Chuyện những người ở lại và trở về (Bài 1): Từ sĩ quan chế độ cũ đến đại biểu Quốc hội

22/04/2025 08:15 GMT+7 | Tin tức 24h

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày 30/4/1975 lịch sử, đất nước đã chuyển dần sang một trang sử mới. Năm mươi năm qua, dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng vẫn có những con người luôn âm thầm cống hiến tài năng, tâm huyết cho sự phát triển của đất nước. Họ - những người đồng lòng ở lại để tái thiết quê hương sau chiến tranh, người dù đã rời xa nhưng vẫn nguyện quay trở về để xây dựng đất nước. Chính tâm huyết và tình yêu quê hương, đất nước của những con người như họ góp phần làm nên một Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ hôm nay.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 4 bài viết về những người "ở lại để tái thiết quê hương - trở về để dựng xây đất nước" sau năm 1975.

Giáo sư Trần Đông A, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh, một bác sĩ ngoại khoa nổi tiếng, người được biết đến với sự thành công của ca mổ tách rời song sinh Việt - Đức vang danh thế giới. Ít ai biết rằng, ông từng có một thời gian là bác sĩ quân y của chế độ cũ. Sau ngày 30/4/1975, ông không rời Việt Nam, quyết tâm ở lại thực hiện sứ mệnh chữa bệnh, cứu người.

Tôi ở lại vì trẻ em Việt Nam cần tôi

Giáo sư Trần Đông A, sinh năm 1941, là con thứ 5 trong gia đình có truyền thống theo kháng chiến. Năm 11 tuổi, cha đưa ông vào Sài Gòn và cả gia đình phải sống trong cảnh chia cắt. Từ nhỏ ông đã học rất giỏi và ước mơ trở thành bác sĩ. Sau khi tốt nghiệp y khoa, ông buộc phải sung quân và trở thành bác sĩ quân y của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Với suy nghĩ "là người làm nghề y, hễ ở đâu cũng là để cứu người", không ít lần ông đã giấu cấp trên cứu chữa, phẫu thuật cho binh lính ở cả 2 bên chiến tuyến.

Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, chứng kiến biết bao sự chia ly, tang thương, nhất là phải phẫu thuật những vết thương do bom đạn gây ra thế nên ông vẫn luôn khao khát về một ngày đất nước hòa bình. Ngày 30/4/1975, ước mơ trở thành hiện thực, ông hòa cùng dòng người chứng kiến quân giải phóng cắm cờ lên nóc dinh Độc Lập. "Lúc này, niềm hạnh phúc vì đất nước hòa bình, thống nhất đã lấn át tất cả", Giáo sư Trần Đông A nhớ lại.

Chuyện những người ở lại và trở về (Bài 1): Từ sĩ quan chế độ cũ đến đại biểu Quốc hội - Ảnh 1.

Giáo sư Trần Đông A. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Sau ngày giải phóng cũng như bao người từng làm việc cho chế độ cũ, ông Trần Đông A buộc phải tham gia chương trình cải tạo kéo dài hơn 2 năm, ông vui vẻ chấp nhận. Chỉ 6 tháng sau cải tạo, ông được bổ nhiệm làm Trưởng khoa tại Bệnh viện Nhi đồng 2, sau đó trở thành Phó Giám đốc Bệnh viện. Sau này, trong một dịp cùng Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam làm việc tại Mỹ, có người đã hỏi ông về thời gian cải tạo này, ông thẳng thắn trả lời: "Dù đây là khoảng thời gian khó khăn nhưng vô cùng cần thiết, bởi cũng chính thời gian này tôi đã hiểu hơn về cách sống, cách làm việc tích cực dưới chế độ mới".

Đến giai đoạn 1981-1982, ông một lần nữa rơi vào cảnh phải lựa chọn giữa ra đi hay ở lại. Lúc này, đất nước còn nhiều khó khăn, gia đình ông là một trong 30 gia đình được bảo lãnh chính thức sang Hoa Kỳ định cư. Song, một quyết định "lịch sử" đã được đưa ra, ông từ chối và quyết định ở lại. "Tôi ở lại vì trẻ em Việt Nam cần tôi", câu trả lời ngắn gọn nhưng vô cùng kiên định của bác sĩ Trần Đông A lúc bấy giờ khiến nhiều người ngỡ ngàng. Tuy nhiên, ông từng thừa nhận việc từ chối sang Hoa Kỳ định cư là quyết định khó khăn lúc bấy giờ.

"Nhiều người nói tôi dại vì với tay nghề của mình, lại nhận được sự bảo lãnh đặc biệt tôi hoàn toàn có được cuộc sống và công việc ở Hoa Kỳ mà nhiều người mơ ước, nhưng tôi quyết định ở lại đất nước. Với tôi, đó là quyết định lịch sử, đặc biệt quan trọng của cuộc đời. Sau đó và tới tận bây giờ, tôi vẫn luôn thấy đó là quyết định đúng đắn. Tôi rất hạnh phúc", Giáo sư Trần Đông A chia sẻ.

Đưa y học Việt Nam vang danh thế giới

Sau quyết định ở lại, bác sĩ Trần Đông A dốc hết tâm sức cho sự nghiệp y khoa. Ông là bác sĩ đưa nhiều kỹ thuật phẫu thuật ngoại khoa trẻ em tiên tiến trên thế giới về Việt Nam. Dưới bàn tay phẫu thuật khéo léo của ông, rất nhiều trẻ em mắc các dị tật bẩm sinh nguy hiểm được cứu sống.

Đặc biệt, năm 1988, ông cùng hơn 60 y bác sĩ khác đã phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh dính liền Việt - Đức. Sau 17 giờ, ca mổ tách rời đầu tiên ở Việt Nam đã thành công. Hai đứa trẻ Việt và Đức chính thức có hai cuộc đời riêng. Thành công của ca mổ đã đưa tên tuổi của bác sĩ Trần Đông A vang danh khắp thế giới. Dù điều kiện trang thiết bị, thuốc men khó khăn nhưng bác sĩ Trần Đông A và các cộng sự đã phẫu thuật thành công một trường hợp song sinh dính liền phức tạp như thế. Trước đó, trên thế giới mới chỉ có 6 ca phẫu thuật tách song sinh dính liền được thực hiện. Năm 1991, ca phẫu thuật Việt - Đức đã được đưa vào sách kỷ lục Guinness thế giới.

Chuyện những người ở lại và trở về (Bài 1): Từ sĩ quan chế độ cũ đến đại biểu Quốc hội - Ảnh 2.

Trong ảnh: Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm trao tặng bằng khen cho Giáo sư Trần Đông A - Cố vấn chuyên môn ca phẫu thuật. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Hơn 30 năm sau, ở tuổi 78, Giáo sư Trần Đông A tiếp tục trở thành "nhạc trưởng" trong ca đại phẫu thuật tách rời cặp song sinh dính liền Trúc Nhi - Diệu Nhi, một ca phẫu thuật phức tạp không kém trường hợp Việt - Đức năm xưa. Khi ca phẫu thuật thành công, ông không kìm được rưng rưng xúc động: "Tôi vô cùng hạnh phúc khi mà trong 32 năm qua, tôi được tham gia vào hai ca phẫu thuật tách dính song sinh thuộc loại khó, hiếm như Việt-Đức và Trúc Nhi-Diệu Nhi".

Một niềm vui bất ngờ đối với Giáo sư Trần Đông A đó là trở thành đại biểu Quốc hội Khóa XI, XII, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động. Trở thành đại biểu Quốc hội. Ông góp sức vào việc xây dựng Luật phòng, chống truyền nhiễm, Luật ghép tạng, Luật bảo hiểm y tế... những chính sách quan trọng liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Ông còn là Viện sĩ người Việt Nam đầu tiên tại Viện Hàn lâm Khoa học New York, người thầy của các thế hệ bác sĩ Việt Nam, cứu tinh của hàng triệu trẻ em Việt Nam.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 nhận xét: "Giáo sư Trần Đông A là người đặt viên gạch đầu tiên và là cánh chim đầu đàn của chuyên ngành ngoại nhi ở Việt Nam. Thầy là người thầy đúng nghĩa, hết lòng vì học trò, nhiệt huyết với công việc và đam mê tìm hiểu khám phá các phương pháp điều trị mới, tốt nhất và tiết kiệm chi phí cho người bệnh".

Trong suốt cuộc đời y nghiệp, Giáo sư Trần Đông A luôn tâm niệm, y học là ngành khoa học phục vụ con người, người thầy thuốc cần trung thành với lời thề Hippocrates, với lý tưởng cứu người đã chọn. Và điều mà ông luôn cảm thấy hạnh phúc nhất cho đến ngày hôm nay là được sống trọn vẹn với sứ mệnh cứu người ngay tại chính quê hương, đất nước mình./.(Còn tiếp)

Bài 2: "Bà tiên" tận hiến vì đất nước

Đinh Hằng/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm