phiếu; VPL giảm nhẹ 1.000 đồng; STB, HPG, PPC, VSH, ITA… cùng giảm giá sàn. Còn lại là 13 mã nằm ở giá tham chiếu.

Trong phiên hôm nay, thông tin được giới đầu tư chú ý nhất là quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, trong ngắn hạn, dự tính của một số nhà đầu tư về khả năng giảm lãi suất này, gián tiếp giảm bớt gánh nặng chi phí vay vốn của doanh nghiệp, chưa thể hiện thực.

Với mục tiêu kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước chủ trương tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt; lãi suất cơ bản vẫn giữ nguyên mức 14%/năm như từ ngày 11/6 vừa qua.
(Theo VnEconomy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm