Chứng khoán ngày 7/7: Rút lui hay cơ hội mua vào?

07/07/2008 18:35 GMT+7 | Thế giới

Chấn động mạnh của lượng hàng bán ra đặt quyết định của nhiều nhà đầu tư trước lựa chọn khó khăn: Rút lui hay tiếp tục nhập cuộc?

Tuần giao dịch mới khởi đầu suôn sẻ khi VN-Index tăng khá mạnh 8,81 điểm trong đợt 1. Diễn biến trên gợi hy vọng có thể tái lập mốc 450 điểm, khi mức hiện hữu đã là 448,49 điểm.

Tuy nhiên, sự đột biến của khối lượng ngay trong đợt giao dịch đầu tiên đã báo hiệu một phiên xả hàng mạnh: trên 6 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được bán ra, gần bằng khối lượng của cả một phiên găm hàng trước đó.

Con số trên tạo một bước đại nhảy vọt lên 22,5 triệu đơn vị trong đợt 2, thị trường đón những chấn động kịch tính của đà bán ra cũng như lệnh vào sàn nâng đỡ. Ngay ở nhiều mã, sự giằng co trở nên căng thẳng đến phút cuối.

Và cũng trong đợt 2, VN-Index chính thức đảo chiều, giảm 7,36 điểm. Tốc độ giảm chậm lại vào cuối phiên, VN-Index dừng ở 435,89 điểm, mất 3,79 điểm. Khối lượng đánh dấu đỉnh cao 26,2 triệu đơn vị, trị giá 870 tỷ đồng.

Một phiên giao dịch sôi động và kịch tính. Sự đảo chiều xuất hiện, dù không bất ngờ nhưng có thể tạo nên sự hụt hẫng.

Không bất ngờ bởi thị trường đã có 10 phiên tăng điểm liên tiếp, chênh lệch lớn thúc đẩy các quyết định chốt lời. Điểm đáng chú ý là trong khối lượng ồ ạt bán ra phiên này có nhiều lệnh lớn, thuộc các tổ chức.

Nếu hoạt động chốt lời của nhà đầu tư cá nhân, chủ yếu quy mô nhỏ, diễn ra, sức đè thị trường khó dẫn tới kết quả đảo chiều trong phiên hôm nay. Thực tế này đã có ở hai phiên cuối tuần trước. Nhưng khi các tổ chức cụ thể hóa lợi nhuận, đặc biệt với thị trường quy mô nhỏ như hiện nay, nỗ lực đi lên bị dập tắt.

Thống kê cuối phiên cho thấy có tới gần 42 triệu đơn vị đặt bán, tăng tới 252% so với phiên liền trước, trong khi chỉ có 35,7 triệu đơn vị đặt mua.

Ngoài mục đích bán ra cụ thể hóa chênh lệch, quyết định xả hàng của tổ chức có thể dẫn đến suy tính: Đó là quyết định “đè giá” để mua vào hay là sự rút lui báo hiệu một đợt điều chỉnh? Một câu hỏi khó để nhà đầu tư quyết định đặt niềm tin vào một đợt sóng mới hoặc sốt ruột với lượng chứng khoán đang nắm giữ.

Nếu nhìn vào kết quả giao dịch của khối đầu tư nước ngoài, câu trả lời có thể tích cực. Phiên này họ xác định là một cơ hội để mua vào, giá trị mua trong giao dịch khớp lệnh tạo một kỷ lục trong nhiều tháng qua, đạt 356,5 tỷ đồng (nếu ở thời điểm giá chứng khoán cao, đây là một kỷ lục thực sự của lịch sử khi có tới gần 8,5 triệu đơn vị được khối này mua vào). Và họ chỉ bán ra 58,5 tỷ đồng giá trị.

Với giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, có thể nhận định có một nỗ lực nâng đỡ bất thành trong phiên này.

Trên bảng điện tử, thế trận đã hoàn toàn đảo ngược khi dư mua trống hẳn và dư bán lại tràn ngập. Lượng mã giảm cũng đã áp đảo tới 129 thành viên và chỉ cón lại 18 mã tăng, 10 mã giữ được giá tham chiếu.

Nhưng, trong những bất lợi đó, những tên tuổi lớn vẫn khẳng định giá trị để giúp VN-Index tránh được một phiên giảm điểm mạnh. Vẫn là ITA tiếp tục tăng giá trần, đặc biệt là SSI vẫn vững vàng lên giá và sự góp sức của HPG, DPM.

Sau phiên này, sự hứng khởi của nhiều nhà đầu tư có thể “khớp” và thận trọng trong phiên ngày mai – phiên có ảnh hưởng lớn đến quyết định của nhiều nhà đầu tư; nhiều khả năng sẽ có một điểm hẹn bán ra bảo toàn thành quả của đợt tăng 10 phiên trước đó.

Tại sàn Hà Nội, khối lượng giao dịch cũng tạo một bước đại nhảy vọt, lên tới trên 17 triệu đơn vị, trị giá 424 tỷ đồng. Với cách tính bình quân, giá nhiều cổ phiếu tại đây vẫn có được màu xanh, dù xu hướng giảm thể hiện rõ cuối phiên. Tính chung vẫn có 100 mã tăng giá và chỉ có 24 cổ phiếu giảm giá.

HASTC-Index phả ánh xu hướng của thị trường, giảm nhẹ 0,77 điểm, còn 124,78 điểm.
 
(Theo VnEconomy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm