22/04/2025 10:41 GMT+7 | Tin tức 24h
Năm 1978, sau 18 năm sinh sống và học tập tại Pháp, Tiến sĩ Lương Bạch Vân quyết định đưa gia đình trở về Việt Nam trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Chuyến "bơi ngược dòng" trở về quê hương của bà đã trở thành bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Đến bây giờ, nhìn lại con đường đi của mình, bà vẫn luôn tự hào đã góp một chút tâm sức nhỏ bé trong "cơ đồ" đất nước hôm nay.
Đi để trở về
Sinh năm 1946 ở Sài Gòn nhưng cô bé Lương Bạch Vân chưa từng một lần biết mặt bố. Bố cô - một chiến sĩ biệt động thành hoạt động bí mật khi hay tin con gái chào đời đã về thăm nhà nhưng chưa kịp thấy mặt con thì bị mật thám phục kích bắt và thủ tiêu.
Cô bé Lương Bạch Vân chỉ biết về bố qua lời kể của bà nội. Đến năm 1960, mẹ của Lương Bạch Vân lúc bấy giờ ở Pháp đã bảo lãnh cô sang Pháp định cư. "Ngày rời Sài Gòn, tôi tự hứa với mình rằng tôi sẽ trở lại với mảnh đất, với thành phố này", bà Vân nhớ lại.
Với quyết tâm đó, khi đặt chân đến đất Pháp, cô bé Lương Bạch Vân không đăng ký nhập quốc tịch Pháp, quyết tâm giữ quốc tịch Việt Nam. Bà nói với mẹ rằng: "Con là người Việt Nam, con sang đây để học thôi, rồi con sẽ trở về Việt Nam". Những tưởng đó là lời nói của một cô bé tuổi còn non nớt nhưng không, trong suốt những năm ở Pháp, Lương Bạch Vân luôn không ngừng trau dồi kiến thức, trang bị thật nhiều hành trang trí thức để chuẩn bị cho ngày trở về.
Tiến sĩ Lương Bạch Vân (phải) có rất nhiều cống hiến cho sự phát triển của ngành nhựa Thành phố Hồ Chí Minh cũng như kết nối giữa kiều bào và đất nước. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN
Bước ngoặt đầu tiên là lần tham gia trại hè sinh viên Việt Nam tại Pháp năm 1962, cũng từ đây bà được giác ngộ lý tưởng cách mạng và bắt đầu hoạt động trong phong trào du học sinh yêu nước.
Bà vẫn nhớ khi còn là sinh viên năm thứ nhất, trong một lần lên lớp, Giáo sư Nguyễn Trọng Anh, giảng viên môn Hóa lượng tử vừa giảng bài xong đã đột ngột nói trước hội trường khoảng 500 sinh viên mà trong đó hầu hết là sinh viên Pháp rằng, ông không hài lòng với chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ, quân đội đang ném bom ở Việt Nam...
Lúc này, một sinh viên người Pháp đã yêu cầu Lương Bạch Vân nói thêm về cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Dù lần đầu tiên đứng trước đám đông nhưng bà không ngần ngại nêu lên tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến mà các thế hệ người Việt Nam không tiếc máu xương đứng lên giải phóng dân tộc. Sau ngày hôm đó, Lương Bạch Vân cùng các sinh viên Việt Nam càng có ý thức theo dõi, cập nhật tình hình đấu tranh ở trong nước để thông báo với bạn bè quốc tế.
Năm 1968, khi chiến dịch Mậu Thân đang đến hồi cam go, khốc liệt, lòng của Lương Bạch Vân và các du học sinh yêu nước nóng như lửa đốt. "Chúng tôi muốn về ngay để hòa vào dòng chảy đấu tranh cách mạng lúc bấy giờ. Chúng tôi không chịu được khi nghĩ đến biết bao người đang hi sinh xương máu chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc còn mình thì được sống đủ đầy ở Paris", bà Vân nhớ lại.
Tuy nhiên, đại diện của phong trào Việt kiều yêu nước đã đề nghị các sinh viên tiếp tục học tập, những kiến thức này sẽ rất cần thiết để xây dựng đất nước.
Năm 1976, bà Lương Bạch Vân được vinh dự đại diện cho kiều bào Pháp về Hà Nội tham dự kỳ họp Quốc hội đầu tiên. Sau kỳ họp, bà bắt xe vào miền Nam thăm gia đình. Trên hành trình mấy ngày đêm xuyên Việt ấy, chứng kiến đất nước hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh, ý định trở về để góp phần tái thiết đất nước của bà Lương Bạch Vân lại mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Sau khi nhận bằng Tiến sĩ hóa học cao phân tử vào năm 1978, dù đang công tác tại Trung tâm năng lượng nguyên tử Saclay (Pháp), bà quyết định trở về Việt Nam và được chồng là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bình ủng hộ. Thế là chuyến tàu lửa đặc biệt từ Pháp xuyên qua nhiều nước đã đưa gia đình 5 người gồm hai vợ chồng bà Lương Bạch Vân cùng 3 con trở về Việt Nam, bắt đầu một hành trình mới.
Dấn thân và cống hiến
Ngay sau khi về nước, Tiến sĩ Lương Bạch Vân cùng chồng nhận công tác tại Viện Kỹ thuật quân sự Hà Nội, đến năm 1983, gia đình bà chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh, công tác tại Trung tâm Kỹ thuật chất dẻo thuộc Liên hiệp xí nghiệp nhựa Thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh: Xuân Khu-TTXVN
"Nhiều người khuyên tôi nên xin về viện nghiên cứu nào đó để nhàn hạ hơn nhưng tôi nghĩ đất nước mình cần phải sản xuất rất nhiều thứ và mình về để xây dựng đất nước, giúp đất nước phát triển chứ không phải để hưởng sự nhàn hạ", bà Lương Bạch Vân chia sẻ.
Nói là làm, với kiến thức đã học và kinh nghiệm làm việc ở Pháp, bà bắt tay nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống người dân. Hưởng ứng chính sách Kế hoạch hóa gia đình của Nhà nước, Tiến sĩ Lương Bạch Vân đề xuất với ông Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy giờ, được sản xuất vòng tránh thai theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhận được sự đồng ý của lãnh đạo Thành phố, bà đến Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh để thí nghiệm trên chó, thỏ, mèo, chuột, sau đó lên Viện Hạt nhân ở Đà Lạt để khử trùng sản phẩm bằng tia phóng xạ, rồi đến các bệnh viện sản khoa để thử nghiệm trên người.
Sau khi thành công, bà nhờ bạn bè ở nước ngoài mua nguyên liệu chuyển về và sản xuất 4 triệu vòng tránh thai theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngay cả các chuyên gia của Liên hiệp quốc khi đến Việt Nam bày tỏ sự ngạc nhiên khi Việt Nam có thể sản xuất được vòng tránh thai đạt chuẩn trong điều kiện khó khăn về kinh tế, non kém về khoa học kỹ thuật.
Một lần khác, bà được ông Mai Chí Thọ, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng nghiên cứu sản xuất các sản phẩm bằng composite phục vụ đời sống. Từ các công trình nghiên cứu của bà Lương Bạch Vân và cộng sự tại Trung tâm Kỹ thuật chất dẻo, những chiếc xuồng ba lá, ghe tam bản, bồn chứa nước bằng composite được sản xuất hàng loạt, cung cấp cho nông dân. Bà còn lặn lội đến các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long giúp người dân làm màng địa chất nuôi tôm, đi lên Tây Nguyên nghiên cứu làm túi chứa nước phục vụ trong mùa khô cho đồng bào vùng cao.
Sau khi nghỉ hưu, Tiến sĩ Lương Bạch Vân được mời về công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách mảng đối ngoại nhân dân và làm cầu nối với kiều bào. Bằng sự khéo léo và kinh nghiệm thực tế của chính bản thân, bà đã thành công giúp các Việt kiều trong hành trình trở về, đầu tư vào Việt Nam, góp phần vào thành công của chính sách hòa hợp dân tộc.
Nhìn lại hành trình trở về, Tiến sĩ Lương Bạch Vân cho biết dù gặp không ít khó khăn, trở ngại nhưng bà chưa từng có ý định buông xuôi, rời bỏ đất nước. Bà tâm sự: "Đất nước mình như một cỗ máy đang lên dốc, mỗi người đều phải có trách nhiệm ghé vai cùng đẩy cỗ máy đó vượt lên". Đồng hành cùng đất nước trong gần 50 năm qua, nhìn cơ đồ đất nước ngày hôm nay, Tiến sĩ Lương Bạch Vân không khỏi tự hào vì mình đã đóng góp được một chút công sức nhỏ bé. Và người phụ nữ ấy chưa bao giờ hối hận về quyết định trở về năm xưa, bởi với bà, tình yêu nước luôn hiện diện như dòng máu chảy trong huyết quản, trong từng nhịp đập của trái tim.
Bài cuối: Đưa hai tiếng Việt Nam rạng danh thế giới
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất