CK ngày 28/8: Thuận lợi đã đi trước?

28/08/2008 16:26 GMT+7 | Thế giới

 
Để ý câu chuyện của nhà đầu tư trên sàn, cũng như trong nhận định của một số công ty chứng khoán, tâm lý chung thời điểm này là bình tĩnh đón điều chỉnh và xem đó là phản ứng bình thường của thị trường

Phiên điều chỉnh mạnh hôm nay có thể gây bất ngờ, nhưng một số nhận định cho đó là một phản ứng bình thường.

Sự kiện giảm giá xăng hôm qua (27/8) vẫn là đề tài được nhiều nhà đầu tư, các thành viên thị trường quan tâm. Nhưng, sau tín hiệu ở phiên trước, sự điều chỉnh đã trải rộng và mạnh hơn, “ngược” với thông tin hỗ trợ nói trên.

Để ý câu chuyện của nhà đầu tư trên sàn, cũng như trong nhận định của một số công ty chứng khoán, tâm lý chung thời điểm này là bình tĩnh đón điều chỉnh và xem đó là phản ứng bình thường của thị trường.

Sự bình thường đó, theo lý giải của một chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Thăng Long (TSC), là sự hài lòng bán ra của nhiều nhà đầu tư, khi đã đạt được kỳ vọng lợi nhuận, khi những thuận lợi từ việc giá xăng giảm đã được "đón đầu", chuyển "nhiệt" vào sàn từ trước.

“Bỏ qua các yếu tố nội tại của các mã cổ phiếu như giá trị hợp lý, hay mức tăng vừa qua đã vượt kỳ vọng nhà đầu tư rất nhiều nên việc chốt lời là hiển nhiên…, thì rõ ràng giá xăng giảm hầu như không tác động đến tâm lý nhà đầu tư hay chỉ tác động rất ít, vì thông tin này những ngày vừa qua đã được phản ánh vào giá cổ phiếu”, chuyên viên này nhận định.

Và theo hướng nhận định này, thì diễn biến tăng mạnh vừa qua của thị trường cũng là bình thường. Trong câu chuyện bên lề với phóng viên sáng nay, một nhà đầu tư cho rằng không thể nói đợt tăng mạnh vừa qua là thiếu cơ sở hoặc nóng sốt…, mà thị trường luôn có lý do của nó.

Trở về phiên giao dịch hôm nay, sự điều chỉnh đã rõ hơn và mạnh hơn. Và một giá trị tiếp tục được khẳng định là tính thanh khoản vượt trội.

Tại sàn Tp.HCM, cầu đã có dấu hiệu giảm bớt và cung tiếp tục tăng lên. Trong đó, điểm hẹn cung - cầu tiếp tục tạo nên một khối lượng giao dịch thành công kỷ lục với tổng 37,14 triệu đơn vị, ứng với giá trị 1.617 tỷ đồng.

Đây là một phiên mất điểm khá mạnh của VN-Index. 12,01 là số điểm mà chỉ số này mất trong đợt 1; mốc 550 điểm cũng chính thức bị xuyên thủng. Cũng trong đợt này, 10,7 triệu đơn vị đã chuyển nhượng xong chỉ trong 30 phút đầu tiên của phiên cũng là một con số hiếm có.

Từ đợt 2, VN-Index tiếp tục giảm thêm và không có bất ngờ nào đến kết thúc phiên. Hàn thử biểu của thị trường giảm chung cuộc 14,16 điểm, về mức 547,69 điểm.

Trên bảng điện tử, sau gần hai tuần nghiêng hẳn về một chiều tăng, màu đỏ đã bao trùm. Có tới 117 mã giảm, 5 mã giữ được giá tham chiếu và chỉ còn lại 38 mã tăng giá.

Trong số 38 mã tăng, nổi bật vẫn là FPT, SSI, SJS, REE, DDM. Nhóm cổ phiếu này tiếp tục chiếm giá trần và không có dư bán. Đây là những cổ phiếu đã tạo được chuỗi tăng giá trần dài nhất trên sàn ở thời điểm này; mức chênh lệch lợi nhuận đã có trên dưới 30% nhưng vẫn vững qua phiên điều chỉnh hôm nay.

Ngược lại, đây cũng là phiên đầu tiên sau một thời gian dài, cơ hội mua vào những mã như BMC, TCT, VIS… mới trở nên thuận lợi. Những điển hình tăng giá mạnh thời gian qua này đều giảm sàn, khi chênh lệch lợi nhuận đã ở mức lớn.

Nhưng tác động mạnh đến VN-Index là một loạt blue-chip giảm giá. Đó là VNM, STB, VIC, VSH, PVD, PPC, HPG, DPM, ITA…

Qua phiên này, VN-Index lại lùi về dưới mốc 550 điểm. Nhưng ghi nhận tại các sàn giao dịch, cũng như trong phản hồi của nhà đầu tư, tâm lý chung đón phiên điều chỉnh này khá bình tĩnh, bởi họ có cùng nhận định thị trường sẽ khó trở lại đà giảm sâu trước đó. Mặt khác, thị trường chứng khoán đang được hỗ trợ từ sự chuyển biến dần của kinh tế vĩ mô. Có thể một thời điểm tích lũy mới bắt đầu, chờ đợi những yếu tố hỗ trợ mới để tiếp tục bật lên.

Một trong những yếu tố được chờ đợi là khả năng giảm lãi suất cơ bản. Dù còn những quan điểm và dự báo khác nhau, nhưng nếu lạm phát hạ nhiệt từ tháng 9 tới, khả năng đó có thể được tính tới. Ngược lại, một số khuyến nghị từ chuyên gia, tổ chức tài chính quốc tế cho rằng Việt Nam không nên chủ quan với lạm phát thời gian tới và thắt chặt tiền tệ vẫn là một giải pháp trọng điểm.

Trên sàn Hà Nội, một phiên điều chỉnh mạnh cũng đã xuất hiện. HASTC-Index mất 4,91 điểm, còn 185,15 điểm. Giá nhiều cổ phiếu tại đây đã giảm mạnh, trong đó có những cổ phiếu lớn như ACB, NTP, PAN, PVI, PVS…

Khối lượng giao dịch tại đây tiếp tục duy trì ở mức cao với gần 20 triệu đơn vị, giá trị giao dịch đạt 744,4 tỷ đồng. Giao dịch mạnh nhưng trên bảng điện tử đã bắt đầu xuất hiện một số cổ phiếu không có giao dịch.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm