03/02/2015 08:09 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Năm nay (tức năm Giáp Ngọ) nhuận tháng Chín, nên đời sống và tiết trời có đôi chút ngỡ ngàng. Lẽ ra bây giờ đã sang Rằm tháng Giêng Âm lịch rồi, vì thế từ lâu, dù còn chán mới đến Tết, hoa đào đã tràn về phố, đem cái Xuân đến sớm hơn so với lịch.
Không để lỡ mất Xuân, người Hà Nội năm nay chấp nhận chơi đào sớm. Và như vậy, xuân năm nay có thể dài hơn. Mới có mồng bảy mồng tám tháng Chạp đã thấy nhiều nhà trưng đào. Những bình đào bích, đào phai nở mãn khai đem nét xuân đến với phố phường. Chưa tới Rằm tháng Chạp đã thấy trên các xe thu rác những cành đào sớm rụng hết cánh, chỏng chơ về bãi rác…
Mươi năm về trước, khi làng đào Nhật Tân, Quảng Bá đất đai lên giá và những vườn đào thành dự án cao ốc, building, nhiều người Hà Nội lo xa nghĩ đến một ngày nào đó Hà Nội mất đào và cả thú chơi đào. Nhưng sự đời vốn không phài lúc nào cũng vậy. Mất dinh đào Nhật Tân, Quảng Bá, đào ra Phú Thượng, đào ra ngoài bãi. Hơi lộng gió một chút, mất công đi lại chăm tỉa, nhưng vì thế đào vẫn còn. Vẫn còn những mùa đào Hà Nội…
***
Đào là di sản văn hóa đất Thăng Long, nên dầu đô thị hóa, người Hà Nội vẫn có thể quy hoạch đất cho đào. Tôi trở lại Nhật Tân, dân chơi đào vẫn còn nhiều nghệ nhân. Họ ngày đêm chăm chút những gốc đào thế, đào cội trong mảnh vườn bé nhỏ. Và ngoài bãi phía sông Hồng là bạt ngàn ruộng đào. Hà Nội chẳng thể để mất những mùa hoa đào.
Nếu không lượn một vòng các làng hoa cũ và mới, thì nỗi lo là có thật. Hoảng hơn khi một dạo có lẽ người ta sợ mất đào, sợ mai sau không hình dung nổi hình dáng bông hoa đào nên trên cái cổng chào đầu đường Lạc Long Quân phía Nhật Tân, người ta trưng biểu tượng hoa đào. Nhìn cái bông hoa bằng composite cánh to bằng cái nong cái nia, vừa không giống cánh hoa đào vừa thô kệch, tôi thầm trách ai đó đã không hiểu người Hà Nội.
Cái gì thuộc về sự hào hoa, sảnh điệu và nghệ thuật thì vẫn tồn tại. Nét truyền thống trong cách sinh hoạt, ăn chơi của người kinh kỳ xưa nay vẫn thế. Đừng quá bi quan!
Cuộc sống vốn có những điều kì diệu. Và quy luật có cầu có cung muôn đời tồn tại, nên nhiều nơi chia sẻ với xứ đào Hà Nội, tạo dựng những làng hoa đào mới, những Tây tựu, La Cả… bây giờ cũng đã bắt đầu nổi tiếng. Không quá lạc quan nhưng có thể tin vào cuộc sống. Tự thân cuộc sống biết thu vén, biết vượt lên để cái Đẹp tồn tại.
***
Nghề trồng đào là một nghệ thuật, là một phần di sản truyền thống cần được bảo tồn. Từng thăm các làng hoa nhiều miền đất tôi phát hiện rằng chỉ Hà Nội mới là quê hương của hoa đào. Đào Hà Nội đẹp không chỉ ở dáng hoa, bố cục cành mà chính ở độ sum suê chồi nụ, độ lớn và nhiều cánh của bông hoa… Để có được điều đó không chỉ có kỹ thuật chăm sóc mà còn cần cả nghệ thuật, cả sự tinh tế của người trồng hoa…
Bạn tôi vừa từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Ngỡ có công cán gì, hóa ra anh ra chỉ vì nhớ mùa hoa đào Hà Nội, ngoài một số việc riêng. Anh mê đào tới mức vài năm một bận, ra Bắc dịp trước Tết tìm mọi cách kiếm cho đuợc chậu đào thế ưng ý chuyển lên tàu về Nam… Năm nay như đoán được đào sẽ nở sớm vì năm nhuận, mà tiết xuân thì không thể lùi, anh lại ra để chọn lấy một gốc đào cổ mà chủ vườn chỉnh rất chuẩn, để đào ra hoa đúng Tết.
Nghề chơi quả lắm công phu.
Và chỉ cần bấy nhiêu, đủ tôn vinh hoa đào Hà Nội.
Tân Linh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất