Chuyện những người ở lại và trở về: Đưa hai tiếng Việt Nam rạng danh thế giới

22/04/2025 11:12 GMT+7 | Tin tức 24h

Với hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có mạch điện tử Dang Model nổi tiếng cả thế giới tin dùng, ông được xem là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực vi mạch của thế giới. 

Ông là Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Lương Mô - một trong những người góp phần tạo nên con chíp điện tử đầu tiên mang thương hiệu "Made in Việt Nam". Ông còn được biết đến với vai trò là cầu nối, làm đậm đà thêm tình hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản.

Người Việt tiên phong phát triển vi mạch điện tử

Giáo sư Đặng Lương Mô, sinh năm 1936, tại Hải Phòng và chuyển vào Sài Gòn từ năm 1954 cùng gia đình. Ông từng theo học Trường Kỹ sư Công nghệ Sài Gòn và Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) sau đó giành học bổng của Đại học Tokyo (Nhật Bản) ngành Công nghệ điện tử.

"Thời đó, ngành điện tử còn rất mới mẻ trên thế giới nên tôi đã quyết định học lên Tiến sĩ rồi đầu quân cho Tập đoàn Tobisa - tập đoàn điện tử nổi tiếng lúc bấy giờ", Giáo sư Đặng Lương Mô kể lại.

Đến năm 1971, ông trở lại Việt Nam giảng dạy tại Đại học Khoa học Sài Gòn và làm Viện trưởng Học viện Quốc gia Kỹ thuật Sài Gòn (nay là Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Chuyện những người ở lại và trở về: Đưa hai tiếng Việt Nam rạng danh thế giới - Ảnh 1.

Tiến sỹ Đặng Lương Mô (kiều bào Nhật Bản), nhà khoa học nổi tiếng về vi mạch thế hệ đầu tiên đã có nhiều đóng góp cho ngành vi mạch Việt Nam. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

"Khi tôi bắt đầu đi du học Nhật Bản vào năm 1957, tôi vẫn ôm ấp hoài bão là trở về góp phần đóng góp cho đất nước", Giáo sư Đặng Lương Mô chia sẻ lý do quay trở về mặc dù triển vọng phát triển ở Nhật Bản rất lớn. Đất nước sau giải phóng, ông trở lại Nhật Bản tiếp tục học tập và nghiên cứu giảng dạy về bán dẫn - vi mạch tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển Toshiba.

"Thời gian tôi đang làm việc tại đây đúng lúc Nhật Bản khởi động Kế hoạch quốc gia Nghiên cứu phát triển vi mạch siêu vi mô. Cộng đồng thiết kế vi mạch thế giới đang rất cần có một mô hình thích hợp cho vấn đề này", Giáo sư Đặng Lương Mô cho hay.

Năm 1979, giới học thuật chấn động khi ông Đặng Lương Mô công bố "Mô hình Transistor MOSFET" - mô phỏng vi mạch điện tử. Mô hình này được Đại học California (Hoa Kỳ) lồng vào bộ mô phỏng SPICE. Từ đó, mô hình được biết đến với tên gọi "Dang Model" (Mô hình họ Đặng). Từ năm 1980 đến nay, bộ mô phỏng SPICE luôn đóng vai trò chủ chốt trong thiết kế vi mạch, được cả thế giới sử dụng. "Dang Model" xuất hiện trong sách giáo khoa và tài liệu vi mạch tại nhiều quốc gia thế giới. Tên tuổi của ông từ đó không chỉ nổi tiếng ở Nhật mà cả trong giới khoa học quốc tế.

Nhờ những thành tựu này, năm 1983, ông được mời về làm Chủ nhiệm Khoa Điện tử - Tin học của Đại học Hosei (Tokyo) và được phong hàm Giáo sư. "Thật không ngờ, mình là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản phong hàm Giáo sư", Giáo sư Đặng Lương Mô chia sẻ niềm vui.

Mặc dù Nhật Bản là nơi mang đến cho ông cơ hội học tập, nghiên cứu và phát triển nhưng năm 2022, một lần nữa Giáo sư Đặng Lương Mô quyết định quay trở lại Việt Nam, bởi lẽ ông biết rằng hơn lúc nào hết, đất nước cần những người như ông trở về. Ông chia sẻ: "Hơn 40 năm sống ở Nhật Bản, tôi đã chứng kiến sự thay đổi thần kỳ của Nhật Bản và tôi mong muốn rằng Việt Nam cũng có sự phát triển vượt bậc khi đất nước mở cửa".

Trở lại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Giáo sư Đặng Lương Mô đề xuất triển khai chương trình đào tạo cao học điện tử vi mạch, mời nhiều Giáo sư nước ngoài và Việt kiều danh tiếng giảng dạy. Đây là những "viên gạch" đầu tiên xây dựng ngành điện tử Việt Nam sau này. Đến năm 2005, ông đề xuất thành lập Trung tâm Nghiên cứu đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó đơn vị này đã chế tạo con chíp điện tử đầu tiên mang thương hiệu "Made in Việt Nam", chính thức ghi tên Việt Nam lên bản đồ thế giới về vi mạch. Đến nay, Trung tâm ICDREC đã đào tạo ra hàng ngàn chuyên viên về thiết kế vi mạch cung cấp cho thị trường vi mạch trong nước và thế giới.

Cầu nối Việt - Nhật

Không chỉ chuyên tâm nghiên cứu, Giáo sư Đặng Lương Mô còn là người kết nối với các trường Đại học ở Tokyo để đào tạo Tiến sỹ làm giảng viên cho Chương trình sau đại học tại Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và giúp các giảng viên trẻ của Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh sang Đại học HOSEI làm nghiên cứu.

Chuyện những người ở lại và trở về: Đưa hai tiếng Việt Nam rạng danh thế giới - Ảnh 2.

Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Những năm qua, đã có hàng trăm giảng viên sang Nhật Bản làm nghiên cứu theo diện này. Ông vận động Quỹ học bổng Rotary Yoneyama Nhật Bản hàng năm tặng học bổng cho nghiên cứu sinh Việt Nam sang Nhật học Tiến sĩ. Cũng từ năm 2005, từ sự vận động của Giáo sư Đặng Lương Mô, Tập đoàn Toshiba đã cấp học bổng cho hơn 400 sinh viên Việt Nam làm nghiên cứu sinh ở trong nước. Ông cũng trở thành cầu nối để Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Shinshu ký kết hợp tác, hỗ trợ trong giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học; kết nối, mời một số tập đoàn, công ty của Nhật Bản đầu tư vào Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài thời gian nghiên cứu khoa học, Giáo sư Đặng Lương Mô có sự quan tâm đặc biệt đến sự giao lưu văn hóa, văn học với mong muốn làm sâu đậm quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Hơn 20 năm qua, ông dịch nhiều tác phẩm có giá trị về văn hóa, văn học và lịch sử từ tiếng Nhật sang tiếng Việt và ngược lại. Truyện thơ Bích Câu Kỳ Ngộ nổi tiếng của Việt Nam đã được Giáo sư Đặng Lương Mô dịch sang tiếng Nhật và nhận sự tán thưởng của đông đảo cộng đồng yêu thơ văn ở Nhật Bản. Tác phẩm sau đó được chuyển thể thành một vở nhạc kịch có vũ điệu với tên gọi Kigu (nghĩa là Kỳ Ngộ). Vở nhạc kịch được đưa về Việt Nam, công diễn lần đầu tiên tại Hà Nội hồi cuối năm 1998.

Ông cũng được lãnh đạo Đảng, Thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng những cuốn sách nổi tiếng như: "Mười hai người lập ra nước Nhật" (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành năm 2004), "Cuộc Duy Tân Minh Trị (1858-1881), một cuộc cách mạng hiếm thấy trong lịch sử" (Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phát hành năm 2022)…

Với hơn 300 công trình nghiên cứu và 10 bằng phát minh, sáng chế, nhiều công trình, trích dẫn của Giáo sư Đặng Lương Mô đã được trích đăng hoặc trích dẫn trong các sách nghiên cứu xuất bản tại Hoa Kỳ, nhất là sách giáo khoa sử dụng tại các trường đại học.

Ông được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học New York từ năm 1992, là hội viên thượng cấp của Hội Kỹ sư điện - điện tử - tin học Hoa Kỳ (IEEE). Giáo sư Đặng Lương Mô cũng được trao tặng "Giải thưởng Vinh danh nước Việt", trở thành nhà khoa học tiên phong phát triển ngành vi mạch điện tử Việt Nam. Ông còn có tên trong Danh sách những "Người nổi tiếng Thế giới" (Marquis Who's Who In The World).

Những năm gần đây, Giáo sư Đặng Lương Mô chú trọng lĩnh vực nghiên cứu sản xuất phần mềm trí tuệ nhân tạo và cũng là một trong những người tiên phong trong việc đưa kiến thức phần mềm trí tuệ nhân tạo với sinh viên Việt Nam. Ông luôn khát khao huy động trí tuệ của những người làm khoa học để tạo ra ngày càng nhiều của cải vật chất, làm cho đất nước giàu mạnh, đưa trí tuệ Việt vang danh thế giới.

Xuân Khu - Đinh Hằng/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm