19/08/2008 16:48 GMT+7 | Thế giới
Trên 51 triệu đơn vị giao dịch thành công, hơn 2.000 tỷ đồng được đổ vào thị trường trong phiên đột biến này.
Những con số trên đưa phiên giao dịch ngày 19/8 trở thành một trong những phiên sôi động nhất từ trước tới nay của thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ riêng gần 17 triệu đơn vị với gần 703 tỷ đồng trên sàn Hà Nội cũng đã đủ để “ngang hàng” với phiên giao dịch mạnh liền trước trên sàn Tp.HCM.
Những con số trên cũng gợi lại nhận định cuối tuần qua của một số công ty chứng khoán: lượng cung của thị trường đang bị dồn ép chờ một mức lợi nhuận tối đa trong đợt phục hồi này.
Và phiên hôm nay là một gợi mở cho sự dồn ép đó; ngược lại, cầu mua vào khó khăn những phiên vừa qua, đặc biệt từ cuối tuần trước cũng đã có một phiên thỏa mãn.
Giá trị hơn, xu hướng đi lên vẫn đang nghiêng về bên mua. Chỉ số tại hai sàn cùng vượt qua một phiên bán ra mạnh.
Đợt 1, khối lượng giao dịch tiếp tục có tín hiệu tăng lên như phiên liền trước, đạt hơn 7 triệu đơn vị; VN-Index vẫn thể hiện sức tăng mạnh khi có thêm 12,46 điểm và chạm mốc 520 điểm.
Từ đợt 2, điểm hẹn bán ra chốt lời xuất hiện, tạo một phiên giao dịch choáng ngợp về khối lượng. 30 triệu đơn vị là mốc xác định trong đợt này. Lượng cung đột biến cũng là nguyên nhân chính tạo một sự phân hóa trải rộng trên bảng điện tử, nhiều mã đã quay đầu, trong đó có nhiều cổ phiếu lớn. Từ đây, VN-Index giảm tốc, chỉ tăng 2,02 điểm.
Kết thúc phiên, thị trường hoàn thành một trong những phiên có tính thanh khoản cao nhất trong lịch sử. 34,2 triệu đơn vị giao dịch thành công, ứng với 1.338 tỷ đồng đã vào cuộc.
Kết quả trên tiếp tục tạo hưng phấn cho nhiều nhà đầu tư, nhất là sự trụ vững của điểm số chung sau một phiên xả hàng lớn. Chênh lệch quanh 20% là tỷ lệ mà nhiều người có được sau đợt tăng liên tiếp 10 phiên của VN-Index, cũng như của nhiều mã trên sàn.
Thị trường đã trở về với một phiên giằng co, thay cho sự đi lên áp đảo trước đó. Lượng mã giảm đã trở thành số đông với 82 thành viên, lượng mã tăng chỉ còn lại 63 mã và 15 mã ở giá tham chiếu.
Trong phiên thử thách lớn này, vai trò của những cổ phiếu lớn trở nên nổi bật và tạo được giá trị cho VN-Index. Đó là FPT, cổ phiếu đang dần tìm lại thời hoàng kim, tiếp tục tăng giá trần thêm 4.000 đồng/cổ phiếu. STB cũng là một lực đẩy quan trọng, tăng giá hết sức để cùng hỗ trợ chỉ số chung.
Nhưng cổ phiếu có ảnh hưởng lớn khác như VIC, PVD, PPC, SSI, HPG, VSH… cũng đều thể hiện được vai trò của mình, tiếp tục lấy thêm những mức giá mới, dù sức tăng một số mã đã chậm lại.
Những cổ phiếu khác như SJS, REE, SAM, BMC, TCT, TAC, TDH, VIS, DDM, LBM… cũng tạo nên một nhóm hiện tượng trên sàn, bởi trong đó có những thành viên đang hướng đến thành tích 20 phiên tăng giá trần liên tiếp, cũng như sở hữu mức tăng giá cao nhất về giá trị tuyệt đối (TCT tăng 6.000 đồng/cổ phiếu), nhưng vẫn ở thế khó mua vào.
Ngược lại, trong 82 mã giảm phiên này có mặt nhiều cổ phiếu có ảnh hưởng lớn. Tiêu biểu là VNM, cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất trên sàn hiện nay, giảm nhẹ 1.000 đồng/cổ phiếu. Hai thành viên của Top 10 vốn hóa lớn nhất sàn Tp.HCM là ITA và VPL cũng giảm khá mạnh, trong đó ITA giảm sàn mất 4.000 đồng/cổ phiếu. DPM không vượt qua được phiên thử thách, giá đã giảm 2.500 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, DHG sở hữu mức giảm giá lên tới 7.000 đồng/cổ phiếu.
Một hiện tượng tiếp tục thu hút sự chú ý của giới đầu tư trong phiên thử thách hôm nay là sự đứng vững và không nao núng của BBT, cổ phiếu vừa trải qua những khó khăn lớn từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết). Giá BBT tiếp tục nối tiếp một phiên tăng trần và không còn dư bán.
Hiện tại, VN-Index đã đánh dấu 10 phiên tăng điểm liên tiếp, đạt 511,53 điểm sau khi tăng thêm 3,48 điểm. Sức tăng mạnh mẽ tạm thời chững lại qua phiên bán ra mạnh này, nhưng hướng đi lên tiếp tục được duy trì. Đặc biệt, hơn 34 triệu đơn vị đã được giải tỏa cũng giảm bớt áp lực dồn nén nguồn cung những phiên tới.
Tại sàn Hà Nội, 17 triệu cổ phiếu giao dịch thành công cùng gần 703 tỷ đồng vào sàn cũng đã tạo sự choáng ngợp với nhiều nhà đầu tư. HASTC-Index tiếp tục lên điểm, nhưng tương tự như VN-Index trên sàn Tp.HCM, đà tăng đang chậm lại, chỉ thêm 1,58 điểm, đạt 159,51 điểm.
Tại đây, sự phân hóa, giằng co cũng đã thể hiện rõ, nhưng có sự cân bằng giữa hai nửa tăng và giảm giá (có 70 mã giảm, 73 mã tăng, 2 mã ở giá tham chiếu và 1 mã không có giao dịch).
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất