CK ngày 5/9: Sự thoái trào của những đỉnh điểm

05/09/2008 15:47 GMT+7 | Thế giới

Thời gian gần đây thị trường xuất hiện khá nhiều thông tin thông báo bán ra của các tổ chức và cá nhân với khối lượng lớn.
Phiên cuối tuần, thị trường giảm điểm tại cả hai sàn. Với tâm lý chung của nhà đầu tư, đây là phiên điều chỉnh bình thường, khi thị trường đã trải qua một tháng tăng trưởng mạnh, những thông tin tích cực cũng đã chuyển nhiệt vào sàn. Đây là thời điểm để có thể cơ cấu lại danh mục, mua vào những cổ phiếu tốt với những mức giá điều chỉnh, hoặc chốt lời ở những mã đã tạo chênh lệch lớn.

Trên sàn Tp.HCM, phiên hôm nay đánh dấu điểm dừng tạm thời của một số mã sinh lời tốt nhất trong thời gian qua. Tiêu biểu là sự đảo chiều của FPT và DDM.

Với FPT, đây là phiên giảm điểm đầu tiên sau tròn một tháng chỉ biết đến tăng giá, ngoài phiên đứng giá ngày 29/8 vừa qua. Hiện còn 127.000 đồng/cổ phiếu sau khi giảm sàn mất 6.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là phiên đầu tiên sau một tháng tròn mã này không có dư mua và có dư bán khá lớn.

Điểm lại, FPT khởi động đợt tăng mạnh này từ phiên giảm điểm gần nhất là ngày 5/8 với mức giá 65.000 đồng/cổ phiếu. Và nay, sau đúng 1 tháng, giá cổ phiếu này đã tăng gấp đôi, trở thành điển hình của sức tăng trưởng chứng khoán trong tháng 8 và cũng là điển hình cho sự hấp dẫn của thị trường. Mức chênh lệch gần 100% thường chỉ có thể tạo ra ở thời thăng hoa cuối năm 2006 đầu năm 2007, vượt qua cả sự ấn tượng của TSC từ hồi tháng 6, và là mức chênh lệch mà lãi suất ngân hàng, thị trường vàng đầu tư hay kênh gửi vốn khác khó có thể tạo được.

Tương tự, đây cũng là phiên đánh dấu sự đứt gãy đầu tiên trên biểu đồ giá của DDM, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Hàng hải Đông Đô. Cổ phiếu này chào sàn Tp.HCM ngày 22/7 với giá tham chiếu 14.000 đồng/cổ phiếu và chỉ biết đến tăng giá, phần lớn đạt giá trần, cho đến phiên hôm nay.

Lần đầu tiên DDM biết đến giảm giá sàn và trống dư mua, thừa dư bán. Nhưng đà tăng của cổ phiếu này đang là một thách thức lớn đối với các cổ phiếu mới tham gia niêm yết trong năm 2008. Từ mức giá tham chiếu 14.000 đồng/cổ phiếu, DDM vươn tới mốc cao nhất là 48.800 đồng/cổ phiếu; giá đóng cửa phiên liền trước là 48.500 đồng, giá hiện tại là 46.100 đồng sau khi giảm sàn mất 2.400 đồng/cổ phiếu. Mức giá cao nhất của cổ phiếu này so với giá tham chiếu đã tạo chênh lệch hơn 3 lần.

Trước FPT và DDM, thị trường cũng đã chứng kiến sự thoái trào của những đỉnh điểm tăng giá khác như TSC, TCT hay BMC, VIS…

Về phiên giao dịch hôm nay, chỉ số VN-Index thuận chiều giảm từ đầu phiên, từ mức điểm bị mất 7,21 điểm trong đợt 1 đến 11,9 điểm giảm kết thúc phiên. Chỉ số này hiện ở mức 546,66 điểm.

Khối lượng giao dịch hôm nay đã giảm trở lại, thấp hơn khoảng 10 triệu đơn vị so với phiên trước, còn 22,7 triệu đơn vị, trị giá 900,38 tỷ đồng.

Liên quan đến dữ liệu giao dịch, thời gian gần đây thị trường xuất hiện khá nhiều thông tin thông báo bán ra của các tổ chức và cá nhân với khối lượng lớn. Từ đây, một lo ngại có tình trạng “giải chấp” từ các tổ chức và chính doanh nghiệp có hoạt động đầu tư chứng khoán nhằm tranh thủ sự phục hồi của thị trường, bù đắp cho kết quả kinh doanh cuối năm 2008.

Lo ngại trên hiện còn những nhận định khác nhau. Còn trên thực tế, một loạt thông tin liên quan các giao dịch bán ra gần đây là một mạch đáng chú ý. Như VOF Investment Limited bán 133.810 cổ phiếu DMC, Sacombank bán 165.000 cổ phiếu VTO, PVFC bán tiếp 500.000 cổ phiếu PVS, Công ty Cổ phần Các đối tác tài chính IPA bán 600.000 cổ phiếu VSP, Công ty Cổ phần Chứng khoán Đại Việt bán 244.970 cổ phiếu VKP, cổ đông lớn của PAN bán 397.700 cổ phiếu…

Ngược lại, một lực cầu mới cũng đã nhanh chóng vào sàn trong tháng sôi động vừa qua. Ước tính tại các công ty chứng khoán lớn như SSI, VCBS, BVSC, TSC, ACBS, hay tại các đầu mối có dịch vụ trực tuyến mạnh như TVSI, FPTS…, lượng tài khoản mới đã tăng thêm từ 2.000 – 3.000 trong tháng 8. Có thể xem đây là sự cân đối cần thiết với lượng bán ra khá mạnh từ các giao dịch lớn nói trên.

Trở lại phiên hôm nay, lượng mã tăng và giảm khá cân bằng giữa 79 và 76 thành viên; còn lại 5 mã giữ giá tham chiếu. Trong 76 mã giảm đã xuất hiện nhiều cổ phiếu lớn, tiêu biểu như FPT, STB, VNM, VIC, DPM, HPG, PVD, PPC, VSH, SJS, SAM, KDC…

Ngược lại, SSI, ITA, REE, BMI, DHG, LBM… tăng giá khá mạnh. Và đây cũng là phiên ấn tượng của nhiều cổ phiếu có thị giá thấp, phổ biến dưới 25.000 đồng.

Tại sàn Hà Nội, chỉ số HASTC-Index khởi động phiên này với mức tăng đáng kể, lên 197 điểm. Nhưng chỉ số này nhanh chóng đảo chiều và giảm dần về cuối phiên, đóng cửa với mức giảm 5,73 điểm, còn 189,14 điểm. Khối lượng tiếp tục duy trì ở mức cao với 16,75 triệu đơn vị, trị giá gần 792 tỷ đồng.

Tại đây cũng chứng kiến những mức giảm mạnh về giá trị tuyệt đối như mức 8.700 đồng của DTC, 6.300 đồng của ACB, 7.000 đồng của KBC, 7.300 đồng của KKC, 6.000 đồng của RCL và S99, cùng một số mã giảm từ 4.000 – 5.000 đồng.

Phiên hôm nay sàn Hà Nội đón thành viên mới tham gia niêm yết là Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), mã VCG. Với khối lượng niêm yết 149.985.150 cổ phiếu, tương ứng với giá trị niêm yết gần 1.500 tỷ đồng, Vinaconex là doanh nghiệp có quy mô niêm yết lớn thứ 2 trên sàn Hà Nội (sau Ngân hàng Á Châu với hơn 2.630 tỷ đồng).

Mức giá bình quân của VCG qua phiên này là 39.800 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch mạnh, đạt trên 2,35 triệu đơn vị, vượt qua mức 2 triệu đơn vị của đầu tàu quen thuộc ACB và là mã có khối lượng dẫn đầu phiên này. 
(Theo VnEconomy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm